THCL Mùa lễ hội 2017 diễn ra tròn tuần lễ kịp cho thấy những bất cập muôn năm cũ, đáng kể nhất là thói quen tranh cướp lộc không chỉ ở lễ hội lớn như Hội Gióng đền Sóc, mà dường như đang bùng phát ở nhiều lễ hội trong mùa xuân 2017 này.

Khai mạc mùa Lễ hội 2017: Tràn lan nạn “cướp lộc” - Hình 1

Quang cảnh lễ hội rất náo loạn diễn ra tại sân đền Thượng.

Ngày mùng 6 Tết hôm qua (2/2) là một thời điểm quan trọng  của mùa lễ hội, khi hàng loạt lễ hội tại chùa Hương, đền Gióng, đền Hai Bà Trưng, Cổ Loa… đồng loạt khai trương. Và ngay lập tức, hình ảnh dòng người dẫm đạp, xô đẩy tại chùa Hương và đền Gióng (Sóc Sơn) để giành lộc đã được báo giới và dư luận tập trung ghi nhận.

Hội Gióng đền Sóc kéo dài ba ngày từ mùng 6 đến 8 tháng Giêng, nóng nhất là khai hội sáng mùng 6. Không khí linh thiêng, trang trọng ngắn chẳng tày gang. Chỉ sau khi dứt lệnh đưa lễ vật hoa tre của dân làng thôn Vệ Linh về đền Hạ phục lễ, dân tình bên ngoài bắt đầu nhốn nháo. Kiệu rước hoa tre có đoàn thanh niên trai tráng trong làng bảo vệ nghiêm ngặt, trước và sau đều có người múa côn tre để người đứng xem liệu đường tránh xa. Đến lực lượng công an đi sau kiệu cũng dè chừng, luôn miệng nhắc cánh phóng viên lui lại kẻo không phải đầu cũng phải tai.

Trong tám lễ vật dâng lên Đức Thánh Gióng tại đền Thượng, giò hoa tre thôn Vệ Linh và lễ vật trầu cau thôn Đan Tảo luôn có sức lôi kéo đặc biệt. Tại khu đền Thượng, các cụ còn đang làm lễ, ở đền Hạ và đền Mẫu người người chực chờ tới giờ cướp lộc. Các năm trước, kiệu rước giò hoa tre và trầu cau khó lòng về đến đền Hạ, chỉ cần bước qua cổng đền Thượng đã tan tành.

Vài năm gần đây BTC khá quyết liệt tăng cường công an, thanh niên tình nguyện tạo hàng rào mềm nên tránh được thương tích đáng kể trong lúc người dân tranh cướp lộc. Hơn bốn trăm sắc phục và sắc áo tình nguyện, nếu không có họ e hội khó giữ trật tự.

Sau hiệu lệnh cướp lộc hoa tre, trong nháy mắt mâm lễ vật chỉ còn trơ lõi rơm bên trong. Dưới sân đền Hạ còn lại ít vụn hoa và vài chiếc que vương vãi, lúc này một số người già, phụ nữ chân yếu tay mềm mới lại gần “mót” lộc rơi lộc vãi. Hoa tre và vải vàng khó thoát khỏi tay đám thanh niên bẻ gãy sừng trâu.

Màn cướp lộc trầu cau ở đền Mẫu có vẻ hăng hơn cả. Đám thanh niên mặc áo vàng rước kiệu chốc chốc lại bị chủ lễ đẩy ra xa, bởi đám bảo vệ này chăm chăm lao vào cướp đầu tiên. Sau khi chủ lễ xé cau và trầu lễ ném ra xa cho người dân bắt lộc, hàng trăm người lao vào mâm lễ vật. Có bà cụ trong đoàn lễ bị đám đông xô đẩy tới mức bết bát, tóc tai rối tung. Tay cầm cành trầu trên tay bà luôn miệng giải thích “khổ quá tôi có định cướp gì đâu nhưng đám trẻ nó cứ xô đẩy”. Hơn phút sau đám đông quần tan nát mâm lộc trầu cau của xã Đan Tảo. Lư hương để giữa sân trước đó được thanh niên trai tráng khiêng đặt trước cửa đền, tránh bị hất đổ như năm ngoái.

Đáng nói, để chuẩn bị đối phó với nạn “cướp lộc” này, hội Gióng Sóc Sơn được huy động tới 218 chiến sĩ công an và 200 thanh niên tình nguyện đi bảo vệ dọc đường rước lễ vật để ngăn chặn người dân “cướp” trước giờ tế lẽ. Sự cẩn thận ấy là không thừa, bởi năm 2015, nhiều người dân tại đây đã chủ động xông vào cướp các giò hoa tre trước giờ hành lễ, còn trong năm 2016 thì xô đẩy nhau tới mức vỡ cả lư hương tại đền Mẫu.

Khai mạc mùa Lễ hội 2017: Tràn lan nạn “cướp lộc” - Hình 2

Sự thèm muốn, háo hức mong có được lộc may mắn đã khiến cảnh tranh cướp diễn ra ngay tại sân chùa.

Còn tại chùa Hương trong sáng khai hội 2/2, do lượng người quá đông, thay vì trực tiếp trao những chiếc vòng (đeo tay để lấy may) cho du khách, một nhà sư đã có sáng kiến đứng lên cao và tung những chiếc vòng tay cho khách thập phương. Rất nhanh, biển người tại chùa Hương đã xô vào giành giật, tranh cướp những chiếc vòng này và tạo ra cảnh hỗn loạn một góc chùa Thiên Trù.

Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Chí Thanh (trưởng Ban quản lý di tích chùa Hương) cho biết: Việc “tung lộc” như vậy là hành động tự phát của phía nhà sư, chứ không hề nằm trong “kịch bản” của lễ hội. Được biết, trong vài năm qua, việc nhà chùa tặng cho một số du khách những chiếc vòng đeo tay vẫn diễn ra, nhưng không theo hình thức “tung lộc” mà thường trao tay nên ít được dư luận chú ý.

Nguyễn Quyên