Doanh nghiệp gỗ Việt Nam “biến” thách thức thành cơ hội
Ngành gỗ Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong xuất khẩu, với kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 16,2 tỷ USD trong năm 2024. Trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ chiếm 55%, đạt gần 9 tỷ USD.
Đặc biệt, ngành gỗ tiếp tục cho thấy tín hiệu tích cực với kim ngạch xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm đạt 2,52 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, những thay đổi trong chính sách thuế quan mà Mỹ vừa công bố đang đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Việt Nam.

Về vấn đề này, đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết: Thị trường Mỹ chiếm hơn 55% kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam trong năm 2024, do đó, bất kỳ biến động nào về thuế quan từ Mỹ đều đáng lo ngại.
Nếu chính sách thuế mới của Mỹ được thực thi trong thời gian tới thì các doanh nghiệp gỗ Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thậm chí dẫn đến nguy cơ mất thị phần và giảm doanh thu.
Tuy nhiên, Viforest cho rằng, thách thức này cũng sẽ có thể trở thành động lực để ngành gỗ Việt Nam chuyển đổi theo hướng bền vững hơn trong tương lai.
Trước thách thức hiện nay, các doanh nghiệp ngành gỗ đã chủ động kết nối, mở rộng các thị trường mới, đồng thời kỳ vọng vào những nỗ lực đàm phán của Chính phủ hai nước.
Thách thức đặt ra?
Việt Nam là nước xuất siêu các sản phẩm gỗ vào Mỹ thuộc top đầu, trong đó các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là đồ nội thất. Do đó, các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng gỗ vào thị trường Mỹ hiện không tránh khỏi lo lắng.
Hơn 90% sản phẩm nội thất của Công ty Xuất nhập khẩu Minh Tín được xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Bên cạnh tăng cường ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại, doanh nghiệp đặc biệt lưu ý đến minh bạch nguồn gốc của nguyên liệu. "Hiện tại trên 90% sản phẩm của chúng tôi nguyên vật liệu là của Việt Nam, chúng tôi làm rõ ràng vấn đề đó để tránh nhầm lẫn hoặc đánh giá của Mỹ về thuế", ông Nguyễn Vĩnh Nam - Phó Tổng Giám đốc điều hành Công ty Xuất nhập khẩu Minh Tín cho biết.
Ông Ngô Chơn Trí, Giám đốc vận hành Yes4All - nhà xuất khẩu đồ nội thất Việt Nam, việc Mỹ tăng thuế sẽ làm giá bán sản phẩm gỗ tại thị trường này cao hơn, khiến người tiêu dùng dịch chuyển hành vi mua hàng. Tuy nhiên, chủ động thích ứng kịp thì vẫn sẽ mang về cơ hội. "Chúng tôi đang liên tục quan sát, phối hợp cùng các nhà sản xuất để đưa ra các sản phẩm với tiêu chí với giá hợp lý, chất lượng", ông Trí nói.

Ông Ngỗ Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết: "Chúng ta nhập khẩu một số sản phẩm từ Hoa Kỳ và chúng ta đang áp thuế chung cho tất cả các nguồn nhập khẩu với mức thuế từ là 15 - 55%. Chính phủ đã có quyết định rất nhanh chóng, kịp thời đưa nhóm sản phẩm gỗ thuế suất về 0% với hy vọng phía Mỹ xem xét có quyết định công bằng và hợp lý".
"Chính phủ Việt Nam cần phải chủ động đàm phán với Chính phủ Hoa Kỳ để có mức thuế phù hợp. Doanh nghiệp cần tích cực tận dụng các hiệp định thương mại tự do để bên cạnh việc duy trì thị trường truyền thống, chúng ta phải mở ra các thị trường mới’, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nêu ý kiến.
Mở đường xuất khẩu gỗ sang các thị trường mới
Cùng nêu quan điểm, ông Võ Quang Hà, Chủ tịch Savico cho biết: Việc giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ là rất quan trọng. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể mở rộng xuất khẩu sang Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Trung Đông. Việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA, CPTPP sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới với mức thuế suất ưu đãi.
Đồng thời, thị trường nội địa với sức tiêu thụ 5 tỷ USD mỗi năm hiện vẫn chưa được quan tâm đầy đủ. Có 3 nhóm tiêu thụ sản phẩm gỗ chính là dự án lớn; hệ thống kênh phân phối truyền thống và trực tuyến; đầu tư công. Khi phân tích kỹ từng phân khúc, chúng ta sẽ xác định được nhu cầu, cơ hội để các hiệp hội trong ngành hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần đầu tư vào công nghệ sản xuất, từ nguyên liệu đến quy trình chế biến. Việc đạt các chứng nhận quốc tế như: FSC (Hội đồng Quản lý Rừng) hoặc PEFC giúp tăng giá trị sản phẩm và đảm bảo tính hợp pháp khi xuất khẩu.
Doanh nghiệp nên chủ động tham gia các hội chợ quốc tế về ngành gỗ để kết nối với khách hàng mới. Bên cạnh đó, việc ứng dụng các nền tảng thương mại điện tử như Alibaba, Amazon sẽ mở rộng cơ hội tiếp cận đối tác quốc tế.
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương, ngành chế biến gỗ và nội thất luôn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, không chỉ đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu mà còn khẳng định vị thế vững chắc của Việt Nam trên bản đồ thương mại toàn cầu. Bằng cách đa dạng thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm và linh hoạt trong chiến lược kinh doanh, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này và tiếp tục phát triển bền vững.
Để nâng cao chất lượng và giảm chi phí sản xuất, các doanh nghiệp đã đầu tư vào công nghệ hiện đại. Việc áp dụng máy móc tự động hóa, công nghệ CNC và phần mềm quản lý sản xuất tiên tiến đã giúp tăng năng suất, đảm bảo độ chính xác và đồng nhất của sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính như Hoa Kỳ và EU.
Thay vì tập trung vào xuất khẩu sản phẩm thô, các doanh nghiệp đã chuyển hướng sang sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Điều này không chỉ giúp tăng doanh thu mà còn giảm phụ thuộc vào các sản phẩm thô như dăm gỗ.
Đồng thời, việc chú trọng đầu tư vào đào tạo, nâng cao trình độ quản lý và tay nghề của người lao động cùng với áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng như: ISO, Lean Manufacturing đã giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm lãng phí và tăng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
PV (t/h)