NH đua nhau thu hồi nợ

Sau khi cao ốc Saigon One Tower tại TP. HCM bị VAMC “nổ phát súng đầu tiên” xiết nợ, thị trường mua bán nợ nhộn nhịp, sôi động những phiên thu hồi, bán đấu giá.

Từ những ngày đầu tháng 9 đến nay, các NH như Vietinbank, Techcombank, Agribank, Vietcombank… bắt đầu tăng cường thu hồi nợ, đấu giá và giao bán tài sản đảm bảo.

Không chờ thông tư hướng dẫn: Làn sóng thu hồi nợ tại các NH gia tăng - Hình 1

Sacombank đã thu hồi được hơn 24,5 tỷ đồng từ việc bán đấu giá tài sản đảm bảo

Theo kế hoạch, ngày 21/9 mới đây, Agribank Cao Thắng (Quảng Ninh) sẽ thu giữ một tài sản đảm tại khu vực phường Bạch Đằng (TP. Hạ Long). Cùng ngày, Công ty Mua bán nợ Agribank (Agribank AMC) sẽ tổ chức thu giữ tài sản đảm bảo của Công ty Vinalines Đông Đô và tổ chức bán đấu giá toàn bộ tài sản, quyền sử dụng đất của dự án V-Ikon với mức khởi điểm 319,5 tỷ đồng.

Trước đó (20/9), VietinBank ra thông báo thu giữ tài sản đảm bảo của ông Cung Minh Sơn và bà Lê Thị Bích Ngọc (Hà Nội). Đây là món nợ quá hạn 5 năm với dư nợ gốc hơn 6,3 tỷ đồng, dư nợ lãi và lãi phạt hơn 5,2 tỷ đồng và tiến hành thu giữ tài sản đảm bảo gồm quyền sử dụng 92 m2 đất ở và các tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ ngõ 282/25, tổ 25, phường Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội).

Hay như tại thời điểm ngày 12/9, NH Vietcombank ra thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản đảm bảo là miếng đất tọa lạc tại phường 5, TP. Vũng Tàu với mức giá khởi điểm hơn 48,6 tỷ đồng.

Đại diện Agribank cho biết, trong 1 tháng qua, nhà băng này cũng liên tiếp thu giữ và tổ chức đấu giá tài sản để thu hồi nợ xấu ở tất cả các chi nhánh trên cả nước.

Theo tìm hiểu, đến thời điểm hiện tại, hệ thống NH đã thu hồi hàng trăm tài sản đảm bảo, trong đó chủ yếu là bất động sản và xe của cá nhân, tổ chức. Đại diện Techcombank cho biết, tính chung từ cuối tháng 8 đến nay, nhà băng này đã thông báo thu giữ 32 tài sản đảm bảo.

Tự bàn giao tài sản đảm bảo

Theo các NH, trước đây, việc xử lý nợ xấu rất khó khăn do nhiều DN bất hợp tác, tìm cách chây ỳ, trì hoãn việc chuyển giao tài sản đảm bảo, thậm chí còn ngang nhiên sử dụng tài sản đang thế chấp ở NH để kinh doanh. Việc khởi kiện ra tòa cũng không dễ dàng và nếu được xử thắng kiện cũng khó thi hành án. Song từ khi Nghị quyết 42 được Quốc hội thông qua, nhiều khách hàng đã tự giác bàn giao tài sản đảm bảo cho NH.

Việc thu hồi tài sản đảm bảo đã dễ dàng hơn trước, nhưng công tác bán nợ còn nhiều vướng mắc do nhiều hướng dẫn chưa cụ thể.

Chẳng hạn, Sacombank đã tiến hành thu giữ được nhiều tài sản đảm bảo, nhưng mới đấu giá thành công 2 tài sản thu về hơn 24,5 tỷ đồng. Hay như Agribank, Techcombank… cũng mới thu hồi được vài trăm tỷ đồng.

Theo lãnh đạo các NH, hiện nay, do chưa có hướng dẫn chi tiết nên việc triển khai xử lý tài sản đảm bảo chưa đồng bộ.

Ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch HĐTV VAMC cho biết, thực tế trong quá trình làm đến khi bắt đầu định giá, chuẩn bị đưa ra đấu giá còn vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, chưa kể nhiều tài sản đảm bảo giá trị lớn, nội bộ rất phức tạp vì tài sản không phải một chủ mà là nhiều chủ với công năng khác nhau…

Phản ánh của các NH cho thấy, nhiều tài sản đảm bảo có giá trị lớn nên việc bán đấu giá cũng gặp nhiều khó khăn. Đơn cử, ngày 19/9, Agribank AMC bán đấu giá dự án V-Ikon, nhưng kế hoạch bị đổ bể vì không có khách hàng nào đăng ký tham gia đấu thầu.

Mới đây, NHNN đã được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19 về mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 42.

Các chuyên gia tài chính, NH kỳ vọng, sau khi có hướng dẫn cụ thể thị trường mua bán nợ sẽ sôi động hơn.

Đức Thế