Đây là số liệu từ Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thống kê về tình hình xuất nhập khẩu phân bón trong 06 tháng đầu năm 2022.
Cụ thể, tổng lượng phân bón nhập khẩu trong 06 tháng đầu năm 2022 là 4.919 lô với tổng khối lượng 1,9 triệu tấn (giảm 24,24 % so với cùng kỳ năm 2021), ước tính giá trị khoảng 874,95 triệu USD. Chủng loại phân bón nhập khẩu đa dạng, trong đó chiếm tỷ lệ lớn nhất là phân đạm 26,14%; tiếp theo là phân Kali chiếm 7,42% .
Tổng lượng phân bón xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2022 là hơn 883 nghìn tấn (tăng 32% so với cùng kỳ năm 2021), trị giá 541 triệu USD (tăng 125%).
Trong đó, xuất khẩu nhiều nhất là ure 384.245 tấn, (chiếm 46,1% tổng khối lượng xuất khẩu, tăng 83,4% so với cùng kỳ 2021), NPK với khối lượng 135.134 tấn (chiếm 16,2%, tăng 3%), DAP với khối lượng 53.806 tấn (chiếm 6,5%, giảm 52,3%).
Thời gian qua, giá phân bón liên tục tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ tới giá thành sản xuất của nông sản. Để hạ nhiệt giá phân bón, cuối tháng Tư vừa qua, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ quy định thống nhất mức thuế xuất khẩu 5% với mặt hàng phân bón. Tuy nhiên, đề xuất này đang nhận nhiều ý kiến trái chiều. Vì vậy, Bộ Tài chính cho biết sẽ nghiên cứu trình Chính phủ phương án mới phù hợp hơn.
Trong khi đó, Bộ Công Thương cho hay sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá nhu cầu trong nước đối với các mặt hàng chiến lược như phân bón để có biện pháp điều hành phù hợp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, vừa tận dụng được cơ hội về giá để xuất khẩu và đảm bảo nguồn cung đủ cho nhu cầu tiêu dùng, sản xuất trong nước, đặc biệt trong trường hợp giá cả nguyên vật liệu tăng quá cao.
Theo ông Phùng Hà, Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, giá phân bón cao ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, thu nhập của bà con nông dân. Chi phí từ phân bón, tùy thuộc loại cây trồng, tùy thuộc thời tiết, tùy thuộc thổ nhưỡng, dao động từ 30-60% giá trị vật tư đầu vào của sản xuất nông nghiệp.
Trong khi đó, những đánh giá mới đây về các khoản lợi nhuận khủng của các nhà sản xuất phân bón khiến cho nhiều người phải ngỡ ngàng. Đơn cử như với một doanh nghiệp nội địa hàng đầu trong mảng sản xuất phân Ure, hồi tháng 06/2022, Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán SSI dự báo doanh nghiệp này chiếm 35% thị phần trong nước có thể đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận 60-70% trong quý II và quý III/2022.
Hồi quý I/2022, lợi nhuận của doanh nghiệp nêu trên tiếp tục lập kỷ lục lịch sử ở mức 2.126 tỷ đồng. SSI ước tính lợi nhuận ròng năm 2022 của nhà sản xuất phân Ure này đạt 5,1 nghìn tỷ đồng (tăng 59% so với năm 2021).
H.T (t/h)