ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nêu tình trạng bạo hành, bạo lực, xâm hại với trẻ em ngày càng tăng phức tạp gây bức xúc cho xã hội. Hành lang pháp lý đã có những quy định pháp luật bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, cử tri vẫn băn khoăn chưa đủ lực, đẩy lùi vấn nạn này, chế tài chưa đủ sức răn đe phòng ngừa có hiệu quả để bảo vệ trẻ em, phát triển toàn diện trong thời đại mới. Đại biểu đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung: Với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng có suy nghĩ, giải pháp đồng bộ gì để giải quyết vấn nạn trên?
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, mỗi năm, trên thế giới có hơn 150 triệu trẻ em bị bạo hành. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương xâm hại trẻ em lớn nhất. Ở nước ta hàng năm có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo hành. Cá nhân tôi cho rằng con số có thể tăng lên.
Về khung pháp lý, chúng ta có đầy đủ (Luật Trẻ em). Sau khi tình trạng này gia tăng, Thủ tướng có chỉ thị 18 quy định phân cấp từng ngành, từng địa phương… tiến hành nhiều giải pháp khác nhau như tuyên truyền vận động, ra đời đường dây nóng 111; xử lý nghiêm một số vụ việc. Đặc biệt, một số vụ việc có chỉ đạo của lãnh đạo Nhà nước, Bộ LĐTBXH trực tiếp đôn đốc xử lý.
Thời gian gần đây, xuất hiện một số vụ việc có tính chất phức tạp hơn. Tới đây, Bộ sẽ rà soát lại hệ thống pháp luật một lần nữa, cụ thể hơn trách nhiệm của các ngành, tăng cường sự phối hợp hiệp đồng đề cao giữa gia đình và trường học trong công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Theo đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội), phần trả lời của Bộ trưởng về xâm hại tình dục trẻ em chưa thuyết phục do chưa có giải pháp đủ mạnh. Theo đại biểu Tuấn, những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em đều khó phát hiện, bằng chứng mất dần theo thời gian. Do đó việc xử lý tố cáo, xét xử phải làm rất nhanh mới có bằng chứng để kết tội. Bị hại là các cháu bé, nhận thức chưa tốt trong khi nhận thức của cơ quan xét xử còn khác nhau, vụ việc tại Vũng Tàu vừa qua là ví dụ.
Liên quan đến trẻ em vùng sâu vùng xa, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhìn thẳng vấn đề, cho rằng trẻ em nơi đây rất thiệt thòi, do điều kiện sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo miền núi cao… Gần đây tuy đã có nhiều chính sách dành cho miền núi và với trẻ em nơi đây, nhưng tỷ lệ thụ hưởng, mức thụ hưởng còn hạn chế. Bộ trưởng thừa nhận, trong đó có trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước của Bộ, mặc dù cố gắng phối hợp với Ủy ban Dân tộc nhưng kết quả chưa như mong muốn. Thời gian tới, sẽ đẩy mạnh hơn.
Hoan Nguyễn