Tham dự Lễ khai mạc, có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, cùng đại diện các bộ, ban, ngành, cơ quan  trung ương và địa phương, đông đảo nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Gia Lai và du khách khắp nơi.

Khai mạc Festival văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai 2018: Hoành tráng - Ấn tượng – Bản sắc - Hình 1

Lễ khai mạc được dàn dựng công phu, hoành tráng và ấn tượng

Festival văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018 là sự kiện văn hóa quan trọng nhằm tôn vinh, gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên – di sản văn hóa truyền khẩu phi vật thể của nhân loại. Thông qua chương trình này, tỉnh Gia Lai cũng mong muốn truyền bá các giá trị truyền thống đặc sắc của các dân tộc bản địa Tây Nguyên.

Khai mạc Festival văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai 2018: Hoành tráng - Ấn tượng – Bản sắc - Hình 2

Khai mạc Festival văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai 2018: Hoành tráng - Ấn tượng – Bản sắc - Hình 3

Những màn múa, trình diễn nhạc cụ để lại ấn tượng khó quên cho những người tham dự

Chương trình lễ khai mạc được dàn dựng công phu và ấn tượng, đậm đà bản sắc dân tộc và đậm chất sử thi. Mở màn là đại cảnh múa hát được dàn dựng theo lối sử thi với phần hòa tấu cồng chiêng và ca khúc “Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên”. Trong không gian mô phỏng, những bản hùng ca về tình yêu quê hương, đất nước và con người Tây Nguyên đã được tái hiện một cách đặc sắc, rộn ràng, sôi động.

Tiếp theo là chương trình văn nghệ với chủ đề “Cồng chiêng và lễ hội dân gian Tây Nguyên” và chương ba là “Cồng chiêng Tây Nguyên – Nhịp nối những trái tim” đã mang đến cho du khách trong và ngoài tỉnh những màn trình diễn ấn tượng, mang đậm bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc anh em tại Tây Nguyên. Xuyên suốt lễ khai mạc là những bản hòa tấu cồng chiêng kết nối khối đại đoàn kết dân tộc.

Khai mạc Festival văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai 2018: Hoành tráng - Ấn tượng – Bản sắc - Hình 4

Những nghệ nhân nhí sẽ là người kế thừa, giữ gìn và phát huy những nét độc đáo của dân tộc mình

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn tất cả đồng bào các dân tộc trong khối đại đoàn kết, chính quyền địa phương sẽ cùng nhau đưa Tây Nguyên trở thành cao nguyên trù phú về nông nghiệp hữu cơ, đa dạng về sinh thái, giàu có về vốn văn hóa, là chìa khóa cho việc vươn lên làm giàu. Đồng thời, đưa Tây Nguyên trở thành biểu tượng đặc biệt cho Du lịch Việt Nam mang đậm sắc thái huyền thoại và di sản của châu Á thế kỷ XXI.

Để thực sự hóa chiến lược này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Tây Nguyên cần có chiến lược bền vững trong việc hồi sinh trở lại vẻ đẹp đại ngàn của một vùng đất đậm chất sử thi. Phải luôn khuyến khích gìn giữ không gian sống, phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, là truyền thống, niềm tự hào thiêng liêng của các cộng đồng Ê Đê, Bahnah, J’rai, Mơ Nông,… trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Khai mạc Festival văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai 2018: Hoành tráng - Ấn tượng – Bản sắc - Hình 5

Tất cả các dân tộc Tây Nguyên sẽ tạo thành khối đại đoàn kết bền vững cho khu vực

Để thực hiện được tầm nhìn này, các tỉnh Tây Nguyên cần tương tác chặt chẽ với nhau về chiến lược, về quy hoạch và ý chí, tích cực hợp tác kết nối trong chia sẻ nguồn lực và cơ hội để cùng phát triển với mục tiêu tăng trưởng mau cùng, với mục tiêu mọi người dân đều được hưởng lợi tương xứng với thành quả phát triển của Tây Nguyên, không để ai phải bỏ lại phía sau.

Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên cần nỗ lực hơn trong đầu tư kết cấu hạ tầng, xây dựng môi trường kinh doanh thân thiện, nâng cao chất lượng quản trị nhà nước, chất lượng lao động và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ… Phải làm sao để 2 chữ “Tây Nguyên” luôn là niềm tự hào của người Tây Nguyên.

Kim Yến