Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Kinh tế Việt Nam: Thách thức & triển vọng

2018 được coi là năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020. Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, thời cơ sẽ đi kèm với nhiều thách thức trong năm 2018. Sự nỗ lực vươn lên của mỗi lĩnh vực kinh tế, sẽ tạo nên sức bật mạnh mẽ để kinh tế Việt Nam duy trì đà tăng trưởng ấn tượng.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên:

Năm 2018, định hướng của Việt Nam là vẫn tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đẩy nhanh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chất lượng - hiệu quả. Trong đó, lĩnh vực xuất khẩu sẽ được định hướng phát triển những mặt hàng có công nghệ trung bình và chuyển dần sang lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, chế biến sâu…

Kinh tế Việt Nam: Thách thức & triển vọng - Hình 1

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên

Sự tăng trưởng phát triển của doanh nghiệp vẫn còn là vấn đề đặt ra cho những năm tiếp theo, nếu Việt Nam muốn phát triển sâu rộng. Do đó, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính của các cơ quan quản lý nhà nước; tích cực chống tham nhũng, lợi ích nhóm. Chính sách vẫn sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; cải thiện môi trường kinh doanh.

Năm 2018, Việt Nam sẽ tăng cường quản lý doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ, mở cửa thị trường nhưng vẫn đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp trong nước. Một trong những nỗ lực của Việt Nam đó là đa dạng hóa thị trường, trên cơ sở nghiên cứu áp dụng phòng vệ thương mại cho thị trường nội địa, đồng thời kết nối nhà phân phối với nông dân, hạn chế tình trạng “giải cứu” các mặt hàng nông sản mang tính thời vụ, không bền vững như thời gian qua. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ tập trung triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thông qua sửa đổi một số luật như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng… để phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế đất nước.

Dự kiến, tháng 5/2018, Quốc hội - kỳ họp thứ 5 sẽ thông qua ban hành luật về khu hành chính kinh tế đặc biệt, trong đó sẽ thành lập tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Trong luật đặc khu này, sẽ tạo điều kiện cởi mở tối đa, đảm bảo tính liên thông với việc ban hành nghị quyết có tính chất đặc thù cho các nhà đầu tư chiến lược, đảm bảo hàng rào pháp lý thông thoáng nhất để các nhà đầu tư yên tâm phát triển.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, TS. Nguyễn Đức Thành:

Với nhiều động lực cho phát triển, kinh tế Việt Nam 2018 sẽ tiếp tục là bức tranh sáng, tuy nhiên doanh nghiệp phải tự “cứu mình”, tăng cường liên kết, tạo cú hích để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, không thể trông chờ khối doanh nghiệp ngoại. Để hỗ trợ phát triển, năm vừa qua, Chính phủ đã làm rất nhiều. Một quốc gia muốn phát triển phải “nâng tầm” khu vực kinh tế tư nhân là điều không phải bàn, nhưng làm sao cho khu vực này phát triển mạnh thì không dễ dàng.

Kinh tế Việt Nam: Thách thức & triển vọng - Hình 2

Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, TS. Nguyễn Đức Thành

Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế năm 2018, trước hết, cần một hệ thống pháp luật minh bạch và công bằng. Bảo vệ quyền sở hữu và những thành quả của doanh nghiệp, doanh nhân, khi có tranh chấp thì giải quyết với thủ tục nhanh gọn, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Việt Nam cần lựa chọn những doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân có tiềm năng lớn để tạo cảm hứng cho doanh nghiệp nhỏ. Không lựa chọn thí điểm theo ngành nhằm tránh việc “lobby” để nhận tiền từ ngân sách nhà nước.

Kinh tế tư nhân đang quá nhỏ bé. Minh chứng rõ ràng nhất, trong suốt 10 năm qua, đóng góp của khu vực này không thể vượt mức 10% vào GDP của nền kinh tế. Trong khi đó, tại các nước phát triển, mức đóng góp của khu vực này phải ít nhất là 80%. Mặt khác, thu hẹp cái bóng quá lớn của khu vực nhà nước, bao gồm cả cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước. Hiện khu vực này như những cây đại thụ, hứng hết nắng của kinh tế tư nhân.

Với thực tế hiện nay, năm 2018, khu vực kinh tế tư nhân sẽ tiếp tục phát triển nhưng không có sự nhảy vọt. Hai động lực phát triển kinh tế chính là xuất siêu và nỗ lực cải cách kinh tế. Nếu giữ được đà xuất siêu như hiện nay, thì đây là điều thuận lợi. Tiếp đó, nỗ lực cải cách kinh tế và hội nhập của Việt Nam sẽ làm cho đầu tư FDI vào Việt Nam tăng mạnh. Đây là 2 yếu tố quan trọng giúp Việt Nam duy trì được đà tăng trưởng ấn tượng đã đạt được năm 2017.

Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CPCK Sài Gòn SSI Nguyễn Duy Hưng:

Kinh tế Việt Nam: Thách thức & triển vọng - Hình 3

Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CPCK Sài Gòn SSI Nguyễn Duy Hưng

Năm 2018, nếu Chính phủ vẫn duy trì được tăng trưởng GDP 6,7%, thì đó là điều thần kỳ. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải tiếp tục cải thiện chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả đầu tư cũng như năng suất lao động của nền kinh tế.

Năm 2018, sẽ là cơ hội để thị trường chứng khoán phát triển, cơ hội cho tổ chức phát hành, cơ hội cho quỹ đầu tư, nhà đầu tư chiến lược và cả nhà đầu tư nhỏ lẻ. Năm 2018, kinh tế sẽ phát triển tốt hơn, ổn định hơn 2017, bởi đây là năm chuyển giao của nguyên tắc hoạt động mới. thị trường chứng khoán không sinh ra tiền, mà là nơi chắp nối vốn đầu tư. Sẽ có người thua lỗ, có người thành công, phụ thuộc vào dự đoán của từng người. Một số ngành triển vọng trong năm tới là ngành hàng tiêu dùng, xây dựng, hạ tầng, công ty quản lý tài chính… Việc dòng vốn nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam tăng đột biến năm vừa qua, chứng tỏ các nhà đầu tư nước ngoài đã nhìn nhận Việt Nam là địa chỉ tin cậy - tức là người ta tin vào sự phát triển của nền kinh tế nước ta, tin vào tiềm năng phát triển của quốc gia gần 100 triệu dân có xuất phát điểm thấp và có nhiều dư địa tăng trưởng.

Những năm trước, chưa có nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào, do thị trường chưa đủ độ cởi mở. Để kinh doanh, họ cần nhất là thị trường, nguồn nhân lực - thứ mà chúng ta có sẵn, còn vốn hay công nghệ là những thứ họ có sẵn hoặc có thể huy động được. Việc thoái vốn khỏi các doanh nghiệp đầu ngành, theo tôi điều đó tùy thuộc vào mục tiêu của Chính phủ.

Nếu Chính phủ đang cần tiền vào việc cấp thiết thì bán và bán sao được giá nhất. Nói cách khác, phải cân nhắc bán để dùng tiền làm gì? Nếu bán vì nghĩ đang bán được giá thì không nên bán, vì hôm nay chúng ta nghĩ cổ phiếu này đắt, nhưng 5 năm sau sẽ lại là rất rẻ. Còn đã quyết định bán thì phải công khai minh bạch và có thời gian để các tổ chức tư vấn chuyên nghiệp tìm kiếm nhà đầu tư, cũng như nhiều nhà đầu tư có thể tiếp cận được thông tin. Thị trường tài chính thế giới luôn có đủ tiền, vấn đề là làm sao để thứ chúng ta muốn bán phải là thứ mà người ta cần mua.

Chuyên gia kinh tế trưởng (Ngân hàng Thế giới) Sebastian Eckardt:

Kinh tế Việt Nam: Thách thức & triển vọng - Hình 4

Chuyên gia kinh tế trưởng (Ngân hàng Thế giới) Sebastian Eckardt

Việt Nam đang sở hữu nền kinh tế mở và đang phát triển nhanh, môi trường kinh doanh cũng đã cởi mở hơn rất nhiều. Năm 2017, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tương đối tốt, có những tiến bộ trong các lĩnh vực như cải tổ luật pháp, môi trường kinh doanh... Cùng với việc kinh tế toàn cầu đang được cải thiện, Việt Nam sẽ vượt qua trở ngại thách thức 2018.

Để thúc đẩy kinh tế Việt Nam, năm 2018, Chính phủ cần đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực thành công như điện, tín dụng, thuế, xuất khẩu… Mặt khác, đầu tư công ở Việt Nam vẫn ảnh hưởng đến lĩnh vực tài chính, cản trở dòng tiền vào các lĩnh vực đầu tư khác.

Nền kinh tế Việt Nam đang hướng vào xuất khẩu, nhiều mặt hàng tăng trưởng nhanh với giá trị lớn. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu lại phụ thuộc quá nhiều vào khối doanh nghiệp FDI. Dù Việt Nam đã tận dụng được nguồn vốn FDI, nhưng cần tránh phụ thuộc, mà phải tạo được sự liên kết nguồn lực lao động và doanh nghiệp nội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp FDI, để từ đó có thể tận dụng hiệu quả nguồn vốn này phục vụ phát triển bền vững.

            Cao Huyền (Ghi)

Bài liên quan

Tin mới

Tiếp tục nghiên cứu khung khổ pháp lý về tiền ảo
Tiếp tục nghiên cứu khung khổ pháp lý về tiền ảo

Việc nghiên cứu, đề xuất phương thức quản lý hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa, tài sản ảo, tiền ảo là một nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi nguồn nhân lực, thời gian.

Thế Giới Di Động cắt giảm gần 10.000 nhân viên
Thế Giới Di Động cắt giảm gần 10.000 nhân viên

Năm qua được xem là năm khó khăn nhất của ngành bán lẻ hàng điện máy, hàng công nghệ. Do đó, các hệ thống bán lẻ đều gặp khó khăn, phải tinh gọn bộ máy và Thế Giới Di Động cũng không ngoại lệ khi cắt giảm gần 10.000 nhân viên.

Làm cách nào để có năng lực kinh tế tốt hơn?
Làm cách nào để có năng lực kinh tế tốt hơn?

Khoảng 75% ý kiến cho rằng bắt đầu công việc kinh doanh riêng hoặc làm công việc tự do là cách để có năng lực kinh tế tốt hơn. Hơn 8 trên 10 người tham gia khảo sát tại Việt Nam (82%) hiện đang thực hiện các bước để có “năng lực kinh tế cao hơn”.

Những trái tim ngành y về Lào Cai lan tỏa yêu thương
Những trái tim ngành y về Lào Cai lan tỏa yêu thương

Trong thời gian qua, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã cử nhiều đoàn bác sĩ nội trú về huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa thuộc tỉnh Lào Cai nhằm tạo cơ hội cho người dân tại đây được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến không cần thiết, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên.

Phát huy vai trò nền kinh tế kết nối, động lực tăng trưởng dựa vào xuất khẩu
Phát huy vai trò nền kinh tế kết nối, động lực tăng trưởng dựa vào xuất khẩu

Triển vọng thương mại toàn cầu năm 2024 vẫn rất bấp bênh, nền kinh tế nước ta vẫn phải đối mặt với những khó khăn thách thức không hề nhỏ. Vì vậy, năm 2024, cần phát huy vai trò nền kinh tế kết nối, động lực tăng trưởng dựa vào xuất khẩu.

Công nghệ Viễn thông Sài Gòn lên kế hoạch lợi nhuận tham vọng tăng 490,5% trong năm 2024
Công nghệ Viễn thông Sài Gòn lên kế hoạch lợi nhuận tham vọng tăng 490,5% trong năm 2024

Công ty CP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel, mã SGT - sàn HOSE) công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024. Đại hội diễn ra ngày 19/4/2024 tại TP.HCM.