Được thành lập vào năm 1999, G20 tập hợp hầu hết các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Không chỉ dừng lại ở một diễn đàn kinh tế, G20 đang tham gia ngày càng nhiều vào chính trị quốc tế.
Hội nghị Ngoại trưởng G20 mở đầu bằng lời kêu gọi của Ngoại trưởng nước chủ nhà Mauro Vieira ( Brazil) yêu cầu cải cách Liên hợp quốc và các tổ chức đa phương để ứng phó tốt hơn với các thách thức và ngăn chặn xung đột toàn cầu.
“Các thể chế đa phương không được trang bị đầy đủ để đối phó với những thách thức hiện tại. Điều này đã được chứng minh bằng sự tê liệt không thể chấp nhận được của Hội đồng Bảo an trong giải quyết các cuộc xung đột đang diễn ra. G20 có thể là diễn đàn quốc tế quan trọng nhất, nơi các quốc gia có quan điểm đối lập vẫn có thể ngồi vào bàn và có những cuộc đối thoại hiệu quả mà không nhất thiết phải gánh chịu sức nặng của những quan điểm cứng nhắc đã ngăn cản sự tiến bộ tại các diễn đàn khác, chẳng hạn như Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”, ông Vieira nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Vieira cho biết thế giới chi cho ngân sách quân sự hơn 2.000 tỷ USD mỗi năm thay vì đầu tư cho các chương trình viện trợ phát triển. Ông Vieira cũng thể hiện quan điểm về thực trạng bất bình đẳng và biển đổi khí hậu trên toàn cầu, đồng thời chỉ trích các nước thiếu hành động cụ thể để giải quyết những "mối đe dọa hiện hữu" này. Ông khẳng định đây là những nhiệm vụ quan trọng mà các thành viên G20 phải góp sức "cùng chiến đấu trong năm 2024".
Chương trình nghị sự của hội nghị G20 của Chính phủ Brazil nhấn mạnh 3 lĩnh vực ưu tiên: cuộc chiến chống bất bình đẳng, đói nghèo; phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng; cũng như cải cách các thể chế quản trị toàn cầu.
Chỉ một ngày trước Hội nghị Ngoại trưởng G20, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã một lần nữa thất bại trong việc thúc đẩy thông qua một nghị quyết về lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas. Trong khi đó, triển vọng bi quan về cuộc xung đột tại Ukraine cũng khiến các nước thành viên G20 bị chia rẽ hơn bao giờ hết.
Đáng chú ý, Hội nghị ngoại trưởng G20 lần này sẽ có sự xuất hiện của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, song không có cuộc gặp nào được lên kế hoạch giữa nhà ngoại giao hàng đầu của Nga và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Lần gặp nhau gần đây nhất giữa hai nhà ngoại giao hàng đầu Nga-Mỹ là tại Ấn Độ vào tháng 03/2023.
Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G20 dự kiến sẽ gặp nhau vào tuần tới tại Sao Paulo và cuộc họp thứ hai của các Ngoại trưởng G20 sẽ vào tháng 9 tới.
Thiên Trường (t/h)