Kiều hối là nguồn thu ngoại tệ từ kiều bào, từ người lao động gửi về. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP. HCM, lượng kiều hối đổ về TP. HCM năm 2022 ước đạt khoảng 6,8 tỉ USD, giảm khoảng 0,3 tỷ USD so với năm 2021.
Lượng kiều hối chuyển về này đóng vai trò quan trọng với sự phát triển kinh tế, xã hội đất nước nói chung và thành phố nói riêng.
Lý giải về việc giảm kiều hối, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP. HCM cho biết: Thu nhập của người dân, người lao động bị ảnh hưởng do kinh tế của một số quốc gia và khu vực trên thế giới đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, lạm phát tăng cao, đồng tiền mất giá, kinh tế suy giảm…
Nếu so với nguồn thu ngân sách thành phố dự ước năm 2022 đạt trên 434.000 tỷ đồng, nguồn kiều hối chuyển về trong năm 6,8 tỷ USD (tương đương khoảng 166.000 tỷ đồng – PV) là nguồn thu không nhỏ, mang lại hiệu ứng tích cực.
Kiều hối chuyển về trong năm 2022 chiếm 48% quy mô tiền gửi bằng ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng hiện nay trên địa bàn, góp một nguồn vốn không nhỏ vào sự phát triển.
Ông Lệnh cũng nhẫn mạnh: "Với bản chất là nguồn ngoại tệ từ thu nhập, tích lũy của kiều bào, của người lao động ở nước ngoài chuyển về, kiều hối có vai trò đặc biệt quan trọng, là nguồn lực bổ sung, hỗ trợ không chỉ góp phần phát triển kinh tế xã hội mà còn đối với hiệu quả chính sách, điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương.
Nếu xem đây là nguồn vốn cho phát triển kinh tế xã hội thì kiều hối có đặc điểm khác với các nguồn vốn khác đó là không phải hoàn trả; không phải trả chi phí sử dụng vốn, chi phí lãi vay.
Đồng thời, đây là nguồn thu bằng ngoại tệ, vì vậy giá trị mang lại từ nguồn kiều hối là rất lớn, trở thành nguồn lực vàng cần được tiếp tục khuyến khích, thu hút và phát huy hiệu quả từ nguồn lực này."
Kiều hối trước hết là để phục vụ cho nhu cầu của người nhận kiều hối, có thể là tiết kiệm, tiêu dùng cá nhân, xây dựng, sửa sang nhà cửa, mở rộng các hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc nâng cao chất lượng cuộc sống… Các hoạt động này đều mang đến ý nghĩa tích cực cho sự tăng trưởng và phát triển trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống, xã hội.
Hồng Nhung (t/h)