Với mức giảm chỉ 0,6 điểm, VN-Index đứng ở mốc 1.154,12 điểm. HNX-Index giảm gần 3 điểm còn UPCoM giảm 0,3 điểm.
Thanh khoản sụt giảm mạnh với tổng giá trị giao dịch chỉ đạt hơn 13.000 tỷ đồng. Tín hiệu tích cực là khối ngoại vẫn duy trì mua ròng - phiên thứ ba liên tiếp. Giá trị mua ròng đạt 54 tỷ đồng trên sàn HoSE, tập trung gom 2 cổ phiếu ngân hàng CTG (64 tỷ đồng), STB (58 tỷ đồng) và MWG (55 tỷ đồng). VCG, PVD, BID, DXG cũng được mua ròng trên 20 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, VNM bị bán ròng mạnh nhất 85 tỷ đồng, kế đến là HDG 34 tỷ đồng, VRE và FRT 20 tỷ đồng, LPB, SSI, DBC, VGC trên 10 tỷ đồng.
VN30 giảm hơn 2 điểm về mốc 1.161,3 điểm. Áp lực giảm đến từ ACB -1,9%, BVH -1,9%, SSI -2,5%, VPB -1,5%, TPB -1,4%, SHB -1,2%, TCB -1%... Chiều tăng mạnh nhất là MWG +2,4%, VCB +1,5%, MSN +1,2%, BID +1,3%; FPT, GAS, GVR, HDB, MBB, VHM, VIC, VIB tăng nhẹ.
Với mức tăng trên, MWG của Thế giới Di động về lại mức giá 42.900 đồng/cp. Cổ phiếu đầu ngành bán lẻ đi ngược thị trường bất chấp thông tin không tích cực. Trong báo cáo vừa cập nhật, Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định, trước áp lực bán của nhà đầu tư nước ngoài và báo cáo kết quả kinh doanh 3 quý đầu năm 2023 không được như kỳ vọng, MWG nhiều khả năng sẽ không đáp ứng được một số tiêu chí quan trọng trong bộ chỉ số VN-Diamond.
Trong trường hợp MWG bị loại khỏi chỉ số VN-Diamond trong kỳ review tháng 4/2024, BSC dự báo số lượng cổ phiếu có thể bị bán bởi các quỹ ETF khoảng 52 triệu cổ phiếu, tác động lớn đến diễn biến của cổ phiếu MWG nói riêng và bộ chỉ số VN-Diamond, VN30 nói chung.
Với sự tích cực của MWG, bán lẻ là một trong số ít nhóm tăng nhẹ trong phiên thị trường điều chỉnh. Đa số các mã khác cùng nhóm đều giảm giá, như FRT -0,9%, PNJ -0,6%, HAX -0,4%...
Nhóm ngân hàng tăng vốn hóa nhẹ nhờ lực kéo từ VCB và BID. Ngoài ra còn có HDB, MBB, NAB, OCB, SGB, VIB cũng ở chiều tăng. Giảm mạnh nhất là NVB -3,4%, VBB -2,8%, EIB -2,5%, KLB -2,4%.. Như vậy sau một thời gian “tạo sóng” cổ phiếu ngân hàng đã có dấu hiệu phân phối.
Ở chiều giảm, nhóm chứng khoán dẫn đầu với vốn hóa “bốc hơi” gần 2%. Ngoài SSI thì VND, VCI, SHS, HCM, VIX, MBS, BSI, FTS, CTS, VDS... đều giảm giá, mức giảm trên dưới 2%. Chỉ có 3 mã còn giữ được sắc xanh là DSC, HAC và TVS.
Nhóm thủy sản và nông nghiệp cũng giảm đáng kể, với VHC -2,1%, ANV -2,9%, ASM -1,4%, FMC -1,3%...; HAG -3,6%, HNG -5,5%.
Nhóm xây dựng và bất động sản phủ sắc đỏ. Giảm mạnh có HUT -4,5%, BCG -4,4%, BCR -6%; PDR, CEO, CTD, PC1, FIR, TCD... giảm hơn 2%; CII, DXG, KBC, HDG, NLG, HDC, NBB, SZC... giảm hơn 1%... Chiều tăng ngoài VHM và VIC thì còn có VPI, TCH, VCG, HBC và một số mã nhỏ, tuy nhiên mức tăng cũng không có mã nào vượt trội.
Phương Thảo (t/h)