Để có được sản phẩm cập thời 4.0 chinh phục các nhà đầu tư khó tính là cả một câu chuyện dài và vẫn còn tiếp tục chưa dừng lại.
Nguyễn Huy Du - Tác giả sáng chế đèn học thông minh The Smart Light.
Sau 2 năm nói chuyện và hẹn gặp, đầu năm 2014, Du gặp một người bạn vừa du học trở về. Với người Việt, được đi du học là một ước mơ cháy bỏng, chỉ giành cho con cái những gia đình khá giả. Dẫu là học sinh xuất sắc ở phổ thông, cả sau phổ thông nhưng Du cũng chưa từng có cơ hội được tu nghiệp ở một trường đại học nước ngoài. Gặp bạn, Du tò mò muốn biết chuyện đi du học khác với học ở Việt Nam chỗ nào. Bạn hồn nhiên thuật lại: thứ nhất bốn năm học ở nước ngoài việc gặp gỡ các thầy giáo là rất ít. Với các tiến sỹ và giáo sư ở các trường đại học thì cả một học kỳ sinh viên chỉ gặp có đôi ba lần, điều quan trọng là họ khích lệ một tinh thần tự học, tự nghiên cứu.
Bắt đầu vào mỗi môn học, các giáo sư thường nói về mục đích, ý nghĩa cũng như tầm quan trọng của môn học đó đối với sinh viên và sau này ứng dụng vào cái gì thì các giáo sư cũng chỉ nói chung chung. Khi biết được mục đích, ý nghĩa của môn học, sinh viên tự xác định động cơ cho mình còn thầy giáo chủ yếu trao đổi qua email, gửi tài liệu cho các sinh viên. Sau đó sinh viên tự nghiên cứu, đi tìm trong các tài liệu ở thư viện, các đề tài cũ xem môn học đó có mục đích gì, có ý nghĩa gì rồi sau này sẽ giúp ích được công việc gì thì đó hoàn toàn là do thực tiễn công việc yêu cầu chứ không đào tạo theo kiểu ở Việt Nam là ghi và học, học và ghi.
CEO Nguyễn Huy Du - Giới thiệu giải pháp gia sư thông minh 4.0 ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Du chợt nghĩ: Nếu như vậy thì cần có một phương tiện gì đó có thể giúp thầy trò trao đổi với nhau, thảo luận về các đề tài sẽ rất tốt, cần gì phải đến trường nhiều. Anh bạn đồng tình: Đúng thế! Có lần vào đầu kỳ chúng tôi nhận các môn học xong rồi đi sang nước khác để làm thêm nhưng vẫn gửi bài tập cho thầy qua email, họ không yêu cầu điểm danh. Đến khi gần kết thúc môn học mà cảm thấy kiến thức ổn rồi thì gửi các tài liệu và xin ý kiến thêm của các thầy giáo rồi bắt đầu về và coi như là bảo vệ xong được modun môn học đấy.
Điểm của các môn học được các giáo sư chấm rồi gửi qua email thông báo kết quả chứ thầy trò cũng không gặp nhau. Bốn năm học với mấy chục môn học cứ lặp đi lặp lại như thế và cuối cùng tựu chung lại nếu đủ điểm các môn học, nhà trường sẽ cho nhận đề án tốt nghiệp. Đề tài tốt nghiệp cũng tự bảo vệ và cũng chỉ có lần cuối cùng là bảo vệ với hội đồng thi giống như ở Việt Nam nhưng chỉ khác về phương pháp học và cơ bản là tự học. Du nghĩ, nếu có một phương tiện giao tiếp nào đó phù hợp với cách học như thế thì tốt, việc du học sẽ được thực hiện ở mọi lúc mọi nơi, không bị giới hạn bởi biên giới quốc gia. Ý tưởng về đèn học thông minh của của Du được hình thành như vậy.
Để biến ý tưởng đó thành hiện thực phải phân tích từng chi tiết của việc tự học để hiện thực nó bằng các thiết bị kèm theo. Với giáo sư nổi tiếng hay giáo viên trong lớp thì gương mặt họ người ta không lạ, như vậy chỉ cần tiếng nói truyền cảm hứng bằng ngôn từ với nhau, thứ hai là người học làm cái gì thì nên để cho người ta biết, tức là làm sao mình truyền được hình ảnh, suy nghĩ hoặc cách thức nghĩ, báo cho người khác biết là mình đang nghĩ đúng hay nghĩ sai, làm đúng hay làm sai cho họ góp ý, chỉnh sửa. Việc có camera được tích hợp vào cái đèn, rồi thêm mic, loa để thu phát âm thanh đã giải quyết được căn bản những nhu cầu đó. Phần còn lại là phương thức kết nối nếu Internet giải quyết được là xong.
Du bắt đầu hình thành nên ý tưởng, ý đồ về một phương tiện giao tiếp mới, rồi anh nghĩ tiếp đến việc là cái đèn học phải trả đúng về vị trí của cái đèn học đó là phải có ánh sáng, cung cấp ánh sáng và nó phải để được trên bàn học, lúc đó Du mới nghĩ đến cái phương án là về việc đèn học phải khắc phục được các lỗi truyền thống khiến cho nhiều cháu phải đeo kính do cận thị, loạn thị... từ nhỏ, vì vậy Du tính đến ứng dụng các công nghệ ánh sáng LED bởi vì công nghệ này sẽ đáp ứng được việc định lượng ánh sáng để tránh, giảm các dị tật về mắt.
Lúc đêm khuya có ít ánh sáng mới cần đèn LED sáng nhất; chập tối cần ít hơn và ban ngày thì cần ít hơn nữa. Từ đó hình thành nên được ý tưởng sơ khai cho đèn học thông minh. Nhưng quan trọng nhất là cái lúc triển khai thì bế tắc nhất là làm thế nào để dựng được cái đèn học lại là một sự mày mò nghiên cứu, tìm tòi, đi tận dụng các mối quan hệ từ các chuyên gia có kiến thức về điện tử, rồi kiến thức về Internet...
Phiên bản thứ nhất được thiết kế xong, đi mua linh kiện lẻ về lắp, cái đèn ra đời cũng chạy được nhưng lúc đó đường truyền hình ảnh phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ Internet ở Việt Nam, lúc thì nhanh, lúc thì chậm không ổn định. Phiên bản 1.0 không thể truyền hình ảnh video HD coi như thất bại.
Hạ tầng đường truyền internet không thể đáp ứng và bản thân Du cũng chưa nghĩ ra được phương thức nào đó để mà truyền được công nghệ nén dữ liệu HD. Thời điểm đó Facebook chưa có Livestream, tháng 9 năm 2016 Facebook có tính năng này. Trước đó chỉ có phần mềm Targo là có thể giúp được việc truyền tín hiệu HD của video. Đã không ít lần Du tự đi tìm mua linh kiện để làm nhưng không thành. Sau đó ít lâu lúc đấy Du còn đang làm ở Netlink, ở đây cũng đang có một dự án về xử lý công nghệ video. Du tìm hiểu rất là kỹ về công nghệ nén video để truyền trực tiếp. Netlink cũng chưa tính đến làm Livestream như Facebook mà chỉ tính đến yếu tố là lưu dữ liệu như của Youtube.
Sau nhiều thời gian mày mò rồi vấn đề này cũng được giải quyết. Điều quan trọng nữa là việc đưa cái đèn từ phòng thí nghiệm vào sản xuất hàng loạt để cung cấp cho người có nhu cầu. Qua một vài lần làm việc với các đối tác nước ngoài, họ cho biết: Việc sản xuất các linh kiện chủ yếu được thực hiện ở các nhà máy, công ty của Hồng Kông và Thâm Quyến (Trung Quốc). Những hãng công nghệ lớn của thế giới như Apple, Oppo, Huawei đều có cơ sở nghiên cứu hay nhà máy, đối tác cung cấp linh kiện và thiết bị phụ trợ ở đây. Du đã đích thân khảo sát sang tận các nhà máy trong khu công nghiệp Thâm Quyến và xác định được rằng, các sản phẩm công nghệ hàng đầu được bày bán ở các siêu thị cao cấp ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đều được sản xuất trong các nhà máy được đầu tư nhiều tỷ đô với một quy trình sản xuất rất chuyên nghiệp.
Lại thêm một thách thức mới đặt ra là giá cả linh kiện. Nếu mình đặt ít, đơn chiếc, giá cả linh kiện sẽ rất cao, lắp đặt được cái đèn, giá sẽ đội lên. Đành rằng đó là tiện ích nhưng người tiêu dùng không thể mua nó bằng mọi giá, đặc biệt với người Việt.
Ngoài nguồn vốn tự lực, để làm được, Du tính cách tìm kiếm nhà đầu tư có khả năng tài chính để tham gia góp vốn cổ phần. Đây lại là câu chuyện dài về huy động vốn với không ít gian nan. Người đầu tiên góp vốn nhưng nửa vời, họ không đủ niềm tin là sản phẩm sẽ thành công nên Du đành trả lại tiền cho họ để tìm phương án khác. Rồi Du gặp Lý, người bạn học thời học Đại học. Sau khi nghe Du trình bày về ý tưởng sản phẩm, Lý cũng là người có kiến thức về công nghệ và kinh nghiệm về ngành giáo dục đã tán thành ngay. Vậy là cả hai cùng bắt tay vào hoàn thiện dự án: Phát triển phiên bản mới, tính toán phần khuôn mẫu và linh kiện, phần mềm ứng dụng thì tổ chức nhóm kỹ thuật tự viết. Thách thức nữa là chiếc đèn phải tiện lợi, dễ sử dụng để người học có thể khai thác hết các tính năng.
Một cửa hàng giới thiệu sản phẩm đèn học thông minh The smart light ở Hà Nội.
Ngoài mục đích là cung ứng đủ lượng ánh sáng cho con trẻ khi ngồi học để khắc phục được các tật về mắt. Điều tiếp nữa là bố mẹ có thể trò chuyện, học cùng con, cần thiết thì giám sát, động viên và hỗ trợ dù ở bất cứ khoảng cách nào chỉ cần có internet. Camera IP sẽ đáp ứng được tính năng ấy, chỉ cần đăng nhập ứng dụng qua điện thoại hoặc máy tính là bố mẹ có thể theo dõi được việc học của con cái, nói chuyện miễn phí cùng con. Điều quan trọng hơn nữa chiếc đèn học thông minh này chính là chiếc cầu kết nối tri thức thông qua mạng dạy kèm, học kèm.
Ở Việt Nam, không thiếu giáo viên giỏi và nhu cầu học thì rất lớn chính vì thế mà nhiều bậc phụ huynh phải cho con tham gia nhiều lớp học thêm, học kèm. Việc học thêm, dạy kèm khiến việc đưa đón con trở nên rất bận rộn. Đây là một trong những nguyên nhân gây kẹt xe ở các đô thị lớn. Đó là chưa nói đến chuyện học thêm, dạy kèm, một thầy một trò còn phát sinh ra nhiều tình huống ngoài mong muốn: Tình cảm thầy trò, cô trò vượt qua khỏi những giới hạn thông thường khiến các bậc phụ huynh đau đầu, đặc biệt các tệ nạn xã hội như yêu râu xanh, bắt cóc tống tiền...
Việc học thêm dạy thêm theo kiểu truyền thống còn điều bất cập nữa là phụ huynh không có nhiều lựa chọn. Do sự tiếp xúc trực tiếp, nên việc chi phí khá cao, mà khó đo đếm được mức độ tiến bộ của học trò. Đó là chưa nói đến sự vất vả trong việc đưa đón con, đi chuyển trên đường đến nhà thầy với nhiều rủi ro rình rập trên đường, thời tiết và giao thông đặc biệt là vấn nạn kẹt xe khá phổ biến ở các đô thị.
Theo nguyên tắc thị trường: Thầy giáo là người lao động, phụ huynh là người sử dụng lao động và học sinh là người tiếp cận trực tiếp, là người thụ hưởng thành quả lao động của thầy. Tuy nhiên, việc tiến bộ của học sinh không chỉ có nguyên nhân thuần túy từ thầy mà có nguyên nhân khác nữa là học trò. Học trò thờ ơ, thiếu tập trung, tiếp thu kém thì dẫu thầy có giỏi đến đâu cũng khó có thể tạo được tiến bộ vượt bậc của trò.
Khi việc dạy và học được kết nối đa chiều, cả thầy và trò đều có nhiều lựa chọn hơn. Việc tiến bộ của học sinh không hẳn là tìm được thầy giỏi mà là người thầy phù hợp. Để cải thiện kỹ năng cộng trừ nhân chia, không nhất thiết phải nhờ đến tiến sĩ, thạc sỹ mà chỉ cần một ông giáo làng có kỹ năng sư phạm tốt.
Một điểm nữa là về mặt thời gian học. Họ trò có thể rảnh vào giờ này nhưng thầy lại kẹt việc nên việc bố trí để khớp thời gian không dễ. Đặc biệt là việc học thêm vào ban đêm ở nhà thầy rất nhiều bất tiện. Với việc có đèn học thông minh, thầy và trò đều có thể tự ngồi ở nhà mình vẫn có thể thực hiện việc dạy và học một cách hoàn hảo. Không chỉ thế, học trò có thể chọn cho mình những người thầy phù hợp ở bất cứ tỉnh nào, bất cứ nước nào, đặc biệt là với những em học sinh muốn học ngoại ngữ có thể tìm học ở những người thầy ở chính quốc.
Nhận thức được đầy đủ nhu cầu của việc học và chia sẻ tri thức, khát vọng trong Nguyễn Huy Du ngày một lớn và càng bùng lên mãnh liệt. Anh trăn trở: Thứ nhất là làm thế nào để người Việt chinh phục được trí tuệ của nhân loại bằng một công cụ thông minh, hợp túi tiền, tiện ích. Thứ hai là Việt Nam đang thúc đẩy tham gia mạnh mẽ vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0 bằng một bước đi nhỏ nhưng tạo ra thay đổi lớn. Giấc mơ sản phẩm “Made by Việt Nam” thực hiện hành trình chinh phục người tiêu dùng toàn cầu. Thứ ba là tạo được thêm việc làm cho nhiều giáo viên để họ có thể cải thiện cuộc sống. Đặc biệt là với các giáo viên tốt ở vùng nông thôn, không nhất thiết phải đổ về các đô thị lớn để tham gia dạy thêm mà họ có thể ở nhà vẫn có thể tham gia dạy cho học sinh trên toàn quốc cả kiến thức và kỹ năng mềm khi họ chứng minh được năng lực của mình.
Với việc khai thác tốt năng lực giáo viên ở mọi miền không chỉ góp phần cải thiện đời sống giáo viên, khích lệ họ đam mê với nghề, có thể sống bằng nghề mà còn có thể giúp cho họ cống hiến nhiều hơn, bền hơn trong ngành giáo dục. Với tinh thần “tầm sư học đạo” thông qua Đèn học thông minh, mỗi gia đình, mỗi học trò đều có thể tìm cho mình được những người thầy phù hợp với lĩnh vực mà mình quan tâm để bổ trợ kiến thức lâu bền. Thêm nữa, quan hệ thầy trò có thể kết nối lâu dài khi học trò có nhu cầu, ngay cả nhiều năm sau khi họ đã lập nghiệp và cần đến những kiến thức cũ.
Bằng đèn học thông minh, những thầy giáo giỏi có thể tạo ra các video cho mình rồi up lên mạng để mọi người có thể tham khảo và đánh giá. Bằng cách đó, năng lực của giáo viên sẽ được minh bạch. Việc học của con em cũng sẽ được minh bạch, trên cơ sở đó, các bậc phụ huynh có thêm thông tin để định hướng cho con em mình.
Hội nhập và toàn cầu hóa đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng, Việt Nam không chỉ mở cửa để đón nhận những thành tựu của nhân loại mà còn mang những phát kiến, những tinh hoa của mình tham gia vào giá trị chung của thế giới. Cùng với văn hóa, tri thức, sản phẩm Đèn học thông minh - The Smart Light sẽ được người tiêu dùng đón nhận. Dẫu rằng đây chỉ là bước khởi đầu nhưng sẽ là sản phẩm khẳng định khả năng sáng tạo của người Việt và cũng là đóng góp cho sự tiến bộ của nhân loại trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang hiển diện ở nhiều lĩnh vực cuộc sống.
Phan Thế Hải