Thông tư 13/2020/TT-BTC ngày 6/3/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 13/2015/TT-BTC ngày 31/1/2015 của Bộ Tài chính sẽ có hiệu lực từ ngày 20/4/2020.
Trong đó, đáng chú ý có nhiều quy định mới liên quan đến việc thực thi kiểm tra, giám sát và kiểm soát của cơ quan Hải quan; liên quan đến thủ tục đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa đã được áp dụng biện pháp kiểm tra, giám sát; xử lý đối với hàng giả hoặc hàng hóa có dấu hiệu là hàng giả; xử lý đối với hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến công tác kiểm soát hải quan…
Nhiều thay đổi trong việc kiểm soát hải quan đối với hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Cụ thể, Thông tư 13 cập nhật văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến giải thích khái niệm “hàng giả” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 1 (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 3 Thông tư số 13/2015/TT-BTC). Theo đó, hàng giả bao gồm các loại hàng hóa theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 và khoản 3 Điều 1 Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Sửa đổi, bổ sung giải thích khái niệm về kiểm soát hải quan đối với hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại điểm b khoản 1 Điều 1 (sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 3 Thông tư số 13/2015/TT-BTC).
Cụ thể, kiểm soát hải quan đối với hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan hoặc/và các biện pháp nghiệp vụ khác do cơ quan hải quan thực hiện theo quy định của pháp luật để phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa là hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong địa bàn hoạt động hải quan.
Sửa đổi, bổ sung về quyền của tổ chức, cá nhân tại điểm a khoản 2 Điều 1 (sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 4 Thông tư số 13/2015/TT-BTC) cho phù hợp với pháp luật về giải quyết khiếu nại. Theo đó, tại khoản này bỏ cụm từ “khiếu kiện” và sửa đổi, bổ sung thành: “khiếu nại, khởi kiện các quyết định xử lý hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, việc áp dụng các biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của cơ quan hải quan liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật về khiếu nại, pháp luật tố tụng hành chính.”
Bổ sung nghĩa vụ của chủ thể quyền tại điểm b khoản 2 Điều 1 (sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 4 Thông tư số 13/2015/TT-BTC). Theo đó, chủ thể quyền hoặc người được ủy quyền hợp pháp có trách nhiệm cung cấp thông tin cho cơ quan hải quan để thực hiện kiểm tra, giám sát, kiểm soát và cập nhật các nội dung liên quan đến phân biệt hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng thật đã được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của cơ quan Hải quan tại khoản 3 Điều 1 (sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 5 Thông tư số 13/2015/TT-BTC) cho phù hợp với pháp luật về giải quyết khiếu nại.
Bảo Lâm