Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng với cơ cấu kinh tế có tính bổ trợ lẫn nhau và kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều đang tăng trưởng mạnh mẽ, Việt Nam và I-xra-en sẽ đạt được nhiều lợi ích hơn nữa khi các ưu đãi và lợi thế từ VIFTA được tận dụng hiệu quả.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị hai bên tăng cường phối hợp và trao đổi đoàn giữa các Bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp… để cùng tìm kiếm, thúc đẩy các cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư, xây dựng và quảng bá thương hiệu tại các hội chợ, triển lãm được tổ chức ở cả Việt Nam và I-xra-en.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đặc biệt khuyến khích các doanh nghiệp I-xra-en đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp vật liệu, công nghệ thông tin, sản xuất xanh, sản xuất sạch…, đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề nghị I-xra-en chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ trong lĩnh vực kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng…
Về phía mình, Bộ trưởng Nir Barkat đồng ý tiếp tục triển khai các hoạt động hợp tác, trao đổi giữa hai Bộ, cũng như thúc đẩy các chương trình xúc tiến thương mại, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp I-xra-en và Việt Nam trong kinh doanh và đầu tư để có thể tận dụng các cam kết của Hiệp định FTA Việt Nam – I-xra-en khi ngay khi hiệp định được ký kết và có hiệu lực.
Tiếp đó, hai bên đã thống nhất ra Tuyên bố về việc kết thúc đàm phán Hiệp định FTA Việt Nam và I-xra-en. Cả 02 Bộ trưởng đánh giá cao nỗ lực của 02 đoàn đàm phán Việt Nam và I-xra-en trong suốt 7 năm với 12 phiên đàm phán, vượt qua những khó khăn và thách thức trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19 để cuối cùng đạt được thỏa thuận phù hợp với mong muốn và lợi ích của cả 02 nước. Với việc chính thức kết thúc đàm phán, hai nước tiếp theo sẽ sớm xúc tiến các công tác nội bộ và pháp lý cuối cùng để chuẩn bị cho việc ký Hiệp định FTA Việt Nam – I-xra-en dự kiến ngay trong năm 2023 chào mừng 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 02 nước.
I-xra-en là một trong những đối tác hợp tác thương mại, đầu tư và lao động quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực. I-xra-en hiện là thị trường xuất khẩu đứng thứ ba, là đối tác thương mại lớn thứ năm của Việt Nam tại khu vực Tây Á và được đánh giá là thị trường lớn, tiềm năng tại Tây Á.
Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với I-xra-en đạt 2,2 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến I-xra-en đạt 785,7 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ I-xra-en đạt 1,4 tỷ USD.
Minh Anh