2022: Năm khó khăn của chứng khoán thế giới
Lạm phát tăng cao, nhiều nơi như Châu Âu, Mỹ… lên mức cao kỷ lục trong nhiều thập kỷ. Chứng khoán toàn cầu trong năm 2022 đã đối mặt với nhiều thách thức. Ngân hàng trung ương liên tiếp có các đợt tăng lãi suất, cùng với đó là những căng thẳng địa chính trị đã gây ra áp lực lớn lên giá cổ phiếu.
Do những lo ngại về suy thoái kinh tế, tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng, thị trường chứng khoán Mỹ tuần 19-23/12 bước vào tuần giảm thứ ba liên tiếp. Đây cũng là tuần trước kỳ nghỉ lễ Noel và Tết Dương lịch.
Trước mức giảm hiện nay, chứng khoán Mỹ hướng đến một năm diễn biến xấu nhất kể từ năm 2008. Không chỉ Mỹ mà đây cũng là tình trạng chung của đa số thị trường chứng khoán trên thế giới.
Chứng khoán tại Mỹ, Châu Âu và Châu Á hầu hết đều ghi nhận không mất tích cực. Theo Marketwatch, tính từ đầu năm tới tuần áp cuối năm 2022, chỉ số MSCI toàn cầu đã giảm khoảng 18%.
Nhà sáng lập Louis Navellier của Navellier & Associates chia sẻ trên CNBC rằng, giới đầu tư đang trong tình cảnh khó khăn. Số liệu kinh tế yếu kém mang đến lo sợ về suy thoái trong khi dữ liệu mạnh mẽ lại mang đến nỗi lo từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Các nhà đầu tư tại nhiều nước cũng đang gặp tình trạng tương tự. Mỗi tín hiệu kinh tế tích cực có thể khiến các ngân hàng Trung ương tiếp tục tăng lãi suất khi mà lạm phát còn tăng cao và có nguy cơ gia tăng.
Các nhà đầu tư chứng khoán không thể giành chiến thắng ngay với các con số vĩ mô tích cực.
Hi vọng về đà leo dốc cuối năm của các nhà đầu tư đã tiêu tan khi những lo ngại về suy thoái kinh tế trỗi dậy và dẫn đến mức giảm mạnh trong tháng 12. Nhà đầu tư lo rằng nền kinh tế có thể rơi vào suy thoái cho các ngân hàng trung ương trên thế giới thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức.
Chuyên gia Jim Cramer cũng chia sẻ trên CNBC rằng, các nhà đầu tư không nên kỳ vọng Fed sẽ nới lỏng nền kinh tế vì thị trường đang gặp khó khăn. Ông cũng nhấn mạnh, Fed không phải là bạn mà có thể là kẻ thù của thị trường chứng khoán.
Thị trường chứng khoán 2023 tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức
Theo nhận định từ Goldman Sachs, thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ không dễ dàng phục hồi khi lạm phát tăng cao, suy thoái và lợi nhuận thì thu hẹp.
JP Morgan và Goldman Sachs khuyến cáo các nhà đầu tư nên “thắt dây an toàn” và sẵn sàng đón nhận tác động trong nửa đầu năm 2023.
Theo nhiều tổ chức lớn, chứng khoán thế giới có thể phục hồi vào nửa cuối năm 2023 sau khi Fed ngừng tăng lãi suất.
Tuy nhiên, đây cũng có thể là một đợt phục hồi “thầm lặng” với cổ phiếu chỉ cao hơn vừa phải so với cuối năm 2022.
Bloomberg đã thực hiện một khảo sát với 22 chiến lược gia nổi tiếng, kết quả cho thấy chỉ số chứng khoán tầm rộng của Mỹ, S&P 500 kết thúc năm 2023 ở mức 4.078 điểm - cao hơn khoảng 7% so với mức hiện tại. Ở dự báo lạc quan nhất, S&P 500 sẽ tăng 24%. Còn ở hướng bi quan nhất chỉ số này giảm 11%.
Một cuộc khảo sát tương tự cũng được thực hiện ở Châu Âu với 14 chiến lược gia, dự doán cho thấy mức tăng trung bình khoảng 5% cho Stoxx 600.
Các dự báo trở nên khó khăn với năm 2023. Rất nhiều biến động xảy ra có thể ảnh hưởng khiến dự báo đều là không chắc chắn, chiến lược gia của State Street Global Advisors cho biết.
Nhiều tổ chức trong và ngoài nước đều dự báo thị trường Việt Nam sẽ phát triển theo hướng tích cực. Chứng khoán Tiên Phong (TPS) có cái nhìn lạc quan hơn về thị trường chứng khoán trong năm 2023. TPS kỳ vọng làn sóng ETF sẽ tiếp tục nở rộ giúp TTCK Việt Nam thu hút dòng vốn ngoại.
Những chính sách có tín hiệu đảo chiều giúp thị trường chứng khoán nước ta có khả năng phục hồi mạnh mẽ. Ngoài ra, Việt Nam cũng được cho là sẽ hưởng lợi khi Trung Quốc nới lỏng Zero-Covid - động thái có tác động tích cực đến giao thương toàn cầu, nối lại các chuỗi cung ứng đã bị giãn đoạn.
Hồng Nhung (t/h)