Ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiểm tra công tác trồng rừng trên địa bàn xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi
Ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiểm tra công tác trồng rừng trên địa bàn xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi. (Ảnh: KT)

Thực hiện Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 469/QĐ-UBND ngày 31/5/2021 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án trồng 01 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025, theo đó mục tiêu đến hết năm 2025, toàn tỉnh trồng mới được 42,3 triệu cây xanh trở lên; trong đó cây xanh trồng tập trung trong rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất 39,3 triệu cây (tương đương 19.651 ha rừng trồng tập trung), cây xanh trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn khoảng 3,0 triệu cây, riêng năm 2022 kế hoạch trồng thêm được 9,6 triệu cây xanh (tương đương với 4.500 ha rừng trồng tập trung và 601,8 nghìn cây phân tán).

Trong năm 2022, công tác trồng rừng tập trung trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành chỉ đạo quyết liệt, ý thức trách nhiệm của các đơn vị, địa phương và mọi tầng lớp Nhân dân được nâng lên, người dân đã tích cực hưởng ứng, tham gia công tác trồng rừng, đến nay diện tích trồng rừng tập trung là 5.260,9 ha, đạt 116,9% kế hoạch; đã trồng được 1.586 nghìn cây phân tán, đạt 263,7% kế hoạch.

Kết quả trồng và phát triển rừng đã mang lại những hiệu quả nhất định, bước đầu làm thay đổi nhận thức của người dân về trồng, phát triển rừng góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thông qua các hoạt động dự án đã làm thay đổi cách nhìn của người dân trong việc trồng và phát triển rừng, qua đó nâng cao ý thức bảo vệ, gìn giữ rừng được nâng lên rõ rệt, giảm thiểu suy nghĩ tự do khai thác rừng bừa bãi. 

Bên cạnh những kết quả đạt được còn một số khó khăn như: Tập tục canh tác nương rẫy mùa vụ ngắn ngày, thu nhập nhanh từ nông sản, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân; diện tích đất trồng rừng chủ yếu tập trung manh mún, nhỏ lẻ ở vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện đi lại khó khăn cho hoạt động trồng rừng; mức hỗ trợ cho người dân trồng rừng còn thấp...

Để công tác trồng rừng đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, thời gian tới tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nắm rõ quyền lợi, nghĩa vụ khi tham gia trồng rừng bằng nhiều hình thức; vận động, khuyến khích, hướng dẫn người dân đang sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây nông nghiệp ngắn ngày; cây công nghiệp kém hiệu quả kinh tế sang trồng rừng sản xuất, ưu tiên cho người dân tại chỗ tham gia trồng rừng có hưởng lợi.

Đồng thời, đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, thiết lập hệ thống dữ liệu quản lý rừng và đất rừng thống nhất trên cơ sở ứng dụng công nghệ giải đoán ảnh viễn thám độ phân giải cao, các phần mềm thống kê đảm bảo độ tin cậy cao trong quản lý và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; rà soát, cập nhật hệ thống dữ liệu kiểm kê rừng cho phù hợp với hiện trạng rừng thực tế.

Ngoài ra, tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất lượng các loại giống cây trồng lâm nghiệp; thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, dự tính, dự báo dịch hại, đề xuất kịp thời các biện pháp xử lý, hướng dẫn phòng trừ hiệu quả; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, ưu tiên sử dụng giống năng suất và chất lượng cao để trồng rừng.

PV(t/h)