Ông Enrico Letta, cựu Thủ tướng Italy, người gần đây đã gửi báo cáo về tương lai của thị trường chung tới EU, cho biết: “Chúng ta quá nhỏ bé”.
Trong khi đó, ông Nicolai Tangen, người đứng đầu quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới của Na Uy, nói: “Chúng tôi không có nhiều tham vọng. Người Mỹ làm việc chăm chỉ hơn”.
Hiệp hội các phòng thương mại Châu Âu tuyên bố: “Các doanh nghiệp Châu Âu cần lấy lại sự tự tin”.
Danh sách các lý do dẫn đến cái được gọi là “cuộc khủng hoảng năng lực cạnh tranh” vẫn tiếp tục: EU có quá nhiều quy định và giới lãnh đạo ở liên minh có quá ít quyền lực, trong khi thị trường tài chính quá phân mảnh; đầu tư công và tư nhân quá thấp; các công ty quá nhỏ để cạnh tranh trên quy mô toàn cầu.
Ông Mario Draghi, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), người đang đứng đầu một nghiên cứu về khả năng cạnh tranh của châu lục này nói: “Tổ chức, việc ra quyết định và tài trợ của chúng tôi được thiết kế cho 'thế giới của ngày hôm qua' - giai đoạn trước cuộc khủng hoảng như Covid-19, xung đột Nga-Ukraine, chiến sự ở Trung Đông và trước sự trở lại của cạnh tranh giữa các cường quốc”.
Năng lượng giá rẻ từ Nga, hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc và sự phụ thuộc nền tảng vào sự bảo vệ quân sự của Mỹ không còn được coi là điều đương nhiên. Đồng thời, Bắc Kinh và Washington đang rót hàng trăm tỷ USD vào việc mở rộng ngành công nghiệp bán dẫn, năng lượng thay thế và ô tô điện trong nước.
Đầu tư tư nhân cũng tụt hậu. Ví dụ, theo báo cáo của Viện toàn cầu McKinsey, năm 2022, các tập đoàn lớn ở châu Âu đầu tư ít hơn 60% so với các đối tác Mỹ và tăng trưởng chỉ bằng 2/3. Thu nhập bình quân đầu người thấp hơn 27% so với ở nền kinh tế số 1 thế giới. Tăng trưởng năng suất tại lục địa già chậm hơn so với các nền kinh tế lớn khác, trong khi giá năng lượng lại cao hơn nhiều.
Báo cáo của ông Draghi sẽ không được công bố cho đến sau khi cử tri trên khắp 27 nước thành viên EU đi bỏ phiếu trong tuần này để bầu ra đại diện của họ tại Nghị viện Châu Âu.
Nhưng ông đã từng tuyên bố rằng, “sự thay đổi triệt để” là cần thiết. Theo quan điểm của cựu Thủ tướng Italy, điều đó có nghĩa là cần một sự gia tăng lớn trong chi tiêu chung, một cuộc cải tổ các quy định và tài chính phức tạp của Châu Âu, cũng như sự hợp nhất của các công ty nhỏ hơn.
Những thách thức cố hữu trong việc khiến 27 quốc gia hoạt động như một đơn vị duy nhất đã trở nên rõ ràng hơn trước tiến bộ nhanh chóng của công nghệ, xung đột quốc tế gia tăng và việc sử dụng ngày càng nhiều các chính sách quốc gia để định hướng kinh doanh. Hãy tưởng tượng, nếu mọi tiểu bang ở Mỹ đều có chủ quyền riêng và chỉ có quyền lực liên bang hạn chế trong việc huy động tiền tài trợ cho những thứ như quân đội, thì điều gì sẽ xảy ra?
Công ty nghiên cứu Rystad Energy cho biết trong một phân tích công bố tuần đầu tiên của tháng 6 này rằng, EU “sẽ tụt xa so với các mục tiêu chuyển đổi đầy tham vọng về năng lượng tái tạo, năng lực công nghệ sạch và đầu tư vào chuỗi cung ứng trong nội khối”.
Theo quan điểm của ông Draghi, đầu tư công và tư nhân ở EU cần tăng thêm nửa nghìn tỷ Euro mỗi năm (542 tỷ USD) chỉ riêng cho các quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và xanh để theo kịp 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Cả báo cáo của Chủ tịch ECB Draghi và cựu Thủ tướng Italy Letta đều được Ủy ban Châu Âu (EC), cơ quan điều hành của EU, yêu cầu giúp hướng dẫn các nhà hoạch định chính sách khi họ gặp nhau vào mùa Thu tới để vạch ra kế hoạch chiến lược 5 năm tiếp theo của khối.
Vẫn còn một bộ phận khá lớn ở Châu Âu - và những nơi khác - thích thị trường mở và nghi ngờ sự can thiệp của chính phủ. Nhưng nhiều quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu châu lục này đang ngày càng nói nhiều về sự cần thiết phải có hành động tập thể quyết liệt hơn.
Họ lập luận rằng, nếu không tập hợp tài chính công và tạo ra một thị trường vốn duy nhất, Châu Âu sẽ không thể thực hiện các khoản đầu tư cần thiết vào quốc phòng, năng lượng, siêu máy tính và hơn thế nữa để cạnh tranh hiệu quả.
Và nếu không hợp nhất các công ty nhỏ hơn thì sẽ không thể sánh được với lợi thế kinh tế nhờ quy mô sẵn có của các công ty nước ngoài khổng lồ vốn có có vị thế tốt hơn để giành lấy thị phần và lợi nhuận.
Trong hơn một thập niên, Châu Âu đã tụt hậu về một số chỉ số đo lường khả năng cạnh tranh, bao gồm đầu tư vốn, nghiên cứu và phát triển cũng như tăng trưởng năng suất. Tuy nhiên, theo Viện McKinsey, đây là khu vực dẫn đầu thế giới trong việc giảm khí thải, hạn chế bất bình đẳng thu nhập và mở rộng tính di động xã hội.
Ông Simone Tagliapietra, thành viên cấp cao tại Bruegel, một tổ chức nghiên cứu ở Brussels (Bỉ) cho biết, các chính sách quản lý năng lượng, thị trường và ngân hàng quá khác nhau. Chuyên gia này kết luận: “Nếu chúng tôi tiếp tục có 27 thị trường chưa hội nhập tốt, chúng tôi không thể cạnh tranh với người Trung Quốc hoặc người Mỹ”.
Theo Reuters