Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung cả 6 tháng, tăng trưởng GDP đạt 6,42%, trong vùng mục tiêu 6 - 6,5% đặt ra.
Có thể thấy, khu vực công nghiệp và nông nghiệp đều có mức tăng chậm hơn khoảng 1 điểm %, theo lý giải của Tổng cục Thống kê, phần không nhỏ là do giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu gia tăng. Tuy nhiên, điểm sáng ở đây là khu vực dịch vụ, khi tốc độ tăng trưởng cao hơn tới 2,6 điểm % so với cùng kỳ năm 2021.
Nhìn sâu hơn vào bức tranh phân ngành dịch vụ, có thể thấy du lịch lữ hành tăng gần gấp đôi, lưu trú ăn uống tăng 20,9% từ nền tăng trưởng âm của cùng kỳ năm 2021. Bán lẻ hàng hóa cũng tăng hơn 11%. Có thể thấy vai trò của ngành công nghiệp không khói đã có đóng góp không nhỏ.
Kiểm soát lạm phát, nhưng vẫn tăng trưởng cao là một ưu tiên để bứt tốc phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, để thấy được sự bền vững của xu thế này trong những quý tới cần nhìn cụ thể hơn vào tình hình đăng ký doanh nghiệp, cũng như vốn đăng ký đầu tư nước ngoài, để đánh giá rõ hơn mức độ tích cực và chủ động của doanh nghiệp cả trong và ngoài nước tham gia vào nền kinh tế.
FDI thực hiện 6 tháng đạt hơn 10 tỷ USD, là mức cao nhất cùng kỳ 5 năm qua. Nếu không tính đến 2 dự án đột biến năm 2021, thì tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam năm nay tăng tới 29,2%.
"Số liệu trên đã phản ánh xu hướng phục hồi và tăng mạnh của FDI. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn coi Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn, tạo niềm tin với nhà đầu tư", bà Phí Thị Hương Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê xây dựng và vốn đầu tư (Tổng cục Thống kê), đánh giá.
Trong khi đó, lần đầu tiên 6 tháng đầu năm ghi nhận lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới vượt con số 70.000 doanh nghiệp. Nếu lấy lượng doanh nghiệp tăng thêm trừ đi lượng doanh nghiệp rút lui càng cho thấy tín hiệu tích cực chưa từng thấy.
"Lấy cái tăng thêm trừ ông rút lui, còn ông thuần là 5,6 nghìn doanh nghiệp. Đây là mức rất cao nhiều năm qua. Các năm qua chỉ có 3.000 - 4.000 và bây giờ là 5,6 nghìn. Do thanh lọc, doanh nghiệp thay đổi linh hoạt để phù hợp với chuyển biến mới của nền kinh tế. Doanh nghiệp nhỏ có sự linh hoạt trong việc thay đổi, cấu trúc lại doanh nghiệp", bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho hay.
Tổng cục Thống kê khảo sát tin rằng tình hình sản xuất kinh doanh quý 3 của 85% doanh nghiệp sẽ ổn định, hoặc tốt hơn quý 2.
Tổng cục Thống kê cũng cho biết, lượng vốn giải ngân từ gói hỗ trợ phát triển, phục hồi kinh tế hiện vẫn còn khiêm tốn, mới đạt 48.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này được kỳ vọng sẽ cải thiện đáng kể trong 2 quý cuối năm và cả năm sau, là nhân tố quan trọng để giúp chúng ta không bỏ lỡ giai đoạn vàng 2 năm phục hồi kinh tế.
Trúc Mai