Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên trao bằng công nhận di sản văn hoá phi vật thể quốc gia
Theo đó, Lễ hội Minh Thề được tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh một cách sống của người dân, một văn hóa của người làm quan xưa. Đây là lễ hội không có vụ lợi, không xô bồ và bị thương mại hoá như các lễ hội đầu xuân khác.
Ông Phạm Văn Cường (40 tuổi), người dân thôn Hoà Liễu, đọc lời thề sống chí công vô tư trong 10 năm qua
Tại buổi lễ, bà Đặng thị Bích Liên - Thứ trưởng Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch đã trao bằng công nhận di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia cho đại diện lãnh đạo huyện Kiến Thụy.
Nhiều bậc cao niên tham dự lễ hội chia sẻ: Họ dậy từ sớm và sắm sửa lễ phục tới đình dự Hội thề. Cũng như mọi năm, chúng tôi tiếp tục uống chén rượu thề để nguyện sống trong sạch và răn dạy con cháu dĩ công vô tư.
Tại Lễ hội Minh thề, ban thờ được sắp đặt trang nghiêm. Những người có chức sắc trong làng tương ứng với các chức trưởng thôn, phó thôn sẽ là những nhân vật chính, những người tham gia thề tại lễ hội. Một con dao nhọn sắc, một con gà trống thiêng và một bình rượu được đặt ngay dưới ban thờ chuẩn bị cho nghi lễ.
Lấy tiết gà pha rượu thề
Phần nghi lễ cắt tiết gà hòa rượu ăn thề là phần được quan tâm nhất trong Lễ hội Minh thề. Các vị chức sắc trong làng phải uống rượu thề làm việc chí công vô tư và đọc câu: "Ai dùng của công vào việc riêng, tham nhũng thì bị thần linh đả tử". Sau khi các vị chức sắc trong làng uống rượu thề xong, những người tham gia chứng kiến cũng sẽ uống rượu thề.
Năm nay, Lễ hội Minh Thề có phần đặc biệt nhất vì được Bộ VH-TT&DL trao bằng công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Tại lễ hội Minh thề năm nay, ngoài các vị "chức sắc" thôn làng quen thuộc còn có nhiều quan khách từ TW về dự.Phần nghi thức của buổi lễ công bố quyết định đón nhận danh hiệu Lễ hội Minh Thề là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Được biết, Lễ hội Minh thề diễn ra trong ba ngày, bắt đầu từ ngày 14 đến hết ngày 16 tháng Giêng âm lịch hàng năm.
Vũ Duyên