Nhiều yếu tố đẩy CPI tăng
CPI bình quân cả nước trong 9 tháng qua đã tăng 3,57% so với bình quân cùng kỳ năm 2017, mức tăng khá cao so với mục tiêu kìm giữ tốc độ lạm phát tăng không quá 4% trong cả năm 2018 như đề ra từ đầu năm. Như vậy, hạn mức cho sự tăng giá còn lại trong quý IV-2018 là hạn hẹp, đặt ra áp lực đối với hoạt động điều hành vĩ mô.
Một tác nhân sẽ kích đẩy CPI tăng trong thời gian tới là sự tăng giá xăng dầu khá cao vào ngày 6-10 vừa qua. Đây cũng là một diễn biến nằm trong dự báo ngắn hạn, bởi giá nhiên liệu trên thị trường quốc tế vẫn đang trong chu kỳ tăng giá qua từng tháng. Vấn đề đáng quan tâm là giá xăng dầu vốn liên quan trực tiếp tới hầu hết các hoạt động, sinh hoạt của xã hội - sẽ là sự kích thích tăng giá đầu vào trên diện rộng và CPI chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp. Bên cạnh đó, giá một số mặt hàng liên quan có nhu cầu tiêu thụ mạnh trong dịp cuối năm cũng thường xuyên diễn ra theo xu hướng tăng, trở thành những yếu tố đẩy CPI tăng lên.
Trong bối cảnh trên, CPI bình quân của Hà Nội 9 tháng năm 2018 tăng 3,99% so với cùng kỳ năm trước, tức tăng cao hơn mức trung bình cả nước và gần như đã "kịch trần". Đơn cử, trong tháng 9, đã có 10/11 chỉ số cấu thành CPI trên địa bàn tăng so với tháng trước.
"Siết" chặt công tác quản lý
Nếu tình huống bất lợi, hoặc có yếu tố bất ngờ xảy ra ngoài ý muốn, CPI cả nước có thể sẽ vượt mức cho phép - tức cao hơn 4%; trong khi CPI Hà Nội sẽ còn tăng cao hơn. Dưới góc độ ổn định kinh tế vĩ mô, việc quản lý chặt CPI là rất cần thiết.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, cũng nên xem xét vấn đề CPI ở hoàn cảnh cụ thể, hướng tới mục đích chung xét cả về mặt kinh tế và xã hội. Đơn cử, nếu nhu cầu tiêu thụ vật tư, nguyên liệu cũng như hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu dùng tăng một cách hợp lý thì điều đó có lợi cho hoạt động sản xuất, nhất là đối với sản xuất hàng phục vụ xuất khẩu.
Thực tế cho thấy, CPI Hà Nội thường tăng cao hơn CPI của TP Hồ Chí Minh và điều này cho thấy sự cần thiết phải tìm cách khắc phục. Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, đến nay nhìn chung Hà Nội mới chỉ tự đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu hàng hóa tiêu dùng và phần còn lại phụ thuộc vào nguồn cung từ các địa phương khác. Vì vậy, hàng về đến thị trường Hà Nội bị đội giá do cộng thêm chi phí vận tải, quản lý, kho bãi... Mặt khác, sức mua của người dân Thủ đô cao hơn so với các tỉnh bạn, nên mặt bằng giá cao hơn là điều dễ hiểu.
Theo ông Vũ Vinh Phú, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá thịt lợn và có biện pháp khống chế hợp lý nếu có sự tăng giá trên diện rộng, bởi càng về cuối năm nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này càng gắn chặt với đời sống dân sinh.
Trong xu hướng gia tăng tiêu dùng, có thể làm tăng CPI trong quý IV-2018 như một thông lệ hằng năm thì các cơ quan quản lý càng cần tập trung kiểm soát tốt quan hệ cung - cầu, bảo đảm lưu thông hàng hóa liên tục kết hợp phòng tránh khả năng tăng giá đột ngột, bất hợp lý. Một vấn đề khác cần làm tốt là bảo đảm lưu thông, sẵn sàng hỗ trợ nhà sản xuất để họ có thể “đến thẳng” người tiêu dùng, tức là giảm tối đa tình trạng hàng hóa phải qua nhiều nấc trung gian...
Hoạt động bán hàng bình ổn giá dịp cuối năm cần được tổ chức có thực chất; trong đó bảo đảm hiệu quả và mục đích ban đầu. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng nên có biện pháp can thiệp để giảm tỷ lệ chiết khấu khi nhà sản xuất đưa hàng vào siêu thị (hiện ở mức 20-30%) - là tác nhân gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng như hiện tại.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, từ nay đến hết năm 2018, Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục tập trung thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", thúc đẩy tiêu dùng nội địa kết hợp chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố.
Dự báo, giá trị hàng hóa dự trữ phục vụ dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 khoảng 28,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2017. Sở Công Thương cũng đã chắp mối, tạo điều kiện cho 18 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình bình ổn thị trường phục vụ Tết, trong khi một số tổ chức tín dụng đã đăng ký chấp thuận cho các doanh nghiệp vay vốn thực hiện mục đích trên, với tổng số vốn vay 2,7 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, Sở đã tổ chức các đoàn doanh nghiệp đi tìm hiểu khả năng cung cấp nông sản tại các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang... Qua đó, các doanh nghiệp Hà Nội đã ký khoảng 400 biên bản ghi nhớ, hợp tác với đối tác; phục vụ kết nối cung - cầu hàng hóa, góp phần thực hiện mục tiêu ổn định giá cả.
Thời gian thực hiện mục tiêu kiểm soát CPI không còn nhiều, nhưng cần trông đợi, tin tưởng ở sự điều hành linh hoạt, hiệu quả từ tầm vĩ mô để kiềm chế CPI ở mức tối đa.
Theo Hà Nội mới