Theo thống kê, tháng trước, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã xác lập lượng giao dịch kỷ với tổng cộng 714 triệu cổ phiếu được mua ròng, tương ứng giá trị 16.911 tỷ đồng. Đây là mức mua ròng trong tháng cao nhất, nếu không kể tháng 5/2018, với giao dịch mua thỏa thuận tỷ đô với riêng cổ phiếu VHM.

Tính đến ngày 16/12, khối ngoại đã kéo dài chuỗi mua ròng lên tròn 20 phiên.

Nếu tốc độ mua ròng tiếp tục được duy trì, giá trị mua ròng tháng này có thể vượt con số tháng 11. Tuy nhiên, nhìn lại tuần gần đây, tốc độ giải ngân đã chậm lại và đều thấp hơn mức ngàn tỷ.

Ảnh internet
Ảnh internet.

Khảo sát tại một số quỹ ETF, tốc độ tăng lượng chứng chỉ quỹ lưu hành chậm hơn đáng kể hồi cuối tháng 11/2022 tại Quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF, hay đi ngang trong nhiều phiên gần đây tại Quỹ FUEVFVND01…

Lý giải về nguyên nhân khiến quy mô và cường độ của khối ngoại giảm trong những ngày qua, ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập, kiêm Tổng giám đốc Công ty Đầu tư FIDT chỉ ra 02 yếu tố.

Thứ nhất, lượng mua của khối ngoại có thể đã giải ngân xong phần lớn ở vùng giá thấp, nên sẽ giảm cường độ mua giai đoạn tới. Thứ hai, từ lễ Noel tới đầu năm sau là khoảng thời gian khối ngoại nghỉ.

Từ thực tế làm việc với một số quỹ, ông Tuấn cho biết, có các quỹ dự định huy động quỹ (raise fund) sau khi Noel kết thúc, tìm thêm các nguồn tiền để tham gia mua vào giai đoạn này, giúp danh mục hiện tại giảm bớt áp lực về thua lỗ.

Ông Phùng Trung Kiên, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán AIS cũng nhận định, dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục giải ngân vào thị trường bởi mức định giá còn khá hấp dẫn. “Dòng tiền của khối ngoại sang năm sẽ dồi dào hơn sau quãng nghỉ dài Noel và Tết Dương lịch và sẽ không dừng lại con số 1 tỷ USD”, vị chuyên gia từ AIS nhận định.

Theo ông Tuấn, các ETF Đài Loan, Thái Lan rất quan tâm thị trường Việt Nam. Họ nói rằng, Việt Nam đang tái lập như họ 10-20 năm trước. Những dòng vốn ở đây mang tính trung và dài hạn, chưa thấy vấn đề ở câu chuyện đảo chiều dòng vốn.

Bản thân các quỹ đầu tư nước ngoài cũng đang có góc nhìn tích cực về thị trường. Trong thư gửi nhà đầu tư ngày 15/12, ông Petri Deryng, người đứng đầu quản lý Quỹ Pyn Elite Fund cho rằng, tâm lý lo ngại của nhà đầu tư đạt đỉnh điểm vào giữa tháng 11/2022, kèm áp lực bán giải chấp một số cổ phiếu đã khiến VN-Index chạm đáy vào ngày 15/11 và thị trường có cơ hội để tăng trưởng khả quan năm 2023.

Đại diện Quỹ đầu tư Dragon Capital cũng đồng thuận cho rằng, đỉnh điểm của sự bi quan trên thị trường chứng khoán có thể đã qua đi.

Các quỹ tăng cường giải ngân trong tháng 11/2022 và cũng có một số tín hiệu về việc tiếp tục giải ngân. Điển hình như Quỹ VanEck Vietnam ETF đầu tháng 12 đã quyết định thay đổi chỉ số tham chiếu, qua đó, tăng tỷ trọng của cổ phiếu Việt Nam trong danh mục lên 100%, dự kiến từ ngày 17/03/2023, thay vì mức 73,76% như ở kỳ đảo danh mục quý IV này.

Sự lạc quan đã trở lại sau tâm lý hoảng loạn cực độ của thị trường một tháng trước. Cách đây 02 tháng, nền kinh tế rơi vào khủng hoảng thanh khoản, trầm trọng hơn cả giai 2010-2012. Thị trường trái phiếu mất niềm tin, thị trường bất động sản đóng băng, thị trường cổ phiếu có thanh khoản tốt hơn, nhưng nhà đầu tư phải dùng dòng tiền để bù đắp thanh toán, trả nợ dài hạn… Tuy nhiên, chính sách “xoay chiều” đã giúp thị trường dễ thở hơn.

Theo quan điểm của ông Huỳnh Minh Tuấn, chúng ta đang chứng kiến sự “quay xe” của chính sách hiện tại, gồm cả việc sửa Nghị định 65/2022/NĐ-CP về trái phiếu riêng lẻ và tăng cung tiền (nới room tín dụng).

Cùng với đó, theo ông Tuấn, một yếu tố kỹ thuật là lượng vay margin trên thị trường hiện đã dễ thở hơn. Từ mức gần 250.000 tỷ đồng (khoảng 10,5 tỷ USD) vào đầu quý I/2022, ông Tuấn dự đoán margin hiện chỉ còn khoảng 40%, đồng nghĩa với việc thị trường đã giảm đòn bẩy.

Theo tính toán của PYN Elite, lợi suất trái phiếu doanh nghiệp hiện giảm còn 16%, thay vì mức trung bình từng chạm 28% thời gian trước khi cả bên mua và bên bán đều rời bỏ thị trường. VN-Index sau một tháng hồi phục đã tăng 20% từ mức đáy 874 điểm.

“Sự tự tin trên thị trường được cải thiện. Do đó, chúng tôi kỳ vọng, chỉ số VN-Index sẽ chuyển động cùng nhịp với tăng trưởng kinh tế Việt Nam và mức tăng lợi nhuận kỳ vọng của doanh nghiệp. Trong số các quốc gia ASEAN, Việt Nam có triển vọng tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp mạnh mẽ nhất”, người đứng đầu PYN Elite nhấn mạnh.

Hải Dương (t/h)