Trong báo cáo vừa gửi đến Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, Kiểm toán Nhà nước cho biết năm 2019 đơn vị đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 81.000 tỷ đồng, liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng.

Đáng chú ý, cơ quan này chuyển bốn vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan CSĐT để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật.

Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an đề nghị điều tra, xử lý sai phạm có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam, Công ty TNHH Xây dựng Phúc Hưng và một số tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc vay vốn, bảo lãnh vay vốn, sử dụng vốn vay không đúng quy định thông qua hoạt động kiểm toán tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Đồng thời, chuyển Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội điều tra, xác minh dấu hiệu vi phạm quy định của Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội. Những dấu hiệu vi phạm này liên quan đến việc quản lý, sử dụng gần 3.000 m2 tại BTL 0146 ở phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, thực hiện Dự án xây dựng nhà ở để bán, văn phòng cho thuê kết hợp dịch vụ thương mại.

Cuối cùng là vụ Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Hà Thủy (Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội chiếm 51% vốn điều lệ) liên quan việc quản lý, sử dụng khu đất 5.644 m2 tại Bán đảo hồ Đống Đa, phường Ô Chợ Dừa.

Công an cho biết đã tiếp nhận và giải quyết các sai phạm tại Ngân hàng Phát triển Việt NamCông an cho biết đã tiếp nhận và giải quyết các sai phạm tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam

Đối với 2 vụ việc chuyển hồ sơ qua hoạt động kiểm toán tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam, ngày 12/9/2019 Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã có văn bản thông báo việc tiếp nhận, xem xét, giải quyết nội dung kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

Cũng qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước cho biết có 2 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý theo quy định pháp luật, gồm Dự án Nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám công suất 1.760 tấn ure/ngày (560.000 tấn ure/năm) và Dự án Nhà máy sản xuất Ethanol Bình Phước.

Cùng với đó, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh kịp thời nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương và đơn vị được kiểm toán.

Đơn vị này đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 198 văn bảnkhông phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, về tổ chức thực hiện quy định của Nhà nước, tránh thất thoát, lãng phí.

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kiến nghị kiểm toán để thu hồi triệt để tài sản tham nhũng, sai phạm cho Nhà nước.

PV