Năm 2015, là năm đầu tiên KTNN thực hiện kiểm toán Chương trình NTM giai đoạn 2010-2014 theo một chuyên đề riêng nhằm đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực đối với việc thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới và phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.
Trong các năm thực hiện, kết quả nổi bật nhất từ nội dung này phải kể đến là cuộc kiểm toán Chương trình NTM giai đoạn 2021-2025 do KTNN thực hiện năm 2023.
Qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 145,7 tỷ đồng, trong đó thu hồi nộp ngân sách các khoản chi sai quy định 46,3 triệu đồng; thu hồi kinh phí thừa 36,7 tỷ triệu đồng; giảm thanh toán 6,6 tỷ đồng; bố trí vốn ngân sách địa phương (NSĐP) hoàn trả cho chương trình 102,3 tỷ đồng. Kiến nghị xử lý khác 307,2 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là điều chỉnh không tổng hợp vào quyết toán kinh phí của Chương trình giai đoạn 2021-2025 là 298,9 tỷ đồng.
Kết quả kiểm toán cũng cho thấy, một số văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình NTM hiện nay còn có những bất cập, hạn chế gây khó khăn, vướng mắc cho các địa phương. Đơn cử, tại khoản 3 Điều 1 Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, quy định “Có ít nhất 1 mô hình thôn thông minh, do UBND cấp tỉnh quy định cụ thể”. Tuy nhiên Chính phủ, các bộ, ngành liên quan chưa ban hành các hướng dẫn cụ thể dẫn đến các tỉnh còn lúng túng khi thực hiện xây dựng các tiêu chí và không đồng nhất về số lượng và nội dung các tiêu chí.
Bên cạnh đó, bộ tiêu chí xã NTM về y tế quy định tỷ lệ khám chữa bệnh điện tử, tuy nhiên do điều kiện cơ sở hạ tầng khác nhau, nền tảng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, chưa có ứng dụng chính thức về sổ sức khỏe điện tử, Bộ Y tế đang trong lộ trình xây dựng các quy định cụ thể về hồ sơ sức khỏe cá nhân, sổ sức khỏe điện tử, khám, chữa bệnh từ xa theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi tại thời điểm hiện nay.
Trong quá trình làm việc với đoàn kiểm toán của KTNN, cũng như tiếp nhận kết quả kiểm toán, đại diện Bộ NN&PTNT cùng các địa phương cho biết, những kết quả được KTNN chỉ ra là phù hợp, đúng với thực tế triển khai của địa bàn vừa qua; đồng thời cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu, thực hiện theo kết luận, kiến nghị kiểm toán.
Chia sẻ về những khó khăn trong triển khai Chương trình, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương (Bộ NN&PTNT) Ngô Trường Sơn cho biết, hệ thống văn bản pháp lý, văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình ở cấp trung ương chậm ban hành, tiến độ giải ngân kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2022 và giai đoạn 2021 - 2025 cũng còn chậm.
Ngoài ra, mô hình tổ chức và cơ chế làm việc của Văn phòng Điều phối NTM cấp tỉnh ở các địa phương chưa có sự thống nhất; cán bộ làm công tác xây dựng NTM cấp xã chủ yếu là kiêm nhiệm và thường xuyên thay đổi nên ảnh hưởng đến việc tham mưu triển khai, theo dõi, tổng hợp thực hiện Chương trình ở cơ sở.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, để đạt mục tiêu Chương trình đến năm 2025 cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM; ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có khoảng từ 17 - 19 tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và 60% số thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn được công nhận đạt chuẩn NTM; việc triển khai thực hiện Chương trình NTM giai đoạn 2023 - 2025 sẽ tập trung thực hiện 07 giải pháp trọng tâm.
Trong đó, các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, thay đổi tư duy, nhận thức cho người dân về xây dựng NTM, đặc biệt phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị; các bộ, ngành Trung ương, các địa phương tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng NTM nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế; huy động tối đa các nguồn lực thực hiện Chương trình xây dựng NTM; từng bước nâng cao chất lượng đời sống của người dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế ở nông thôn…
Phương Thảo (t/h)