Thuốc lá bày bán tại khu vực Chợ Đàm, TP. Nha Trang (Ảnh: TMN)
Trong 9 tháng đầu năm 2020, các lực lượng chức năng tỉnh này đã phát hiện 38 trường hợp vi phạm vận chuyển, kinh doanh hàng cấm thuốc lá điếu, không có giấy phép hoặc giấy phép đã hết hiệu lực, không niêm yết giá hàng hóa. Đã xử phạt số tiền 189 triệu đồng; khởi tố 02 vụ/01 đối tượng; đồng thời thu giữ 47.542 bao thuốc lá điếu các loại. Chưa phát hiện và xử lý trường hợp vi phạm buôn bán, vận chuyển xì gà nhập lậu. Trong khi đó, việc xử lý số thuốc lá bị bắt giữ từ 2016 đến nay đang tồn đọng là 148.428 bao thuốc lá loại 20 điếu, vẫn đang là vấn đề khó khăn nhất đối với các cơ quan, đơn vị chức năng. BCĐ389/KH đã ban hành 3 văn bản hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch tiêu hủy trình UBND tỉnh phê duyệt, hướng dẫn thực hiện kinh phí tiêu hủy… nhưng vẫn chưa thực hiện được.
Khánh hòa không phải địa bàn trọng điểm về buôn lậu thuốc lá, mà chi là thị trường tiêu thụ đầu cuối. Nhưng do buôn lậu thuốc lá lợi nhuận cao, không chịu thuế nhập khẩu, thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt, nên các đối tượng buôn lậu vận chuyển ngày càng tăng về số lượng, đưa về tiêu thụ qua các đại lý, chợ đầu mối, từ đó bán lẻ ra thị trường. Điểm nóng tập trung tại Nha Trang, Cam Ranh, Ninh Hòa (Chợ Đầm, chợ Ga)…
BCĐ389/KH cũng cho rằng: Hoạt động buôn lậu thuốc lá gây khó khăn không nhỏ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị sản xuất thuốc lá. Tại Khánh Hòa, Tổng công ty Khánh Việt (Khatoco) là đơn vị sản xuất thuốc lá, nhưng trong 9 tháng đầu năm, sản lượng tiêu thụ chỉ 401 triệu bao, bằng 70% kế hoạch.
Các chuyên gia cho rằng: Để các đơn vị sản xuất kinh doanh thuốc lá trong nước phát triển được, hoàn thành kế hoạch nộp ngân sách nhà nước, các lực lượng chức năng cần quyết liệt hơn nữa trong cuộc chiến chống buôn lậu thuốc lá, nhưng cần có sự phối hợp, hỗ trợ tích cực từ phía các Hiệp hội và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuốc lá trong nước.
Trần Minh Ngọc