Sớm quy định phân luồng giáo dục
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, chiều nay (30/5), Quốc hội làm việc tại Tổ, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Các đại biểu cho rằng, trước thực trạng thất nghiệp nhiều như hiện nay, một trong những nhiệm vụ quan trọng của giáo dục là cần phải phân luồng được giáo dục.
ĐBQH Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng) nhấn mạnh, một trong những vấn đề quan trọng mà dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục lần này phải thực hiện là cần có quy định về phân luồng giáo dục sau lớp 9. Tức là, phải định hướng nghề nghiệp cho các em ngay từ cấp 2, một bộ phận học sinh sẽ tiếp tục để lên học đại học; một bộ phận phải trở thành người có tay nghề giỏi. Có như vậy, mới tránh tình trạng để tránh tình trạng thừa thầy, thiếu thợ giỏi như hiện nay.
ĐBQH Lê Quốc Phong (Bình Thuận) cho rằng, phân luồng giáo dục rất quan trọng bởi điều này liên quan đến thị trường lao động, đến định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho các em. Tuy vậy, quy định về phân luồng trong dự thảo lại chưa có “điểm sáng”.
Đại biểu Phong cũng chỉ ra thực tế, hiện phân luồng giáo dục của các trường còn lúng túng. Cần có công cụ để đánh giá kỹ năng của các em, cần cung cấp thông tin về thị trường lao động để các em nắm được, có như vậy mới tránh được tình trạng thất nghiệp tồn tại như hiện nay.
Bên cạnh việc phân luồng giáo dục, các đại biểu rất quan tâm đến nội dung chương trình phổ thông và sách giáo khoa của dự thảo luật lần này.
Theo các đại biểu, để ra một cuốn sách giáo khoa cần bảo đảm 3 điều kiện: Phù hợp với trình độ hiện có của hơn 1 triệu giáo viên hiện nay, bởi chúng ta không thể đào tạo lại với một số lượng lớn giáo viên như vậy; phù hợp với sức tiếp thu tất cả học sinh trên toàn quốc. Điều này là quan trọng, không thể lấy chuẩn của học sinh khu vực này áp đặt cho khu vực khác thì khó phổ cập được; chương trình phải phù hợp với điều kiện kinh tế, hoàn cảnh cụ thể của đất nước.
"Cởi trói" cho các trường tự chủ
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, các đại biểu cho rằng, trong điều kiện nay vấn đề then chốt là phải thể hiện tự chủ và tạo điều kiện để các cơ sở đại học thực hiện tự chủ.
ĐBQH Triệu Thế Hùng cho rằng, tự chủ đại học cần đi với trách nhiệm giải trình của nhà trường đối với xã hội. Dự thảo cũng quy định rõ ràng về thiết chế hội đồng trường.
Dự thảo Luật có điểm mới, quy định về vai trò của Hội đồng trường là cơ quan cao nhất của cơ sở giáo dục đại học, quyết định tự chủ về nhân sự, tài chính, học thuật trong các cơ sở đào tạo đại học, tránh tình trạng dắt tay chỉ việc của Bộ tự chủ hiện nay đối với cơ sở giáo dục đại học.
ĐBQH Lê Quốc Phong cho rằng, quy định hội đồng trường là cần thiết, nhưng bộ phận giúp việc cho hội đồng trường có cần thiết thành lập không? Đồng tình về tự chủ về tuyển sinh cho các trường nhưng phải kiểm soát, giám sát và có chuẩn cụ thể vì việc này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Theo ĐBQH Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình), với các đơn vị tự chủ, công tác cán bộ vẫn phải chịu sự quản lý của cấp có thẩm quyền.
ĐBQH Huỳnh Thành Đạt (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, sửa Luật Giáo dục Đại học lần này phải bảo đảm tự chủ thực sự cho đại học. Cần tiến tới bỏ hoàn toàn cơ quan chủ quản của trường đại học, thay vào đó, Hội đồng trường quyết định. Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung quản lý nhà nước.
“Được biết tới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thí điểm bỏ cơ chế cơ quan chủ quản đại học, đẩy mạnh chức năng Hội đồng trường. Nếu làm được điều đó tự chủ đại học sẽ được đẩy lên một bước”, đại biểu Đạt nói.
Hoan Nguyễn