Chủ trì họp báo là các vị lãnh đạo UBND huyện Khánh Sơn: Ông Đinh Văn Dũng, Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; Ông Cao Minh Vỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện; Ông Nguyễn Quốc Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện.
Tham dự họp báo có đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh Khánh hòa và của huyện Khánh Sơn; Phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí.
Huyện Khánh Sơn là huyện miền núi, nằm phía Tây Nam tỉnh Khánh Hòa, cách TP. Nha Trang 100 km, cách Tp. Cam Ranh 40 km, dân số trên 27.000 người gồm 07 xã và 01 thị trấn. Huyện có 13 dân tộc, đồng bào Raglai chiếm 73,4%; dân tộc Kinh chiếm khoảng 25,7%; còn lại là các dân tộc: Tày, Thái, Nùng, Hoa, Chăm… chiếm 0,9%. Khánh Sơn ở độ cao trung bình 400- 800 m so với mặt nước biển, trong vùng chuyển tiếp giữa cao nguyên Lâm Đồng và Duyên hải Miền Trung, khí hậu nhiệt đới gió mùa, ôn hòa, trung bình nhiệt độ từ 22- 25c rất mát mẻ, được ví như “Đà Lạt thứ 2”; Thổ nhưỡng rất phù hợp với trồng các loại cây đặc sản có giá trị kinh tế cao như: Sầu Riêng, Chôm Chôm, Mít, Măng Cụt….Đặc biệt, Sầu Riêng Khánh Sơn quả to, vỏ mỏng, thơm ngon, cơm vàng, hạt lép, được công nhận là “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam”. Bên cạnh đó, Khánh Sơn còn là vùng đất có truyền thống đấu tranh cách mạng, với nhiều di tích lịch sử, có nền văn hóa đậm đà bản sắc của đồng bào Raglai.
Tiếp nối thành công của 2 lần tổ chức Lễ hội trái cây Khánh Sơn trước đây, để giới thiệu quảng bá tiềm năng, thế mạnh nông nghiệp, du lịch của huyện, giúp nông dân kết nối cung cầu, hợp tác liên kết, tạo cơ hội giao lưu, tiếp cận thông tin, công nghệ mới…Giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, ẩm thực, sản phẩm du lịch địa phương đến với du khách, góp phần định hướng phát triển kinh tế - xã hội huyện Khánh Sơn thành “tiểu đô thị sinh thái núi rừng”, sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng phát triển bền vững. Lễ hội trái cây huyện Khánh Sơn lần thứ III năm 2024 sẽ tổ chức từ ngày 10/8 đến 13/8/2024, tại Quảng Trường 20/11 thị trấn Tô Hạp với nhiều hoạt động đặc sắc. Trong khuôn viên lễ hội được bố trí 60 gian hàng trưng bày các loại trái cây đặc sản có giá trị kinh tế như: Sầu Riêng, Măng Cụt, Bưởi da xanh, Mít nghệ, Mít tố nữ, Mía tím,... các loại nông sản đặc trưng của huyện. Chuỗi sự kiện diễn ra trong 4 ngày lễ hội gồm:
Mua bán trao đổi các sản phẩm nông sản sạch (từ 8 giờ 00 đến 22 giờ xuyên suốt các ngày, tại Quảng Trường 20/11); Biểu diễn và trưng bày đàn đá (từ 09 h 00 đến 16 h 00 xuyên suốt các ngày, tại Thác Tà Gụ và Quảng Trường 20/11).
Ngày 10/8/2024: Hội thi trái cây ngon và sầu riêng siêu to, bưởi siêu to; Chương trình nghệ thuật khai mạc, chủ đề “Khánh Sơn hội tụ tinh hoa của đất trời”.
Ngày 11/8/2024: Hội thảo kết nối phát triển du lịch trên địa bàn huyện Khánh Sơn; Hội thi già làng khéo tay; Chương trình biểu diễn nghệ thuật “Khánh Sơn- Bản sắc phố mây”.
Ngày 12/8/2024: Hội nghị kết nối cung- cầu tiêu thụ nông sản trên địa bàn huyện Khánh Sơn; Hoạt động tái hiện “Lễ tạ ơn cha mẹ của người Raglai”; Hoạt động tái hiện “Lễ ăn đầu lúa mới”; Hội thi ẩm thực giới thiệu những món ăn ngon gắn với bản sắc của địa phương; Chương trình biểu diễn nghệ thuật chủ đề “Khánh Sơn khát vọng vươn sa”.
Ngày 13/8/2024: Hội thảo thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trái cây sạch, an toàn; Hoạt động tái hiện “Lễ tạ ơn cha mẹ của người Raglai”; Hoạt động trò chơi dân gian và thanh niên múa hát tập thể; Chương trình nghệ thuật bế mạc, chủ đề “Khánh Sơn- Khát vọng phố núi”.
Với lần thứ III được tổ chức, Lễ hội trái cây huyện Khánh Sơn đã trở thành một thương hiệu khá nổi tiếng và độc đáo của tỉnh Khánh hòa, hứa hẹn sẽ mang tới cho du khách những trải nghiệm thú vị; cho các doanh nhân những khảo sát chân thực và sự hợp tác có hiệu quả. Với mọi người đến dự lễ hội, sẽ có cảm nhận những nét văn hóa độc dáo, sự thân thiện, nhiệt tình, mến khách của người Khánh Sơn nặng nghĩa tình, năng động, sáng tạo, đầy khát vọng đi lên từ phố núi.
Trần Minh Ngọc