Việc giao tổ chức công đoàn khởi kiện DN trốn đóng BHXH còn gặp nhiều vướng mắc. (Ảnh minh họa)
Khởi kiện… bế tắc
Cung cấp thông tin tại Tọa đàm “Gỡ vướng trong khởi kiện trốn đóng BHXH” được tổ chức ngày 8/5, ông Đào Việt Ánh, Phó TGĐ BHXH Việt Nam cho hay: Tình hình nợ đọng BHXH biến động tương đối phức tạp. Theo thống kê, chủ yếu tập trung vào khối DN ngoài quốc doanh.
Theo ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch LĐLĐ Việt Nam: Để thực hiện các quy định của Luật BHXH, ngay từ giữa tháng 6/2016, việc ban hành hướng dẫn quy trình khởi kiện cho các cấp công đoàn, cũng như ký quy chế phối hợp giữa các cơ quan đã được thực hiện.
Tính đến hết tháng 1/2017, BHXH Việt Nam đã chuyển cho các cấp công đoàn 1.177 hồ sơ, LĐLĐ ở các địa phương tiếp nhận 1.500 hồ sơ. Đến giữa tháng 2/2017, đã có 11 liên đoàn cấp tỉnh khởi kiện 77 DN trốn đóng BHXH. Trong số đó, tòa án các cấp đã trả lại hồ sơ 17 vụ, còn lại, do quá trình khởi kiện, một số DN thấy tình hình đã đem nộp cho cơ quan bảo hiểm.
Ông Chính nêu rõ: Đến nay, có 17 hồ sơ tòa án đã không thụ lý với các lý do: Không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa, đây là tranh chấp lao động tập thể chưa được giải quyết ở cấp chủ tịch UBND quận, huyện; không có giấy ủy quyền của tập thể NLĐ cho tổ chức công đoàn.
Quan điểm của TANDTC cho rằng, nợ, trốn đóng BHXH là hành vi bị nghiêm cấm trong Luật BHXH, chỉ có xử phạt hành chính. Trách nhiệm đầu tiên thuộc về cơ quan BHXH. Theo Luật BHXH, quy định thanh tra thu kết hợp xử phạt. Nếu DN tiếp tục chây ỳ thì có biện pháp thẩm quyền ở cấp cao hơn, có thể khởi tố vụ án hình sự theo Bộ luật Hình sự - sắp được QH thông qua. Từ quan điểm đó, TANDTC đã chỉ đạo các cấp tòa không tiến hành thụ lý các hồ sơ do công đoàn khởi kiện.
Đề cập tới việc khởi kiện chưa thực sự đem lại hiệu quả như kỳ vọng, ông Bùi Sĩ Lợi, Phó chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của QH nêu: Luật BHXH giao chức năng khởi kiện nợ đọng BHXH cho tổ chức công đoàn, đại diện cho quyền hợp pháp của NLĐ, tuy nhiên, thiếu sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
“Nếu Điều 17 Luật BHXH giao cho công đoàn khởi kiện, thì trong Bộ luật Tố tụng dân sự cũng phải quy định điều đó. Chính điều này dẫn đến việc pháp luật có quy định, nhưng không thực thi được”, ông Lợi nói.
Đề xuất sửa luật
Cũng theo ông Lợi, với chức năng thanh tra, BHXH Việt Nam phải tận dụng công cụ quan trọng đó. Sắp tới, khi QH thông qua Bộ luật Hình sự, Điều 264, 265 cho phép xử lý hình sự các tội chiếm dụng, trốn đóng BHXH, chắc rằng hiệu lực sẽ cao hơn. Giải pháp trước mắt là tăng cường thanh tra, xử phạt một cách nghiêm minh. Ngoài xử phạt, truy thu, có hình thức xử lý bổ sung, hiệu quả sẽ tốt hơn.
Về vướng mắc, tòa án muốn có sự ủy quyền nhưng nếu chờ ủy quyền của hàng ngàn NLĐ thì không còn hiệu lực nữa. Vì vậy, trong khoảng trống đó, cần giao cho công đoàn cấp trên cơ sở can thiệp, hỗ trợ, để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ.
Ông Chính bày tỏ quan điểm, trước hết, BHXH, Bộ LĐ-TB&XH nên đề xuất sửa Luật BHXH. Trong đó, Điều 14 không nói công đoàn chung chung mà phải nói rõ cấp nào. Cần quy định rõ, công đoàn cấp trên cùng với BHXH khởi kiện đòi tiền, không cần thiết phải có ủy quyền. Nhiều cơ quan cùng tập trung vào nhiệm vụ chính trị thì giải quyết sẽ tốt hơn.
NLĐ muốn ủy quyền, phải ra UBND xã, phường công chứng làm thủ tục. Ở DN có quy mô vài ngàn tới 10.000 lao động, việc ủy quyền đó càng hết sức phức tạp. Khi ủy quyền thì không phải là tranh chấp tập thể mà là tranh chấp cá nhân, tòa án thụ lý hàng nghìn vụ thì cũng bất khả thi. Bởi quy trình phức tạp, nhiêu khê, thời gian kéo dài.
Yếu tố nhân lực cũng quan trọng. Đội ngũ cán bộ công đoàn, 97% là kiêm nhiệm, được người sử dụng lao động ký hợp đồng, trả lương, thời gian chủ yếu làm việc chuyên môn. Cán bộ công đoàn, muốn khởi kiện được phải am hiểu pháp luật, nắm bắt được quy trình. Hiện nay, tại một số địa phương đã thành lập trung tâm tư vấn pháp lý với sự tham gia của đội ngũ luật sư, góp phần hỗ trợ được công tác này…
Đoàn Huế