Toàn cảnh phiên toàn thể tại hội trường chiều 26/5 (Ảnh: quochoi.vn)
Trình bày Báo cáo thẩm tra về xử lý một số vấn đề phát sinh trong điều hành ngân sách nhà nước năm 2017 và dự toán ngân sách nhà nước các năm 2018-2020, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, về việc phân chia khoản thu cấp quyền khai thác tài nguyên nước, về tỷ lệ phân chia cụ thể giữa Ngân sách Trung ương và Ngân sách địa phương, Chính phủ đề nghị tỷ lệ phân chia nguồn thu này trong 4 tháng cuối năm 2017 như sau:
Trường hợp giấy phép do cơ quan trung ương cấp thì phân chia 70% số thu cho ngân sách trung ương, 30% cho ngân sách địa phương;
Trường hợp giấy phép do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp thì phân chia 100% cho ngân sách địa phương. Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận thấy, việc phân chia nguồn thu này cho Ngân sách Trung ương và Ngân sách địa phương như Chính phủ đề nghị tương tự như đối với tỷ lệ phân chia nguồn thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đang được áp dụng hiện nay là phù hợp và mức phân chia này đã được Chính phủ tính toán khi xây dựng dự toán Ngân sách nhà nước năm 2018. Vì vậy, Ủy ban Tài chính-Ngân sách nhất trí với tỷ lệ phân chia nguồn thu này như đề nghị của Chính phủ.
Về thời điểm áp dụng tỷ lệ phân chia, Chính phủ đề nghị áp dụng tỷ lệ phân chia khoản thu cấp quyền khai thác tài nguyên nước phát sinh từ tháng 9/2017 nhưng đến nay Chính phủ mới có Tờ trình báo cáo Quốc hội, trong khi Quốc hội đã quyết định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các nguồn thu khác giữa Ngân sách Trung ương và Ngân sách địa phương trong giai đoạn 2017-2020. Vì vậy, để bảo đảm có cơ sở pháp lý theo đúng Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, góp phần ổn định và bảo đảm cân đối Ngân sách địa phương, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Quốc hội cho phép áp dụng tỷ lệ phân chia nguồn thu này cho cả thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2017-2020.
Thảo luận tại Hội trường về xử lý một số vấn đề phát sinh trong điều hành ngân sách nhà nước năm 2017 và dự toán ngân sách nhà nước các năm 2018-2019-2020, các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến về việc phân chia khoản thu cấp quyền khai thác tài nguyên nước năm 2017.
ĐB Nguyễn Hữu Đức (Bình Định) cho rằng, đây là khoản thu của nhà nước gắn với thẩm quyền của từng cấp trung ương và địa phương theo quy định của Luật Tài nguyên nước. Về nguyên tắc, mọi khoản thu đều phản ánh vào ngân sách nhà nước theo quy định của Hiến pháp và Luật Ngân sách nhà nước.
Năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định 203 quy định phương thức nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, sau đó năm 2017 thay thế bằng Nghị định 82 quy định phương pháp và mức tiền cấp quyền sử dụng tài nguyên nước mà chưa có quy định phân chia khoản thu này.
“Như vậy, từ năm 2013-2016, có hay không khoảng trống đối với nguồn thu này, nếu không phát sinh nguồn thu do yêu cầu bảo vệ tài nguyên nước, vốn ngày càng hạn hẹp thì rất quý. Song thực tế có như vậy không? Đề nghị cần làm rõ, cử tri và chuyên gia cho rằng đây là sự chậm trễ đáng tiếc cần giải trình rõ trách nhiệm không chỉ là xử lý tình huống”, ĐB Đức nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, dù số thu dự kiến 50 tỷ đồng ở 14 địa phương vào cuối năm 2017 nhưng chưa có hướng dẫn, hiện tại đề xuất theo hướng áp dụng như dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 là phương án dễ chấp nhận, vì đây không phải là trường hợp hồi tố. Điều quan trọng là nguồn thu đó đã được phát sinh và phản ánh kịp thời, vừa đúng, vừa đủ vào ngân sách nhà nước.
Theo ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu), tại báo cáo của Chính phủ ngày 16/5/2018, biểu phụ lục 2 có khoản thu tiền thuế đất và thuế mặt nước, tổng là 25.000 tỷ đồng, nguồn này do địa phương thực hiện. Vậy mối liên hệ giữa hai khoản thu và dự kiến xử lý sẽ như thế nào?
ĐB Hạ nêu quan điểm: “Để đảm bảo tính công bằng giữa doanh nghiệp, các nhà đầu tư thì các khoản thu phải được tính công bằng. Chúng ta thu được thuế tài nguyên nước, nhưng nguồn thu từ khoáng sản thế nào, hay cứ thu được thì tính phân bổ, còn không thu được thì miễn. Như vậy, tôi cho rằng không đảm bảo tính công bằng và nghiêm minh của pháp luật. Nhân chuyện này, tôi đề nghị chấm dứt ngay tình trạng luật chờ nghị định.
Trong quá trình giám sát, tôi thấy có một số doanh nghiệp có ý kiến hiện nay giữa thu thuế tài nguyên nước và thuế thuê mặt nước đang bị trùng. Ví dụ sản xuất nước sinh hoạt, đã có hồ trữ nước, lúc đó thuế tài nguyên tính theo mét khối nhưng vẫn phải chịu thêm thuế thuê mặt nước ở hồ để trữ nước đó. Đây là phản ánh nên tôi đề nghị xem xét có chuyện thuế trùng thuế như vậy không, để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp”.
Trần Nguyên