Bài 1: Khó khăn tại nơi ở mới
Đã gần 2 năm nay, hơn 200 hộ dân với 800 nhân khẩu tại khu tái định cư Hói Trung (Vũ Quang, Hà Tĩnh) vẫn âm thầm sống chung với tình trạng “cháy” nước sạch...
Dự án hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang khởi công tháng 6/2009, tổng mức đầu tư trên 7.857 tỷ đồng, do Bộ NN&PTNT làm chủ đầu tư. Công trình không chỉ cung cấp nước tưới cho hàng chục nghìn ha lúa, màu trên địa bàn 8 huyện, phục vụ nước sinh hoạt cho nhân dân, mà còn có tác dụng tới công nghiệp khi mỏ sắt Thạch Khê đi vào khai thác. Để nhường đất cho công trình, 2.500 hộ hộ dân phải di dời và chịu ảnh hưởng (di dời 982 hộ dân) và xây mới 3 khu tái định cư (TĐC) tập trung.
Trong khi người dân 2 khu TĐC Khe Ná - Kẻ Gỗ và khu Đồng Nậy đã dần dần ổn định cuộc sống sinh hoạt và sản xuất, thì ở khu Hói Trung, người dân đang chật vật với nhiều khó khăn, họ vẫn chưa thể an cư khi ngày ngày phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt.
Tiếp xúc với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Hường chia sẻ: “Nước bơm lên mùi hôi, tanh lắm, không dùng được. Mới đầu, tôi mua máy lọc nước 4,5 triệu đồng, tưởng sẽ cải thiện được tình hình, nhưng giờ đành vứt đó. Nhà có 2 con nhỏ, tắm nước giếng bị nổi mẩn ngứa nên gia đình phải thay phiên nhau xin nước sạch về dùng”.
Chị dẫn chúng tôi ra xem bể chứa nước vàng đặc màu phèn, nồi niêu, bát đĩa ngả sang màu đen xỉn do tương tác với nguồn nước. Hầu hết nước giếng của người dân ở khu TĐC Hói Trung đều bị ô nhiễm nặng, bốc mùi tanh tưởi, có nơi màu vàng, nơi thì màu đen, bơm lên để vài tiếng đồng hồ thì nổi váng. Cũng có nhiều hộ gia đình chỉ cần bơm nước lên, đã thấy màu đen bùn. Cái thiết yếu nhất cho cuộc sống hàng ngày là nước sinh hoạt, lại đang trở thành thảm họa cho người dân nơi đây.
Nước giếng hầu như không sử dụng được, bà con phải đi lấy nước cách hơn 30 km ở nơi ở cũ về dùng. Chị Nguyễn Thị Tâm cho biết: “Nước sạch chúng tôi để ăn uống, còn tắm giặt vệ sinh hàng ngày phải dùng nước bẩn. Một số hộ dân, nước có thể “tạm” dùng được thì luôn trong tình trạng giếng cạn. Có khi máy bơm hoạt động cả ngày liền chỉ được một xô nước”.
Theo kết quả xét nghiệm của Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Hà Tĩnh, nước ở khu Hói Trung có hàm lượng sắt vượt tới 26 lần giới hạn cho phép. Nếu thử một phản ứng đơn giản, lấy một cốc nước giếng khoan pha với nước chè xanh, ngay lập tức cốc nước chuyển thành màu đen kịt.
Không chỉ thiếu nước sinh hoạt, đất canh tác sản xuất cũng là vấn đề khiến người dân nơi đây lo lắng. Hàng chục hộ dân đang đối mặt với cảnh thiếu đất sản xuất. Hiện khu TĐC Hói Trung đã có 150 hộ dân làm nhà ở ổn định, nhưng trên 70 hộ dân thiếu đất vườn. Các hộ dân khác tuy đã bốc thăm để nhận đất, nhưng đến nay vẫn chưa được giao.
Theo quan sát, đất ở khu TĐC Hói Trung khá cằn cỗi, đất sản xuất mới khai hoang chưa thuần thục tác động trực tiếp đến đời sống bà con. Các hộ dân gặp khó khăn khi gieo trồng hoa màu và cây lâu năm, khó cho năng suất cao. Anh Nài Văn Quyết ở Tiểu khu 54 cho biết: “Gia đình tôi về đây đã hơn 1 năm. Theo quy hoạch thì sau khi di dời, chúng tôi sẽ được cấp đất sản xuất nông nghiệp. Nhưng vẫn chỉ là “nghe nói”, về đây tứ phía là rừng đồi, không biết bao giờ có đất canh tác?”
Lưu Hà - Mai Hoàn