Ngôi nhà đa dạng sinh học

Được thành lập từ năm 1996 theo Quyết định số 970/TTg của Chính phủ, Khu BTTN Kẻ Gỗ cách thành phố Hà Tĩnh khoảng 15km về phía Tây Nam, thuộc khu vực phía đông dãy Trường Sơn Bắc. Khu BTTN Kẻ Gỗ có tổng diện tích hơn 44.271 ha, nằm trên địa bàn 15 xã, trải dài qua 4 huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Hương Khê, Kỳ Anh và giáp với tỉnh Quảng Bình, được bao phủ bởi rừng kín với nhiều loại cây cho gỗ có tên trong Sách đỏ Việt Nam cùng nhiều loài động, thực vật quý hiếm.

Một góc Khu bảo tồn thiên Kẻ Gỗ.
Một góc Khu bảo tồn thiên Kẻ Gỗ

Khu BTTN Kẻ Gỗ có thảm thực vật phong phú được bao phủ bởi rừng hỗn giao thường xanh, đặc trưng cho nhiều luồng thực vật của khu hệ thực vật bản địa Bắc Việt Nam - Nam Trung hoa, luồng thực vật Indonesia - Malaysia và luồng thực vật Hymalaya với hơn 40 loài cây thân gỗ, nhiều loại thực vật qúy như Táu, Gõ, Chò chỉ, Kim giao, Sến, Lát hoa…, nhiều loại cây gỗ có tên trong Sách đỏ Việt Nam như Lim xanh, Sến mật, Gụ, Vàng tâm, Trầm hương, Giổi, Trường, Trín, Bời lời vàng…

Theo số liệu thống kê, hiện tại Khu BTTN Kẻ Gỗ có 567 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 367 chi và 117 họ, phổ biến tại tầng cây bụi có các loại cây trong họ Cau dừa với các loài chủ yếu như Lá nón, Song, Mây, Cau rừng, Lụi…, tại tầng thảm tươi có Quyết, Bồn bồn và các loài họ Rô… Rừng Kẻ Gỗ cũng là quê hương của các loài mộc lan, phong lan đẹp và qúy như Quế hương, Tai tượng, Tai trâu, Đuôi chồn, Phượng vỹ, Nghinh xuân…

Khu BTTN Kẻ Gỗ có sự đa dạng về thành phần loài và có tính đặc hữu cao trong thế giới động, thực vật.
Khu BTTN Kẻ Gỗ có sự đa dạng về thành phần loài và có tính đặc hữu cao trong thế giới động, thực vật.

Hệ động vật tại Khu BTTN Kẻ Gỗ cũng rất phong phú, cho tới gần đây đã phát hiện 392 loài động vật có xương sống thuộc 99 họ, 80 loài Thú, 298 loài Chim, 63 loài Bò sát và 33 loài Lưỡng cư, Côn trùng có 302 loài và Cá có 35 loài…

Danh mục các loài thú ở Khu BTTN Kẻ Gỗ đã được xây dựng gồm 76 loài thuộc 27 họ, 9 bộ. Trong đó, có 68 loài đã được ghi nhận khẳng định, 8 loài ghi nhận chưa đủ chắc chắn. Trong tổng số 76 loài thú ghi nhận được có đến 17 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới thuộc nhóm nguy cấp, quý hiếm cần được bảo tồn đặc biệt như chồn dơi, cu li lớn, khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi lợn, khỉ mốc, voọc chà vá chân nâu, vượn má hung, gấu ngựa, gấu chó, cầy mực, beo lửa, sơn dương, tê tê vàng, sóc bay lớn.…

Có nhiều loài động vật quý hiếm.
Có nhiều loài động vật quý hiếm.

Tại đây cũng đã ghi nhận được 23 loài chim có nguy cơ tuyệt chủng thuộc 13 họ và 9 bộ. Trong đó, có 5 loài chim đặc hữu quan trọng có vùng phân bố hẹp, đó là Gà lôi lam mào đen, Gà lôi Hà Tĩnh, Trĩ sao, Khướu mỏ dài và Chích chạch mỏ xám, 2 loài Gà lôi lam mào đen và Gà lôi Hà Tĩnh là hai loài bị đe dọa tuyệt chủng toàn cầu. Động vật trong khu bảo tồn phân bố không tập trung, thường gặp phân tán ở một số vùng nhất định. Các loài thú chủ yếu phân bố vùng cao, xa trong rừng tự nhiên, gần nguồn nước.

Ghi nhận được nhiều động vật hoang dã quý hiếm

Nhằm theo dõi và bảo tồn sự đa dạng sinh học, Ban Quản lý Khu BTTN Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh) phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai một dự án lắp đặt 88 điểm bẫy ảnh khắp khu bảo tồn, ghi lại hình ảnh hoạt động của các loài động vật hoang dã.

Nhiều hình ảnh động vật hoang dã quý hiếm được bẫy ảnh ghi lại.
Nhiều hình ảnh động vật hoang dã quý hiếm được bẫy ảnh ghi lại.

Thông qua hệ thống bẫy ảnh ghi nhận được 19 loài thú, 13 loài chim và 1 loài bò sát. Trong đó có những loài quen thuộc như thỏ vằn, sóc má đào, khỉ mốc, dúi mốc, sóc đen, nai, lợn rừng; cùng những loài quý hiếm, ít gặp như cầy vòi hương, cầy mốc cua, mèo rừng, cheo cheo, cầy vòi mốc, chồn bạc má Bắc, cầy gấm, chồn họng vàng...

Trong số các loài thú và loài chim được ghi nhận qua điểm bẫy ảnh nói trên, có nhiều cá thể nằm trong danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm thuộc nhóm IB và IIB, có trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới, nghiêm cấm việc săn bắt, khai thác, buôn bán trái phép và cần ưu tiên được bảo vệ, bảo tồn.

Khu BTTN Kẻ Gỗ cũng là xứ sở của nhiều loài hoa rừng đẹp.
Khu BTTN Kẻ Gỗ cũng là xứ sở của nhiều loài hoa rừng đẹp.

Ngoài có nhiều loài động vật quý hiếm, loại cây gỗ có tên trong Sách đỏ Việt Nam… thì rừng Kẻ Gỗ cũng là xứ sở của nhiều loại hoa rừng rất đẹp như: hoa mộc lan, quế hương, tai tượng, tai trâu, nghinh xuân, phượng vĩ…

Lãnh đạo Ban Quản lý Khu BTTN Kẻ Gỗ cho biết, với việc được đầu tư triển khai dự án lắp đặt các điểm bẫy ảnh tại khu bảo tồn đã góp phần rất lớn trong công tác bảo vệ động vật hoang dã, đa dạng sinh học và nghiên cứu khoa học.

Dự án lắp đặt bẫy ảnh đã góp phần rất lớn trong công tác bảo vệ động vật hoang dã, đa dạng sinh học và nghiên cứu khoa học.
Dự án lắp đặt bẫy ảnh đã góp phần rất lớn trong công tác bảo vệ động vật hoang dã, đa dạng sinh học và nghiên cứu khoa học.

Trong thời gian qua, Ban Quản lý Khu BTTN Kẻ Gỗ đã phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương tiến hành tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học cho cộng đồng dân cư các xã có rừng thuộc lâm phận của Ban quản lý. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, tháo dỡ bẫy tại những điểm nóng về săn bắt động vật hoang dã, phối hợp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhờ vậy tình trạng đặt bẫy, săn bắt động vật hoang dã tại Khu BTTN Kẻ Gỗ đã giảm hơn.

Công tác bảo tồn còn nhiều khó khăn

Nhờ sự đa dạng về thành phần loài và có tính đặc hữu cao trong thế giới động, thực vật nên Khu BTTN Kẻ Gỗ có vị trí quan trọng trong chương trình bảo vệ đa dạng sinh học trong nước cũng như quốc tế và được xếp vào hàng ưu tiên trong chiến lược bảo vệ đa dạng sinh học. Khu BTTN Kẻ Gỗ cũng góp phần rất lớn trong bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, nghiên cứu khoa học, cung cấp nguồn nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp…  Tuy nhiên, công tác bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học tại Khu BTTN Kẻ Gỗ đang còn có nhiều khó khăn, thách thức.

Công tác bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học còn gặp nhiều khó khăn.
Công tác bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Trần Văn Hùng, Trưởng Phòng Khoa học bảo tồn và Hợp tác Quốc tế, Ban Quản lý Khu BTTN Kẻ Gỗ cho biết, Khu BTTN Kẻ Gỗ có diện tích rộng nhưng lực lượng thực hiện công tác bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học lại mỏng, kinh phí hạn chế, thiếu phương tiện và trang thiết bị. Ban Quản lý Khu BTTN Kẻ Gỗ có 61 cán bộ, công nhân viên, được giao quản lý, bảo vệ hơn 44.271 ha, trong đó phần lớn là diện tích rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, nằm trên địa bàn 15 xã, thuộc 4 huyện và giáp ranh với tỉnh Quảng Bình nên công tác tuần tra, kiểm soát và bảo vệ sự đa dạng sinh học của đơn vị gặp rất nhiều khó khăn.

Tình trạng người dân vào rừng đặt bẫy, săn bắt động vật vẫn còn diễn ra.
Tình trạng người dân vào rừng đặt bẫy, săn bắt động vật vẫn còn diễn ra.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý Khu BTTN Kẻ Gỗ cho biết, chế độ chính sách đối với lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ rừng tại gốc chưa được quan tâm đúng mực, trang thiết bị, công cụ, dụng cụ hỗ trợ phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, đa dạng sinh học còn thiếu và yếu.

Trong những năm qua, công tác tuần tra, kiểm soát và bảo vệ sự đa dạng sinh học Khu BTTN Kẻ Gỗ được tăng cường và diễn ra thường xuyên, kỹ càng nhưng với diện tích rộng, lực lượng mỏng, phương tiện thiếu nên tình trạng người dân vào rừng đặt bẩy, săn bắt động vật vẫn còn diễn ra, khó kiểm soát đặc biệt là vào mùa mưa và ban đêm.

Công tác bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học tại Khu BTTN Kẻ Gỗ rất cần nhận được sự quan tâm hơn nữa của chính quyền các cấp và cơ quan chức năng.
Công tác bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học tại Khu BTTN Kẻ Gỗ rất cần nhận được sự quan tâm hơn nữa của chính quyền các cấp và cơ quan chức năng.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Kẻ Gỗ cho biết, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng hàng đầu và xuyên suốt quá trình thực hiện phương án quản lý rừng bền vững. Trong thời gian tới rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng để có những giải pháp, tăng cường lực lượng, phương tiện và hỗ trợ nguồn kinh phí cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học tại Khu BTTN Kẻ Gỗ.

Khánh Trình