Nông nghiệp - ngành trụ đỡ kinh tế của địa phương

Ông Trịnh Xuân Hiền, Chủ tịch UBND xã Yên Cường cho biết, sau nhiều năm xây dựng và hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, năm 2022, Yên Cường được huyện Ý Yên lựa chọn làm đơn vị thực hiện xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định cùng lãnh đạo UBND huyện Ý Yên tham quan xã Yên Cường
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định cùng lãnh đạo UBND huyện Ý Yên tham quan xã Yên Cường

“Xác định đây là chương trình lớn, tổng thể toàn diện, có ý nghĩa quan trọng với việc phát triển kinh tế xã hội, vì vậy địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để triển khai tổ chức thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, của huyện”, ông Hiền nhấn mạnh.

Theo ông Hiền, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ thôn, xóm đến xã, sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân, cùng nhiều giải pháp cụ thể, sáng tạo, nhờ đó xã Yên Cường đã đạt được nhiều thành quả trên các lĩnh vực.

Nổi trội nhất là lĩnh vực nông nghiệp. Địa phương đã xây dựng được các vùng sản xuất hàng hóa và sản phẩm chủ lực có giá trị, hiệu quả kinh tế cao. Toàn xã có 10 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, đạt hạng 3 sao.

Các sản phẩm chủ lực đều có mã QR để thực hiện truy xuất nguồn gốc. Nhờ đó, các sản phẩm được bán trên “không gian mạng” như Facebook, Zalo… đạt 50%.

Song song với việc phát triển sản phẩm OCOP, xã Yên Cường đã chỉ đạo Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nam Cường phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển đậu đỗ xây dựng mô hình phát triển cây lạc tại xã với diện tích 20 ha. Đây là vùng nguyên liệu tập trung được cấp mã vùng trồng.

Yên Cường quyết tâm giữ vững các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu
Yên Cường quyết tâm giữ vững các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu

Bên cạnh việc phát triển nông nghiệp, xã Yên Cường còn chú trọng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề dịch vụ. Trên địa bàn xã có 2 công ty may thu hút 1.500 lao động, cơ bản giải quyết được việc làm tại chỗ, đem lại thu nhập ổn định cho nhân dân.

“Đến nay thu nhập bình quân đầu người ở Yên Cường đạt 72,6 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên địa bàn xã năm 2022 còn 0,8%”, ông Hiền thông tin thêm.

Cùng với đó, hệ thống cơ sở vật chất, hệ thống giao thông trên địa bàn xã đã được đầu tư, nâng cấp, xây mới. 100% đường xã, thôn được cứng hóa, đảm bảo “Sáng, xanh, sạch, đẹp và an toàn”; có các hạng mục cần thiết theo quy định như biển báo, biển chỉ dẫn, chiếu sáng, gờ giảm tốc, cây xanh...

Lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế được quan tâm đầu tư. Hiện số người tham gia BHYT trên địa bàn xã đạt 95,86%, tỷ lệ dân số được quản lý theo dõi sức khỏe đạt trên 90%.

“Nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền các cấp, địa phương đã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu”, lãnh đạo xã Yên Cường bộc bạch.

Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ

Năm 2016, xã Yên Cường - địa phương có truyền thống canh tác rau an toàn, được UBND tỉnh Nam Định và tỉnh Miyazaki (Nhật Bản) lựa chọn để các chuyên gia nông nghiệp của tỉnh Miyazaki hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ thông qua dự án “Xây dựng hệ thống sản xuất, chế biến phân bón hữu cơ từ nguồn phế phẩm nông nghiệp”.

Người dân xã Yên Cường sử dụng phân hữu cơ để bón rau
Người dân xã Yên Cường sử dụng phân hữu cơ để bón rau

UBND xã đã giao cho Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp Bắc Cường (gọi tắt là HTX Bắc Cường) thực hiện sản xuất phân hữu cơ theo phương pháp của các chuyên gia Nhật Bản; HTX động viên người dân tích tụ ruộng đất, trồng rau an toàn theo hướng dẫn của các chuyên gia.

Toàn bộ thành viên của HTX Bắc Cường được các chuyên gia Nhật Bản, cán bộ Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh… hướng dẫn kỹ thuật sản xuất phân bón hữu cơ từ nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp; cách thức cải tạo đất bạc màu, thiếu dinh dưỡng bằng phân hữu cơ, kỹ thuật canh tác nông nghiệp an toàn.

Ông Ngô Minh Đức, Giám đốc HTX Bắc Cường chia sẻ, việc sản xuất phân bón hữu cơ theo phương pháp mà các chuyên gia Nhật Bản hướng dẫn không hề phức tạp. Công thức trộn ủ bao gồm 70% nguyên liệu phân chuồng nguyên chất (phân trâu, bò, lợn…), 30% phế phụ phẩm nông nghiệp (vỏ lạc, trấu...).

Sau khi trộn đều hỗn hợp trên, tiến hành đánh đống, tưới nước đảm bảo độ ẩm, ủ lên men tự nhiên. Theo dõi nhiệt độ đống ủ khi đạt 75 - 80 độ C thì tiến hành trộn đảo, lặp lại việc trộn đảo (trung bình 7 ngày/lần) cho tới khi nhiệt độ đống ủ xuống 40 - 45 độ C là đạt yêu cầu.

Theo ông Đức, từ khi triển khai phương pháp sản xuất phân hữu cơ này, thay vì thải phân gia súc gia cầm, phế phụ phẩm nông nghiệp ra môi trường gây ô nhiễm, trung bình mỗi năm HTX đã tự sản xuất được 90 - 100 tấn phân hữu cơ từ các phế phụ phẩm nông nghiệp, cung cấp cho hầu hết các doanh nghiệp, trang trại, HTX sản xuất rau an toàn trên địa bàn huyện.

Nông nghiệp được coi là trụ đỡ nền kinh tế của xã Yên Cường
Nông nghiệp được coi là trụ đỡ nền kinh tế của xã Yên Cường

Bà Ngô Thị Thắm, thôn Đọ Xá, xã Yên Cường tâm sự, trước đây, toàn bộ rơm rạ, thân cây lạc, khoai tây… sau khi thu hoạch đều được đốt bỏ. Tuy nhiên, từ khi gia đình bà được tiếp cận với phương pháp sản xuất phân bón hữu cơ, những loại phế phẩm này đều được tận dụng hết để làm nguyên liệu sản xuất phân bón.

"Qua nhiều vụ sản xuất, gia đình tôi sử dụng phân bón hữu cơ do mình tự trộn ủ nên cây rau màu sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, ít sâu bệnh, đất tơi xốp. Hơn nữa, gia đình tôi còn tiết kiệm được rất nhiều chi phí sản xuất khác", bà Thắm bộc bạch.

Tháng 7/2023, Hội đồng thẩm định xét công nhận xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Nam Định tổ chức Hội nghị xét công nhận xã Yên Cường đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu với lĩnh vực nổi trội là sản xuất nông nghiệp.

Văn Chiến