Đây là công trình trọng điểm của TP. Cần Thơ, có tổng chiều dài 3,3km, bề rộng mặt cầu 14m, tổng mức đầu tư gần 450 tỷ đồng. Công trình được khởi công từ tháng 03/2020, do Ban Quản lý Dự án Ðầu tư Xây dựng TP. Cần Thơ làm chủ đầu tư.

Cầu Vàm Cống bắc qua sông Cần Thơ chính thức thông xe
Cầu Vàm Xáng bắc qua sông Cần Thơ chính thức thông xe. Ảnh Cửu Long.

Công trình có điểm đầu nằm trên đường Nguyễn Văn Cừ nối dài và điểm cuối trên QL61C.

Dự án gồm 3 nhánh, trong đó nhánh chính dài hơn 2,4km, từ nút giao đường Nguyễn Văn Cừ nối dài, vượt qua sông Cần Thơ nối vào QL61C.

Trên tuyến có cầu Vàm Xáng, cầu Xà No Cạn, cầu Hòa Hảo và 3 cống ngang đường. Trong đó, cầu Xà No Cạn và cầu Hòa Hảo có bề rộng mặt cầu 12m.

Phát biểu tại lễ khánh thành, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, cầu Vàm Xáng được xây dựng trên sông Cần Thơ kết nối giữa xã Nhơn Nghĩa với xã Mỹ Khánh và cũng kết nối đường Nguyễn Văn Cừ đến Quốc lộ 61C.

Công trình được đưa vào sử dụng sẽ giúp cho người dân xã Nhơn Nghĩa phát triển kinh tế-xã hội và thuận tiện hơn trong việc đi lại, giao thương.

Đặc biệt, sắp tới đây, khi TP. Cần Thơ triển khai dự án xây dựng tuyến đường vành đai phía Tây với tổng mức đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng cùng với cầu Vàm Xáng sẽ góp phần hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng giao thông, kết nối được giao thương hàng hóa giữa các khu vực các tỉnh, thành ở Đồng bằng sông Cửu Long.

TP. Cần Thơ rộng hơn 1.400 km2, gồm 9 quận, huyện với hơn 1,2 triệu dân. Giai đoạn 2015-2020, tăng trưởng kinh tế của thành phố đạt 7,53% mỗi năm, thu nhập bình quân đầu người hơn 97 triệu đồng. Giai đoạn 2020-2025, Cần Thơ phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 7,5-8%, thu nhập bình quân đầu người năm 2025 đạt 140 triệu đồng.

Đầu năm nay, Quốc hội thông qua nghị quyết cho phép Cần Thơ thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù, để tạo động lực phát triển, phát huy vai trò trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Phong Vân