Phía trước nhiều thách thức

Báo cáo của Bộ KH&ĐT, tình hình KT-XH tháng 1/2020 tiếp tục ổn định, mặc dù có nhiều chỉ số giảm (tháng 1 trùng với Tết Nguyên đán Canh Tý).

Trong đó, nông nghiệp phát triển ổn định; chăn nuôi gia cầm phát triển tốt; thủy sản tiếp tục giữ đà tăng trưởng. Vốn đăng ký thành lập mới DN tăng 76,8%, cao nhất trong 4 năm qua. Vốn FDI thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

kinh te a hoi

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,2%; hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ diễn ra sôi động, nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú, đa dạng, phục vụ nhu cầu của người dân dịp Tết Nguyên đán…

Tuy nhiên, năm 2020, nền kinh tế đối mặt nhiều khó khăn, thách thức như hạn hán, xâm nhập mặn, dịch tả lợn châu Phi chưa xử lý dứt điểm... Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) diễn biến phức tạp.

Trên cơ sở dự kiến những tác động trực tiếp và gián tiếp của dịch nCoV tới các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, Bộ KH&ĐT đưa ra 2 kịch bản về tăng trưởng GDP:

Kịch bản 1, nếu dịch nCoV được khống chế kịp thời trong quý I, ước tính GDP năm nay tăng 6,27%, thấp hơn 0,53% so NQ01. Trong đó, quý I tăng 3,8%; quý II tăng 6,55%; quý III tăng 7,07% và quý IV tăng 6,81%.

Kịch bản 2, nếu dịch nCoV được khống chế trong quý II, ước tính GDP tăng 6,09% so năm trước (thấp hơn 0,71% so  NQ01). Trong đó, quý I GDP tăng 3,8%; quý II tăng 5,81%; quý III tăng 7,05% và quý IV tăng 6,81%.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định, để năm 2020 đạt mức tăng trưởng GDP 6,8% như mục tiêu đề ra tại NQ01 – thì đây là một thách thức rất lớn.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, trong trường hợp dịch sớm được kiểm soát (dưới 3 tháng), dự kiến trong quý I/2020, XK sang Trung Quốc có thể giảm từ 400 - 600 triệu USD (tương đương mức giảm khoảng 5 - 8%, tùy theo diễn biến của dịch).

Cũng theo Bộ Công Thương, mức độ tác động của dịch nCoV tới các mặt của nền kinh tế phụ thuộc vào thời gian kéo dài của dịch nCoV. Trước mắt, hiệu ứng tác động của dịch đến một số mặt của nền kinh tế tuy khá nhanh, nhưng chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh không sớm được kiểm soát và kéo dài đến hết quý II, mức độ tác động đến kinh tế Việt Nam sẽ khá nghiêm trọng.

NHNN nhìn nhận, các diễn biến phức tạp hiện nay cho thấy, việc kiểm soát lạm phát chung khoảng 4% năm 2020, sẽ gặp nhiều thách thức hơn dự kiến. Về tỷ giá, hoàn toàn có đủ nguồn lực để bình ổn tâm lý thị trường và can thiệp khi cần thiết trong trường hợp tỷ giá có những biến động quá mức trên thị trường...

Các chuyên gia kinh tế nhận định, những tác động từ dịch nCoV tới kinh tế Việt Nam là không thể tránh khỏi và đây cũng là tình hình chung trên thế giới. Điều này, đã nhìn thấy rõ ở một số ngành sản xuất, một số ngành dịch vụ như du lịch và khách sạn, khi chuỗi giá trị toàn cầu đang bị gián đoạn.

Sẵn sàng mọi giải pháp

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, chúng ta đã thành lập các đội phản ứng nhanh để chống dịch nCoV, thì cũng phải phản ứng nhanh về kinh tế, tài chính, sản xuất để bù đắp giảm sút kinh tế do dịch gây ra. Vì vậy, cần thích ứng với tình hình hiện nay trong phát triển kinh tế để “biến bại thành thắng”, vượt qua khó khăn, đưa nền kinh tế tiến bước, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân.

Nhấn mạnh chống dịch đồng bộ, quyết liệt để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu, Thủ tướng yêu cầu, tập trung chỉ đạo phát triển KT-XH theo kịch bản mới; không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng - nhiệm vụ này là một thử thách đối với bản lĩnh, sự quyết tâm của chúng ta. Đồng thời, giữ vững các chỉ tiêu vĩ mô, nhất là lạm phát, tỷ giá, XK.

wuyet tam vươt

Triển khai thực hiện ngay các đối sách, giải pháp để giảm thiểu tác động kinh tế của dịch nCoV, có kế hoạch, biện pháp, lộ trình cụ thể trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn với tinh thần phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH đề ra trong năm 2020. Các bộ có liên quan phải có kế hoạch chủ trương, biện pháp cụ thể để tái cơ cấu ngành, lĩnh vực mình phụ trách nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của dịch đến phát triển.

Thủ tướng đặc biệt lưu ý kiểm soát tốt lạm phát, ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng trong từng cấp, từng ngành, nhất là các trung tâm kinh tế như Hà Nội, TP. HCM. Trước mắt, không tăng giá điện và dịch vụ công; tiếp tục giảm giá xăng dầu theo thị trường; tích cực chống buôn lậu, gian lận thương mại; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho sản xuất, kinh doanh; thanh toán không dùng tiền mặt, bảo đảm an ninh trong thanh toán.

Cả hệ thống chính trị, hành chính từ Trung ương đến địa phương thực hiện cao độ các công việc, bám sát kịch bản tăng trưởng; tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo chuyển biến mạnh mẽ ngay từ đầu năm.

Các địa phương, bên cạnh thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch bệnh, cần bảo đảm không gây xáo trộn ở địa phương mình; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh triển khai thực hiện đấu thầu công khai qua mạng.

Tiếp tục xây dựng pháp luật, cải cách hành chính; các chính sách, quy định nào cản trở sự phát triển, cần phải được sửa đổi, bổ sung ngay; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; thúc đẩy ứng dụng CMCN 4.0…

Các chuyên gia nhìn nhận, năm 2020, nền tảng kinh tế Việt Nam đã được củng cố khá vững chắc trong những năm qua, tạo niềm tin đối với các NĐT trong nước và quốc tế. Nhiều số liệu KT-XH trong tháng 1/2020 rất khả quan: Vốn đăng ký thành lập mới DN tăng 76,8%, cao nhất trong 4 năm qua. Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của các NĐT nước ngoài tăng 179,5%. Vốn FDI thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây…

Những thành quả kinh tế - xã hội thời gian qua đã chứng minh rằng với ý chí, nỗ lực, tinh thần đoàn kết, cùng với quyết tâm lớn, chúng ta sẽ đạt được nhiều thành quả, trong đó có những mục tiêu tưởng chừng như rất khó đạt được cùng lúc.

Cú sốc về dịch bệnh có thể làm chậm lại tạm thời các hoạt động kinh tế trong ngắn hạn, nhưng rất khó có thể gây tình trạng đình đốn kinh tế và với quyết tâm cao cùng các giải pháp phù hợp, linh hoạt, chúng ta vẫn có khả năng đạt được các mục tiêu đã đề ra.

 Hoan Nguyễn