Cụ thể, việc bán vé tham dự các hoạt động diễn ra vào ngày chính hội (ngày 18/9, tức ngày 9/8 Âm lịch) theo đề xuất của UBND TP Hải Phòng là trái với Khoản 20, Điều 2 Nghị định số 28/2017/NĐ-CP (ngày 20/3/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo) và Khoản 4 Điều 9 Thông tư số 15/2015/TT-BVHTTDL (ngày 22/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về tổ chức lễ hội). Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Công văn số 3542/BVHTTDL-VHCS của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi Ủy ban Nhân dân Thành phố Hải Phòng.

Bộ Văn hoá đề nghị UBND TP Hải Phòng thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng tháng 2/2018: “Nghiêm cấm việc thương mại hóa các lễ hội, tổ chức các hoạt động mang tính bạo lực, phản cảm. Phối hợp quản lý chặt chẽ các dịch vụ, ngăn chặn tình trạng tăng giá, chèo kéo, ép khách tại các điểm du lịch, lễ hội”.

Không bán vé hội chọi trâu Đồ Sơn: Nghiêm cấm việc thương mại hóa các lễ hội - Hình 1

Bộ Văn hoá bác đề xuất bán vé hội chọi trâu Đồ Sơn

Trước đó, UBND TP Hải phòng đề xuất bán vé vòng loại 80.000 đồng/vé, vòng chung kết 150.000 đồng/vé trong lễ hội chọi trâu 2018. Việc đề xuất bán vé lễ hội chọi trâu Đồ Sơn theo UBND TP Hải Phòng là rất cần thiết, do kinh phí tổ chức lễ hội chọi trâu không lấy từ ngân sách nhà nước mà xã hội hóa thông qua đóng góp của chủ trâu, tài trợ của doanh nghiệp và bán vé.

Trong vòng loại chọi trâu Đồ Sơn đầu tháng 7/2017 đã xảy ra sự cố trâu húc chết chủ, sự việc đã dẫn đến các luồng ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề bỏ hay tiếp tục giữ chọi trâu. Ngay khi sự việc xảy ra Bộ Văn hóa sau đó yêu cầu Hải Phòng chấn chỉnh, đồng thời lập đề án tổ chức lễ hội để đảm bảo an toàn cho người tham gia và giới hạn số lượng trâu tham dự.

Lễ hội truyền thống chọi trâu Đồ Sơn được phục dựng từ năm 1990. Đến năm 2013, lễ hội này được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Hằng Vương