Theo đó, trong 10 tháng năm 2023, Cục Quản lý thị trường Kiên Giang đã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo, tổ chức triển khai trong toàn lực lượng bám sát các chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tổng Cục Quản lý thị trường, UBND tỉnh, tập trung thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm đề ra từ đầu năm như thanh tra, kiểm tra định kỳ đúng tiến độ, đồng thời tăng cường giám sát, ngăn chặn và xử lý các vụ việc vi phạm nổi cộm phát sinh, góp phần bình ổn thị trường nội tỉnh, không làm cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, bảo vệ quyền và lợi ích của doanh nghiệp, người tiêu dùng.
Qua đó, Cục Quản lý thị trường Kiên Giang đạt được một số kết quả như: Kiểm tra 895 vụ, đạt 112% kế hoạch năm; phát hiện 209 vụ vi phạm, 64 vụ đang chờ thẩm tra, xác minh; xử lý 260 vụ vi phạm hành chính (bao gồm số vụ kỳ trước chuyển sang), chuyển xử lý hình sự 01 vụ;
Thu nộp ngân sách 9,83 tỷ đồng; Thống kê 2.214 cơ sở, đạt 111% kế hoạch năm; Ký cam kết 2.952 bản, đạt 105% kế hoạch năm; Giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu của 536 cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn toàn tỉnh;
Phối hợp với các lực lượng chức năng địa phương kiểm tra trong các đợt tháng hành động vì an toàn thực phẩm, Tết Trung thu, …
Trong đó, đối với công tác kiểm tra, xử lý, Cục đã tập trung xử lý các vụ việc nổi cộm phát sinh trên địa bàn như hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng. Cụ thể xử lý: 44 vụ hàng cấm, thu nộp ngân sách 321 triệu đồng; 59 vụ hàng nhập lậu, thu nộp ngân sách 3,1 tỷ đồng; 12 vụ chất lượng, thu nộp ngân sách 1,1 tỷ đồng; 36 vụ hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, thu nộp ngân sách 969 triệu đồng và nhiều vụ việc khác.
Trong 02 tháng cuối năm, Cục Quản lý thị trường Kiên Giang sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, rà soát, thống kê các đối tượng kinh doanh trên địa bàn, chuẩn bị phục vụ cho công tác xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2024, kết hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho thương nhân chấp hành đúng quy định pháp luật trong kinh doanh.
Đồng thời, Cục QLTT tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình diễn biến thị trường, lưu thông hàng hóa, kiên quyết đấu tranh, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, … góp phần tích cực bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Yến Linh(t/h)