Thực tế diễn biến thị trường cho thấy, dòng tiền luân phiên chảy vào các nhóm cổ phiếu, đặc biệt là cổ phiếu vốn hóa lớn đã đẩy VN-Index tăng nhanh trong thời gian qua. Đà tăng dài khiến áp lực bán ra chốt lời của nhà đầu tư là khó tránh khỏi. Đáng chú ý, VN-Index đã tiệm cận vùng kháng cự mạnh quanh mốc 1.230 - 1.250 điểm cũng tạo áp lực cho thị trường chung.
Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT), áp lực chốt lời tăng mạnh trong phiên cuối tuần qua sau khi chỉ số VN-Index chạm vùng kháng cự quanh 1.240 điểm.
Việc thị trường áp sát vùng kháng cự mạnh và thông tin lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng mạnh trong một vài phiên gần đây đã khiến tâm lý nhà đầu tư thận trọng và kích hoạt làn sóng chốt lời. Đà điều chỉnh còn được thúc đẩy bởi động thái bán ròng của khối ngoại, tập trung ở một số cổ phiếu vốn hóa lớn.
Với việc nhu cầu tín dụng hiện chưa cao, VNDIRECT cho rằng, áp lực lên lãi suất huy động và cho vay sẽ chưa lớn và việc tăng gần đây của lãi suất liên ngân hàng chỉ là tạm thời và sẽ sớm lắng dịu.
Trên góc độ phân tích kỹ thuật, thị trường vẫn chưa đánh mất xu thế tăng ngắn hạn khi chỉ số VN-Index đang giao dịch trên đường MA20 (đường trung bình động lấy mốc thời gian ngắn hạn trong 20 phiên giao dịch) và vùng 1.190 - 1.200 điểm sẽ là vùng hỗ trợ của thị trường.
Chuyên gia từ chuyên gia chứng khoán Phạm Bình Phương, tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) nhận định, VN-Index bất ngờ giảm mạnh trong phiên cuối tuần nhưng trước đó chỉ số này đã có chuỗi tăng 07 phiên liên tiếp từ 1.172 lên 1.230 điểm. Do đó, thị trường điều chỉnh là diễn biến cần thiết để thu hút dòng tiền bên ngoài.
Lực cầu cũng đã tham gia mạnh khi thị trường giảm trong phiên cuối tuần qua (23/02) đưa mức thanh khoản lên trên 30.000 tỷ đồng, cao nhất kể từ phiên 18/08/2023. MAS đánh giá 01 phiên giảm mạnh với thanh khoản cải thiện chưa phải là diễn biến xấu trong xu hướng tăng điểm, vùng 1.200 điểm sẽ là hỗ trợ quan trọng trong ngắn hạn.
Thực tế, thị trường chứng khoán đang chịu tác động của nhiều thông tin vĩ mô tốt xấu đan xen. Về mặt tích cực, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cho biết, quý IV/2023, tổng lợi nhuận sau thuế toàn sàn (1.130 doanh nghiệp công bố tính đến ngày 05/02) tăng mạnh 35,3% so với quý IV/2022 và tăng 4,8% so với quý III/2023, ghi nhận mức lợi nhuận cao nhất trong vòng 5 quý. Như vậy, lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết đã lấy lại mức tăng trưởng dương sau 4 quý liên tiếp đi lùi.
Lũy kế cả năm 2023, tổng lợi nhuận sau thuế toàn thị trường giảm nhẹ 3,5% so với năm 2022, gần tương đương năm 2021 và cao hơn 36% so với năm 2019 là giai đoạn trước dịch COVID-19.
Tuy nhiên, SSI cũng chỉ ra điểm cần lưu ý là quy mô doanh thu chưa tăng tương ứng. Tổng doanh thu toàn thị trường quý IV/2023 tiếp tục giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ, tác động chủ yếu bởi các ngành bất động sản giảm 30% so với cùng kỳ, thực phẩm và đồ uống giảm 11%, hóa chất giảm 9%, tiện ích giảm 5%. Du lịch và giải trí là nhóm ngành có mức tăng doanh thu tích cực nhất, với mức tăng 33% nhờ khách du lịch quốc tế dần phục hồi sau đại dịch.
Sau khi tăng mạnh lên vùng giá 1.235 - 1.255 điểm, tương ứng vùng đỉnh giá tháng 08-09/2023, VN-Index đã có tuần giao dịch biến động mạnh. VN-Index cộng thêm hơn 15 điểm ở phiên đầu tuần với thanh khoản gần 23.000 tỷ đồng, khi cổ phiếu họ Vingroup bật tăng trước thông tin Vinfast - nhà sản xuất ô tô thuộc tập đoàn VinGroup Việt Nam được Ấn Độ cấp đất xây dựng nhà máy.
VN-Index giằng co tại phiên thứ Ba, song lực cầu xuất hiện kịp thời khiến chỉ số này đóng cửa cao nhất trong ngày. Đây là tăng phiên thứ 7 liên tiếp của VN-Index, với dòng tiền tiếp tục chảy vào nhóm Vingroup và nhóm chứng khoán.
Thị trường rung lắc và kết phiên đi ngang trong phiên giao dịch thứ Tư trước áp lực chốt lời ngắn hạn ở nhóm dịch vụ tài chính, bất động sản và họ Vingroup sau 3 phiên tăng điểm liên tiếp.
Đà chốt lời tiếp nối tại phiên thứ Năm, VN-Index đóng cửa phiên giảm 2,73 điểm, thanh khoản sụt giảm, giá trị khớp lệnh trên HOSE chỉ đạt gần 17.000 tỷ đồng và khối ngoại bán ròng 920 tỷ đồng trên toàn thị trường.
Tại phiên giao dịch thứ Sáu, VN-Index tăng 13 điểm trước khi lực lực bán mạnh xuất hiện khiến thị trường đóng cửa giảm hơn 15 điểm. Thanh khoản thị trường tăng đột biến so với phiên trước đó.
Trước tâm lý chốt lời của nhà đầu tư, VN-Index thu hẹp dần đà tăng vào cuối tuần và chốt tuần giao dịch (từ 19 - 23/02) tại 1.212 điểm, tăng 0,2% so với tuần trước đó; HNX-Index giảm 0,69% về 231,1 điểm; UPCOM-Index tăng nhẹ 0,07% để đóng cửa tại 90,2 điểm.
Tuần qua, BID tăng 7,1%; VRE tăng 13,1% và TCB tăng 4,2% là các nhân tố chính hỗ trợ thị trường. Ngược lại, VCB giảm 0,8%; MWG giảm 4,9% và VPB giảm 1,8% gây áp lực lên chỉ số chung.
Giá trị giao dịch trên ba sàn tăng 29% so với tuần trước đó lên 26.000 tỷ đồng/phiên, do dòng tiền quay trở lại thị trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Đáng chú ý, khối ngoại quay lại mua ròng 185 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo đó, khối ngoại mua ròng 1.688,57 tỷ đồng trên UPCOM trong khi bán ròng 39,7 tỷ đồng trên HNX và 1.463,41 tỷ đồng trên HOSE.
Thị trường chứng khoán Việt Nam gặp áp lực chốt lời mạnh, trong bối cảnh chứng khoán thế giới lập kỷ lục mới.
PV (t/h)