Định danh doanh nghiệp để hỗ trợ trọng điểm

Theo Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương, TS. Nguyễn Tú Anh: Để vực dậy nền kinh tế, vấn đề lớn nhất đó là phải nhanh chóng đưa ra các gói hỗ trợ để giúp các doanh nghiệp (DN) phục hồi. Quan điểm của chúng ta trong xây dựng những gói hỗ trợ mới là thận trọng để giảm thiểu những sai sót như đã gặp phải trong các gói kích thích giai đoạn 2008 - 2009. Tuy nhiên, nếu quá thận trọng, có thể sẽ không kịp thời đưa vào thực hiện, hoặc có thể không giải ngân được và do đó dẫn đến tình trạng vô hiệu hóa gói hỗ trợ.

Năm 2022, dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng kinh tế Việt Nam sẽ cải thiện đáng kể
Năm 2022, dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng kinh tế Việt Nam sẽ cải thiện đáng kể. Ảnh internet.

Từ nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH được Quốc hội thông qua, cần sớm thực thi theo hướng chủ đạo là phổ quát - tức làm sao giảm chi phí đồng đều cho mọi DN, để tất cả cùng được hưởng lợi; tạo ra môi trường thuận lợi cho cả nền kinh tế cùng phát triển.

Cụ thể, trong hỗ trợ phổ quát, các chính sách về tiền tệ, đầu tư công mang tính đột phá, đóng vai trò then chốt, để làm sao giảm được chi phí cho DN, tăng khả năng tiếp cận vốn, nhất là đối với những DN trong giai đoạn phục hồi và bứt phá. Đơn cử, ngành dệt may đang chiếm lĩnh thị trường rất lớn, nếu có các chính sách hỗ trợ để tăng nhanh và tiếp cận, chiếm lĩnh được thị trường, sẽ mang lại hiệu quả cao trong giai đoạn hiện nay.

Bên cạnh đó, có những DN, trước đại dịch vẫn hoạt động rất tốt, nhưng hiện gặp khó khăn. Vấn đề đặt ra là cần phải kết hợp vừa hỗ trợ mang tính chất phổ quát, vừa mang tính chất trọng điểm để giúp các DN vốn đã hoạt động tốt vực dậy sản xuất, kinh doanh, thay vì tiếp tục rót vốn cho các DN “không làm, không nỗ lực, trở nên yếu đuối” sau đại dịch.

Khi tập trung hỗ trợ các DN bị ảnh hưởng nặng nề, thì cái khó là lựa chọn ra sao; DN nào cần hỗ trợ nhất? Chúng ta thấy rằng, trong quá trình vận động của nền kinh tế, có những DN bị đào thải ra khỏi hệ thống bởi không còn phù hợp với xu thế phát triển công nghệ mới hiện nay. Đối với những DN ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 hay do quá trình vận động bị đào thải, thì các chuyên gia nêu quan điểm “không nên hỗ trợ nguồn vốn mà nên hỗ trợ khác tốt hơn”.

Còn đối với những DN bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch, trước đại dịch họ hoạt động tốt, chứng tỏ họ đang trong quá trình kinh doanh tốt, vì đại dịch nên mới bị ảnh hưởng nhiều, thì cần hỗ trợ để họ vực dậy sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, các gói hỗ trợ được thiết kế để nhanh chóng tiếp cận những DN này.

Do đó, cần định danh đúng các DN cần hỗ trợ để có những hỗ trợ đúng, thông qua các ứng dụng CNTT, số hóa hay cơ sở dữ liệu.

Sau hơn 10 năm kể từ giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2008 - 2009, Công tác quản lý DN của Việt Nam đã tốt hơn rất nhiều. Chúng ta có cơ sở dữ liệu số hóa rất tốt về DN như Trung tâm Thông tin tín dụng CIC (Ngân hàng Nhà nước) là kênh có thể đánh giá được những DN tốt đang gặp khó khăn, hoặc cũng có thể thông qua cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế để đánh giá được những DN như vậy, từ đó xác định rất dễ dàng, nhanh chóng những đối tượng này để có sự hỗ trợ kịp thời, phù hợp.

Tuy nhiên, đối với các DN trong khu vực phi chính thức, hiện vẫn khó có thể tiếp cận được những hỗ trợ này. Do đó, cần có các giải pháp mang tính chất hỗ trợ trực tiếp cho người lao động và DN. Bản chất của các DN phi chính thức là chi phí lao động khá cao, vì thế, nếu hỗ trợ trực tiếp cho người lao động bằng những giải pháp an sinh xã hội, sẽ là cách hỗ trợ hiệu quả cho các DN trong khu vực này.

Kinh tế sẽ cải thiện đáng kể

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong: Nghị quyết về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022 với mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của Nhân dân, cùng với tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân và DN.

Đồng thời, tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển KT-XH trên cả nước, trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương và duy trì các động lực tăng trưởng trong dài hạn. Kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế.

Năm 2022, đặt ra chỉ tiêu tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6 - 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%...

Nhìn chung, quá trình phục hồi kinh tế năm 2022 sẽ gặp không ít thách thức, nhiều điểm nghẽn, nút thắt cần phải giải quyết. Đáng chú ý, Việt Nam tiếp tục đối diện với sự gia tăng áp lực lạm phát, trần nợ công và nợ xấu ngân hàng, những hạn chế về khả năng đáp ứng nhân lực, trang thiết bị, hạ tầng của hệ thống y tế cơ sở, trong khi số lượng người cần được hỗ trợ y tế, an sinh xã hội là rất lớn.

Bên cạnh đó, việc phục hồi sản xuất, kinh doanh có thể bị cản trở bởi khó khăn về tài chính và thị trường tiêu thụ. Tỷ lệ tín dụng so GDP vẫn ở mức cao, vốn trung, dài hạn của nền kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào hệ thống ngân hàng.

Năm 2022, dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với kinh nghiệm, năng lực, kinh tế Việt Nam sẽ cải thiện đáng kể, cả về động lực và kết quả phục hồi so 2021. Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong trung hạn. Các điều kiện nền tảng vững mạnh của Việt Nam, sẽ giúp các nhà đầu tư gạt bỏ những biến động ngắn hạn do đại dịch Covid-19. Về nội tại nền kinh tế, tiêu dùng nội địa và đầu tư công vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong phục hồi tăng trưởng kinh tế năm 2022.

Tiêu dùng nội địa, vốn đóng góp khoảng 68 - 70% trong GDP, có khả năng phục hồi nhờ yếu tố tâm lý thị trường và thu nhập được cải thiện. Khu vực tư nhân và FDI có cơ hội phục hồi sản xuất, kinh doanh nhờ sự hồi phục cả phía cung, phía cầu, sự thích ứng của khu vực DN và các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ.

Chúng ta cần tăng cường khả năng phục hồi thông qua một hệ thống trợ giúp xã hội mạnh mẽ và linh hoạt trên cơ sở phân bổ thêm vốn cho các chương trình trợ giúp xã hội; xây dựng cơ quan đăng ký xã hội quy mô lớn và áp dụng kỹ thuật số, để nhanh chóng xác định những người dễ bị tổn thương; mở rộng quy mô thanh toán điện tử, để tiếp cận một cách hiệu quả những người thụ hưởng đã được xác định.

Để GDP tăng 6 - 6,5%, tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4%; bội chi NSNN khoảng 4% GDP... trong cả năm 2022, trong khi bối cảnh dịch Covid-19 có thể kéo dài, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được đặt ra đó là tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển KT-XH, bảo đảm sức khỏe, tính mạng Nhân dân và an sinh xã hội…

Hoan Nguyễn