Ghi nhận nhiều điểm sáng
Báo cáo tổng kết công tác 2018 cho biết, khu vực công nghiệp tăng 8,79%, đóng góp 2,85 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng của khu vực công nghiệp và là động lực chính của tăng trưởng với mức tăng 12,98%.
Hoạt động xuất nhập khẩu năm 2018 của Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả ấn tượng, đóng góp tích cực vào bức tranh tăng trưởng chung của nền kinh tế cả nước. Quy mô xuất nhập khẩu tăng trưởng ở mức cao, vượt mốc 480 tỷ USD. Năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 482,236 tỷ USD, tăng 12,64% so với năm 2017. Xuất khẩu tăng mạnh. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 244,7 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ đặt ra (chỉ tiêu Quốc hội giao tăng 7 - 8%; chỉ tiêu Chính phủ giao tăng 8 - 10%). Nhập khẩu được kiểm soát tốt, cán cân thương mại duy trì thặng dư năm thứ 3 liên tiếp. Kim ngạch nhập khẩu năm 2018 ước đạt 237,5 tỷ USD, tăng 11,5%; Thặng dư thương mại năm 2018 đạt khoảng 7,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Con số xuất siêu của Việt Nam trong năm nay đã gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Thương mại trong nước đã nỗ lực vượt qua khó khăn để đạt được các chỉ tiêu của ngành. Lưu thông hàng hóa được đẩy mạnh và thông suốt, đáp ứng tốt nhu cầu, nhất là nhu cầu đối với hàng hóa thiết yếu cho người dân ở mọi miền đất nước và trong những giai đoạn tiêu dùng cao điểm.
Mặt khác, trong bối cảnh xung đột thương mại đang diễn ra trên bình diện quốc tế, ta đã có những bước đi khá vững chắc để đa dạng hóa thị trường và mặt hàng, giúp nền kinh tế có khả năng chống chọi tốt hơn với các biến động trên quy mô toàn cầu.
Các cam kết quốc tế trong các hiệp định FTA thế hệ mới giúp ta có điều kiện chủ động tiến hành đổi mới thể chế, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh và từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, thể hiện rõ nhất thông qua các số liệu tăng trưởng xuất nhập khẩu.
Về công tác đổi mới doanh nghiệp: Năm 2018, Bộ Công thương triển khai công tác tái cơ cấu doanh nghiệp tại các đơn vị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu. Về công tác cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp: Bộ Công Thương đã chỉ đạo PVN, EVN thực hiện thành công công tác cổ phần hóa và chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần đối với BSR, PVPOWER, PVOIL và EVENGENCO3.
Công tác cải cách hành chính, tổ chức bộ máy; cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành, Công tác đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ... được ngành công thương đặc biệt quan tâm.
Toàn cảnh Hội nghị
Mục tiêu đặt ra cho ngành công thương trong năm 2019 là tập trung thực hiện để bảo đảm hoàn thành mục tiêu chung của Chính phủ trong chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội đất nước, cụ thể là: Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước đạt khoảng 6,8%. Chú trọng tăng trưởng chất lượng, bền vững, hiệu quả và sáng tạo; nâng cao năng suất lao động; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành, lĩnh vực; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển khoa học và công nghệ, phát huy đổi mới, sáng tạo và đẩy mạnh khởi nghiệp nhằm tận dụng các cơ hội phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường và cải thiện đời sống nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; duy trì môi trường hòa bình, ổn định phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Để tiếp tục phát triển mạnh mẽ
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Sự phát triển của đất nước không thể thiếu vai trò của ngành công thương. Sau 30 năm đổi mới, ngành công thương không ngừng lớn mạnh, đóng vai trò là ngành mũi nhọn; động lực chính trong tăng trưởng của nền kinh tế nằm ở ngành công thương. Hiện công nghiệp và thương mại đóng góp 80% GDP, 70% ngân sách nhà nước.
Năm 2018, ngành công thương đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nhiều chỉ tiêu vượt xa yêu cầu đề ra; ngay từ quý I đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ và đã thành công.
Thủ tướng đặc biệt đánh giá cao sự phát triển của nhiều lĩnh vực, như: công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp phụ trợ; năng lực sản xuất, năng lực dịch vụ; kim ngạch xuất khẩu (lần đầu tiên vượt 40 tỷ USD), những thị trường lớn trên thế giới đều có mặt hàng Việt Nam, nhiều ngành hàng Việt Nam đứng đầu thế giới về xuất khẩu (dệt may, da giày, đồ gỗ…)... Đồng thời, Thủ tướng đánh giá cao công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương thành công, sự đóng góp của ngành công thương, CBCNV của ngành cho sự phát triển của nền kinh tế.
Mặc dù vậy, Thủ tướng cũng yêu cầu ngành công thương nhìn thẳng vào những tồn tại, hạn chế để rút kinh nghiệm và tiếp tục làm tốt hơn nữa vai trò của ngành. Cụ thể là: Tính chủ động chưa cao; một số quy hoạch còn chậm triển khai hoặc triển khai chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển chung; Mức độ liên doanh, liên kết giữa các ngành, doanh nghiệp còn hạn chế, chưa đi vào chiều sâu; Việc tiếp nhận, chuyển giao công nghệ còn hạn chế; Chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn; Tổ chức thị trường trong nước còn nhiều bất cập; Mặt bằng cho sự phát triển còn nhiều khó khăn; Gian lận thương mại, hàng giả còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến người tiêu dùng, đến sản xuất kinh doanh... Từ đó yêu cầu lực lượng quản lý thị trường làm tốt hơn nhiệm vụ, giám sát quyết liệt hơn; Thương mại điện tử phát triển chậm; Công tác thông tin truyền thông về môi trường chưa hiệu quả; Dịch vụ logistics phát triển chậm, ảnh hưởng đến kinh doanh, thương mại…
Theo Thủ tướng, Việt Nam phải là công xưởng của thế giới, là địa bàn đầu tư… Vì vậy, cần tạo môi trường thuận lợi cho phát triển. Trong 12 chữ Chính phủ đưa ra, có “bứt phá”, Thủ tướng yêu cầu ngành công thương lưu tâm.
Về nhiệm vụ 2019, Thủ tướng nhất trí với mục tiêu mà Bộ Công thương đưa ra. Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh việc đảm bảo điện cho phát triển kinh tế - xã hội, đừng để “nước đến chân mới nhảy” trong cung cấp năng lượng.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đưa ra một số vấn đề quan trọng yêu cầu ngành công thương đặc biệt quan tâm, như: Vấn đề khoa học công nghệ, CMCN 4.0 được đặt ra mạnh mẽ; Tập trung giải quyết thể chế; Công bố quy hoạch trong ngành không để xảy ra tình trạng xin, cho; Tập trung triển khai quyết liệt phát triển công nghiệp quốc gia 2020 - 2030; Đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa một cách thực chất, mạnh mẽ, hiệu quả; Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, hướng vào nhiều thị trường lớn; phòng vệ thương mại phải được tăng cường, củng cố. Nhấn mạnh vai trò hiệp hội trong bảo vệ ngành hàng; Điều chỉnh chủ trương, chính sách, theo dõi công tác diễn biến thị trường trong nước, quốc tế để có những phản ứng mau lẹ, kịp thời; Phải tổ chức lại lực lượng quản lý thị trường, hoạt động hiệu quả, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước; Triển khai có hiệu quả chiến lược phát triển thương mại, bán lẻ… không để thị trường bán lẻ rơi vào tay doanh nghiệp ngoại; Đảm bảo an toàn thực phẩm cho sản xuất và xuất khẩu, xử lý nghiêm tổ chức và cá nhân vi phạm…
Thủ tướng tin tưởng ngành công thương tiếp tục phát triển mạnh mẽ vì quyền lợi của nhân dân.
Minh Anh