Theo UBND tỉnh Khánh Hòa:
Chỉ tiêu tổng hợp: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 9 tháng năm 2023 tăng 9,17% so với cùng kỳ năm trước (xếp vị thứ 5/63 của cả nước và thứ 01 của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Miền Trung); trong đó, GRDP theo ngành kinh tế tăng 9,91% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,19%. GRDP các khu vực kinh tế cụ thể như sau: khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,48%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,33%, khu vực dịch vụ tăng 9,91%.
Sản xuất công nghiệp: Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2023 tăng 12,1% so cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,5%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 115,2%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,9%.
Dịch vụ, du lịch và xuất khẩu: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2023 đạt 85.114,6 tỷ đồng, tăng 19,7% so cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2023 đạt 1.196,8 triệu USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu du lịch 9 tháng năm 2023 đạt 27.502,8 tỷ đồng, tăng 154,8% so cùng kỳ năm trước.
Sản xuất nông, lâm, thủy sản: Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm được 60.104,6 ha, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến tháng 09/2023, toàn tỉnh thực hiện chuyển đổi 410 ha đất trồng cây hàng năm, lâu năm kém hiệu quả sang cây nông nghiệp hiệu quả kinh tế cao. Diện tích rừng trồng mới tập trung đạt 1.086 ha. Tổng sản lượng thủy sản 9 tháng năm 2023 đạt 97,74 tấn, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước.
Đầu tư - xây dựng và giải ngân vốn đầu tư công: Từ đầu năm đến này, toàn tỉnh thu hút được 15 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 100.130,8 tỷ đồng. Đến hết 30/9/2023, kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 9 tháng năm 2023 so với kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 52,4%; so với kế hoạch vốn được UBND tỉnh giao thực tế thì tỷ lệ giải ngân kế hoạch đạt 61,2%.
Tài chính: Thu ngân sách nhà nước 9 tháng năm 2023 đạt 11.661,9 tỷ đồng, đạt 75,5% dự toán và bằng 95,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 1.822,6 tỷ đồng bằng 67,9% so với cùng kỳ; thu nội địa là 9.839,3 tỷ đồng bằng 103% so với cùng kỳ.
Về giáo dục và Đào tạo: Đã hoàn thành tốt công tác Khai giảng năm học mới niên khóa 2023-204 và tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; đã tổ chức thực hiện việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 4, lớp 8 và lớp 11 năm học 2023-2024 đảm bảo theo đúng quy định, đảm bảo cung ứng sách giáo khoa đầy đủ, kịp thời cho học sinh các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh trước khi bước vào năm học mới.
Về Y tế: Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị giám sát phòng, chống dịch COVID-19; bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tính đến thời điểm báo cáo, tổng số mắc mới sốt xuất huyết là 2.336 ca sốt xuất huyết (01 ca tử vong), giảm 9,3% so cùng kỳ năm trước; 3.100 ca bệnh Tay-Chân-Miệng (01 ca tử vong), gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm trước; 172 ca viêm gan vi rút các loại, gấp 4,2 lần so với cùng kỳ năm trước; 148 ca sốt rét (01 ca sốt rét ác tính).
Về văn hoá và thể thao: Đã tổ chức thành công Festival biển Nha Trang - Khánh Hòa năm 2023; phối hợp tổ chức thành công Chương trình liên kết phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam qua Điện ảnh năm 2023, Chương trình chính luận nghệ thuật “Mạnh giàu từ biển quê hương” và Lễ trao giải Cánh diều vàng 2023; các hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân và du khách. Khánh Hòa đã đăng cai tổ chức 09 giải thể thao quốc gia, quốc tế và 15 giải thể thao cấp tỉnh; trong đó, Số huy chương đạt được là 207 bộ với 55 bộ Huy chương vàng, 63 bộ Huy chương bạc và 89 bộ Huy chương đồng.
Về lao động, việc làm: Số lao động có việc làm tăng thêm 10.560 người, đạt 91,8% kế hoạch được giao; thực hiện tuyển sinh và đào tạo nghề cho 22.553 người đạt 75,2% so với chỉ tiêu kế hoạch giao. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện đạt 27,82%, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 23,74%.
Về chính sách an sinh xã hội: Toàn tỉnh hiện có hơn 55.312 người được công nhận và giải quyết chế độ ưu đãi người có công với cách mạng; Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được bảo vệ, chăm sóc đạt 99,36%; tiếp tục duy trì 136 xã, phường được công nhận làm tốt công tác thương binh liệt sĩ, 100% gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân địa phương.
Về An ninh – Quốc phòng: Đã triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; các mặt công tác quốc phòng, quân sự được thực hiện nghiêm túc. Về trật tự xã hội: Phát hiện 554 vụ phạm tội về trật tự xã hội - tăng 141 vụ so với cùng kỳ năm trước. Đã xảy ra 24 vụ cháy; làm chết 03 người; thiệt hại về tài sản ước tính 6,06 tỷ đồng.
Về tăng cường hợp tác, liên kết phát triển: Tỉnh Khánh Hòa đã chú trọng đến việc hợp tác, liên kết vùng thông qua ký kết Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 với tỉnh Đắk Lắk; Thoả thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung bộ giai đoạn 2023-2025; ban hành Kế hoạch tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư Khánh Hoà - Nhật bản năm 2023.
Nhìn chung, trong 9 tháng năm 2023, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Khánh Hòa tiếp tục bám sát, thực hiện các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Qua đó, nền kinh tế của tỉnh Khánh Hòa tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực; từng bước phát huy những thành quả đạt được và khắc phục những tồn tại, yếu kém của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những mặt tồn tại, hạn chế như sau:
Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nha Trang đến năm 2040 và Đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045 có tiến độ thực hiện còn chậm so với kế hoạch đề ra do thiếu sự phối hợp kịp thời, đồng bộ giữa đơn vị chủ trì lập quy hoạch với các đơn vị, tổ chức có liên quan.
Thu ngân sách nhà nước giảm so với cùng kỳ, đạt 75,5% dự toán và bằng 95,3% so với cùng kỳ năm trước; kết quả giải ngân vốn đầu tư công còn thấp chủ yếu do vướng mắc trong công tác xác minh nguồn gốc đất làm ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao mặt bằng phục vụ thi công các dự án. Công tác xác định giá đất còn chậm do vướng mắc về phương pháp xác định giá đất và khó khăn trong việc lựa chọn tư vấn xác định giá đất.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn do nhu cầu của các thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường lớn, thị trường truyền thống suy giảm do ảnh hưởng của chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh.
Một số chỉ tiêu đạt được về nông thôn mới, tỷ lệ che phủ rừng, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp còn thấp so với mục tiêu đề ra.
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội các tháng cuối năm 2023
Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương, Kết luận của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030.
Tổ chức triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; khẩn trương triển khai thực hiện Quy hoạch chung khu đô thị mới Cam Lâm và Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nha Trang đến năm 2040 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt..
Tập trung đẩy mạnh phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế chủ yếu, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh như tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp; thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy tiến độ triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; tập trung tháo gỡ khó khăn các dự án công nghiệp có quy mô lớn trên địa bàn, để sớm đưa vào vận hành, bổ sung năng lực sản xuất mới cho nền kinh tế; tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch mới, thúc đẩy du lịch phục hồi nhanh và phát triển bền vững. Khánh Hòa tập trung chỉ đạo, xử lý dứt điểm các dự án đầu tư ngoài ngân sách chậm tiến độ và sai phạm theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ, để khơi thông nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tập trung thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội như tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2023; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023; kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc của các công trình, dự án nhất là về giải phóng mặt bằng tại thành phố Nha Trang; hoàn thành nhiệm vụ đấu giá các cơ sở nhà, đất năm 2023 và kịp thời phát hành trái phiếu chính quyền địa phương nhằm bổ sung nguồn lực cho các dự án đầu tư công trọng điểm.
Bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm; nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; phát triển văn hóa, thể thao; cụ thể: Triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, Đề án tổng thể giảm nghèo bền vững huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh; triển khai đồng bộ các giải pháp để “kích cầu” người lao động tham gia các hình thức bảo hiểm, nhất là đối với BHXH tự nguyện; tiếp tục theo dõi chặt chẽ, tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Sốt rét, Sốt xuất huyết, Tay chân miệng, cúm gia cầm,...; thực hiện tốt kế hoạch dạy học, kế hoạch giáo dục năm học 2023-2024; xây dựng nếp sống văn hóa, tiến bộ, văn minh đô thị và nông thôn; xây dựng kế hoạch tập luyện và dự kiến chế độ đầu tư, chỉ tiêu thành tích để sớm tổ chức huấn luyện nâng cao thành tích thi đấu thể thao.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; cải thiện môi trường kinh doanh; thúc đẩy chuyển đổi số; cụ thể: Tổ chức vận hành có hiệu quả Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Khánh Hòa. Tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên sâu đánh giá kết quả thực hiện các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI trên địa bàn tỉnh để có giải pháp cụ thể, đột phá giúp cải thiện các Chỉ số trong năm 2023 và thời gian tới.
Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đánh giá tác động môi trường đối với các dự án, chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đất lúa, khai thác mỏ đất, cát…; chủ động, sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn trong mùa mưa bão, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai.
Triển khai có hiệu quả chương trình phối hợp hoạt động giữa Đảng ủy Quân chủng Hải quân và Tỉnh ủy Khánh Hòa giai đoạn 2023-2025; thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác phòng chống tội phạm, bảo đảm an toàn giao thông, trật tự đô thị; thực hiện nghiêm các quy định về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại họp báo, phóng viên Tạp chí Thương hiệu và Công luận đã đề nghị cung cấp kết quả đấu tranh chông buôn lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, hoạt động bảo vệ thương hiệu của các cơ quan chức năng; đồng thời đề nghị tổ chức kiểm tra, xử lý tình trạng yến sào không rõ nguồn gốc bán tràn lan trên thị trường; trầm Hương nhưng quảng cáo là Kỳ Nam, lừa dối khách hàng nâng giá kiếm lợi mà Hội Trầm Hương Khánh Hòa phản ánh. Chủ tọa thông báo sẽ cung cấp tài liệu báo cáo 9 tháng của Ban chỉ đạo 389 tỉnh; đồng thời sẽ kiến nghị UBND tỉnh lập đoàn kiểm tra việc kinh doanh Yến sào, Trầm hương trong thời gian tới.
Trần Minh Ngọc