Sáng ngày 2-8, chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia, tiếp tục rà soát, đôn đốc công tác vận động, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ (NTT) năm 2014, Phó Thủ Tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo, cần tập trung giải quyết những vấn đề tồn tại, hạn chế trong việc quản lý, sử dụng nguồn ODA, vốn vay ưu đãi trong thời gian qua.

 

Trong bối cảnh nguồn cung ODA trên thế giới tiếp tục có chiều hướng giảm, nhu cầu vốn ODA ở các nước kém phát triển, các nước có tình hình chính trị bất ổn tăng, tạo ra sự cạnh tranh gay gắt giữa những nước nhận viện trợ. Thông qua các hoạt động hợp tác phát triển, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết trong sáu tháng đầu năm 2014 của nước ta đạt 2,25 tỷ USD, tuy không cao so cùng kỳ năm trước nhưng chủ yếu do nhiều chương trình, dự án (DA) của các NTT năm nay đều dự kiến đàm phán, ký kết vào sáu tháng cuối năm. Tình hình giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi sáu tháng đầu năm 2014 đạt khoảng 3,2 tỷ USD,đạt 58,7% mục tiêu của cả năm và cao hơn 46% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, nổi bật là mức giải ngân của Ngân hàng Thế giới, lần đầu tiên vượt mốc một tỷ USD.

Tuy có những cải thiện tích cực nhất định, song tình hình thực hiện và giải ngân các DA, chương trình ODA và vốn vay ưu đãi giữa các ngành, lĩnh vực và giữa các địa phương chưa thật sự đồng đều. Những chương trình, DA trong các lĩnh vực giao thông, năng lượng, phát triển đô thị… cao hơn nhiều so các lĩnh vực y tế , giáo dục – đào tạo, thông tin, lao động – thương binh và xã hội. Tương tự, giải ngân ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cao hơn nhiều so các địa phương khác.

Tại cuộc họp, từng bộ, ngành chủ quản cũng như đại diện các ban quản lý được yêu cầu kiểm điểm những DA, chương trình chậm trễ trước Ban Chỉ đạo. Bộ Giao thông vận tải hiện có 40DA đều đạt tỷ lệ giải ngân cao và vượt mức kế hoạch năm nhưng vướng mắc chủ yếu nằm ở khâu giải phóng mặt bằng, vốn đối ứng… dẫn tới chậm trễ ở một số DA đường cao tốc, quốc lộ lớn.

Các bộ Giáo dục & Đào tạo, khoa học & Công nghệ, Công thương, Xây dựng, một số địa phương đã kiểm điểm những yếu kém, chậm trễ trong việc triển khai các DA như: phát triển giáo dục đại học theo định hướng nghề nghiệp; Đại học xuất sắc Việt – Đức; bảo đảm chất lượng giáo dục trường học; Thủy điện Trung Sơn… Những yếu kém phổ biến được chỉ rõ gồm trình độ cán bộ, năng lực các ban quản lý, thủ tục đấu thầu, điều chỉnh văn kiện DA còn phức tạp, mất thời gian; công tác quản lý tài chính, giải ngân chưa theo kịp yêu cầu; thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan thụ hưởng, triển khai DA.

Kết luận cuộc họp, ghi nhận  những kết quả đáng kích lệ trong việc duy trì ổn định, cải thiện nhất định của tình hình, Phó Thủ Tướng Hoàng Trung Hải tập chung chỉ đạo giải quyết những vấn đề tồn tại, hạn chế trong việc quản lý, sử dụng nguồn ODA vốn vay ưu đãi trong thời gian qua.

Phó Thủ Tướng yêu cầu văn phòng ban chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh lại vấn đề cập nhật, thống kê số liệu, tình hình, những vấn đề cụ thể của mỗi DA để kiểm điểm, tháo gỡ kịp thời, phù hợp. Trong thời gian xen kẽ các cuộc hợp Ban chỉ đạo, các bộ chủ quản tổ chức giao ban chéo, họp riêng với từng ban quản lý có DA bị “ kiểm điểm” để tháo gỡ, không báo cáo, kiến nghị chung chung.

Phó Thủ tướng nêu rõ những vấn đề vướng mắc, hạn chế đến nay trong lĩnh vực ODA vẫn chậm được khắc phục từ câu chuyện về giải phóng mặt bằng, điều chỉnh thiết kế, tăng tổng mức đầu tư, thay đổi nhân sự, kế hoạch đấu thầu, vốn, tạm ứng vốn… Điều đáng chú ý là những vấn đề phát sinh thường liên quan  rất nhiều tới năng lực, trách nhiệm của các ban quản lý, của nhà thầu… vì vậy, các bộ, ngành chủ quản DA, ban quản lý sát kế hoạch hành động chỉ đạo của Thủ Tướng Chính phủ để bảo đảm các mục tiêu, kế hoạch. Trong đó, lấy mục tiêu thực hiện trên thực tế làm trọng tâm theo quan điểm: “ Nếu không cải thiện được giải ngân thì khoan hẵng nghĩ tới việc đẩy mạnh, huy động vốn cam kết để càng xa rời mục tiêu, khó khăn trong vấn đề đôi ứng”.

Phó Thủ Tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, có ba ứng xử “ cần kiên quyết hơn nữa”, đó là: Kiên quyết trong việc đưa vào danh sách đen các nhà thầu, DA yếu kém dẫn đến chây ỳ, chậm trễ trong triển khai để tuyệt đối không cho tham gia các gói thầu khác; kiên quyết hơn trong đánh giá năng lực các ban quản lý, trường hợp yếu kém không giao DA mới; và kiên quyết hơn trong xây dựng, hoàn thiện chính sách, thể chế theo hướng đơn giải hóa, hài hòa quy trình, thủ tục với các NTT. Đối với các trường hợp DA, chương trình,  vụ việc bị nêu ra kiểm điểm trong cuộc họp,  đưa ra các chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo về vấn đề ODA, các cam kết của phía Việt Nam; yêu cầu tăng cường công tác quyết toán, giám sát và đánh giá các chương trình, DA, giải quyết kịp thời và hiệu quả các vướng mắc phát sinh, bảo đảm các chương trình, DA được thực hiện và hoàn thành đúng tiến độ, mục tiêu đề ra.

Thủ Tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định số 1257/ QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch hành động cải thiện tình hình thực hiện các Chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi thời kỳ 2014-2015.

Trong chuyến thăm Việt Nam ngày 1-8-2014, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida khẳng định:  Nhật Bản tiếp tục coi Việt Nam là một đối tác hàng đầu về ODA và Chính phủ  Nhật Bản tiếp tục duy trì ODA ở mức cao cho Việt Nam.

Theo Thời nay