THCL Không chỉ thao túng nhằm mục đích tăng giá trị hợp đồng hàng chục triệu USD (sau khi được chỉ định thầu), tháng 7/2011, Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) tiếp tục đề nghị PVB tăng giá trị hợp đồng lần thứ 2 thêm 17,318 triệu USD. Khi chủ đầu tư chưa chấp thuận, PVC đã đơn phương dừng thi công khiến dự án “đắp chiếu”, vi phạm Hợp đồng EPC, gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng…
Hàng loạt sai phạm từ phía chủ đầu tư, PVN và PVC khiến Dự án NLSH Phú Thọ "đắp chiếu" nhiều năm
Như Thương hiệu & Công luận đã thông tin, Nhà máy sản xuất NLSH Ethanol Tam Nông, được UBND tỉnh Phú Thọ cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngày 12/8/2008 với tổng mức đầu tư 1.317,5 tỷ đồng, do Công ty CP Hóa dầu và NLSH Dầu khí (PVB) làm chủ đầu tư trên diện tích gần 50 ha đất nông nghiệp của các xã Cổ Tiết, Tam Cường, Văn Lương (Tam Nông, Phú Thọ).
Năm 2008, chủ đầu tư PVB đã tổ chức đấu thầu chọn nhà thầu tư vấn lập dự án đầu tư, theo đó, Công ty CP Thiết kế công nghiệp Hóa chất (CECO) là đơn vị trúng thầu. Sau khi CECO lập xong dự án đầu tư xây dựng, ngày 26/2/2009, Chủ tịch HĐQT PVB ban hành Quyết định phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư 1.317,5 tỷ đồng.
Năm 2009, PVC đã xin PVN chỉ định thầu và được PVN chấp thuận giao cho thực hiện gói thầu EPC. Chính vì vậy, dự án mới được xây dựng theo hình thức Tổng thầu (EPC) giữa chủ đầu tư với Liên danh PVC-Alfa Laval (Ấn Độ).
Đến ngày 20/3/2009, Tổng giám đốc PVN có Văn bản số 1882/DKVN-QLĐT, chỉ đạo Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) và người đại diện phần vốn của PVN tại Tổng công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí – Công ty CP (DMC), Tổng công ty Tài chính CP Dầu khí Việt Nam (PVFC) xem xét năng lực và nhu cầu thực tế để giao cho PVC thực hiện gói thầu EPC Dự án nhà máy sản xuất cồn NLSH phía Bắc theo hình thức chỉ định thầu.
Tuy nhiên, theo Thanh tra Chính phủ kết luận: Khi đảm trách thực hiện các công việc quan trọng của dự án, PVC lại hạn chế về năng lực, chưa có kinh nghiệm thực hiện dự án NLSH dẫn tới việc dừng thi công Dự án Phú Thọ gần 5 năm, vi phạm Hợp đồng EPC, vi phạm quy định của Luật Đấu thầu và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ khiến dự án bị đội vốn hàng chục triệu USD.
Đáng nói, sau đó PVN và chủ đầu tư tiếp tục mắc sai phạm khi tự ý miễn việc bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh tiền tạm ứng cho PVC. Cụ thể, theo quy định của Hợp đồng, nhà thầu PVC phải có báo cáo bảo lãnh thực hiện hợp đồng là 3% giá trị của Hợp đồng với số tiền 1,293 triệu USD và bảo lãnh tiền tạm ứng 20% giá trị Hợp đồng với số tiền 8,26 triệu USD, nhưng PVC đã được PVN và chủ đầu tư cho phép miễn thực hiện. Việc này đã vi phạm Khoản 6.12, Điều 6.0 về Nghĩa vụ của nhà thầu quy định trong Hợp đồng EPC.
Sau khi thực hiện Hợp đồng, không chỉ thao túng nhằm mục đích tăng giá trị hợp đồng hàng chục triệu USD, đến ngày 22/7/2011, PVC tiếp tục có văn bản đề nghị PVB tăng giá trị hợp đồng lần thứ 2 thêm 17,318 triệu USD.
Trong khi phía chủ đầu tư chưa chấp thuận, tháng 11/2011, PVC đã đơn phương dừng thi công dự án, đề nghị chủ đầu tư và PVN xem xét, tìm nhà thầu khác có đủ năng lực, kinh nghiệm để hỗ trợ PVC thực hiện dự án.
Cỏ mọc um tùng tại Dự án NLSH Phú Thọ
Mặc dù chủ đầu tư đã nhiều lần có văn bản đề nghị PVC tiếp tục thực hiện dự án, nhiều lần báo cáo với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và PV Oil về tình trạng dự án, nhưng vẫn chưa tìm ra hướng xử lý triệt để.
Các cơ quan chức năng cũng kết luận, do PVC thiếu năng lực về kỹ thuật, tài chính, kinh nghiệm nên dẫn đến dự án phải dừng thi công, vi phạm Hợp đồng EPC, gây hậu quả nghiêm trọng: Toàn bộ máy móc, thiết bị lắp đặt bị han gỉ, vốn đầu tư 1.534 tỷ đồng chưa được phát huy, tăng chi phí lãi vay, việc thi công bị ngưng trệ…
Theo báo cáo của chủ đầu tư PVB, sau khi PVC dừng thi công, chi phí phát sinh từ ngày 1/12/2011 đến 31/12/2014 là 392 tỷ đồng. Trong số này, ngoài khoản lãi vay 329,6 tỷ đồng, chi phí đào tạo cán bộ kỹ thuật và phát triển vùng nguyên liệu đã bị lãng phí. Đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư PVB, nhà thầu PVC và PVN vẫn chưa có giải pháp, dự án ngày càng lâm sâu vào tình trạng bế tắc, tiềm ẩn nguy cơ khó tiếp tục thực hiện.
Người dân vô cùng bức xúc khi "bờ sôi ruộng mật" của mình "biến" thành một "xác chết khổng lồ"...
Theo ghi nhận của PV, hiện tại, cổng vào nhà máy luôn đóng cửa im ỉm, cơ sở hạ tầng xuống cấp, hoen gỉ, cỏ mọc bao phủ khắp khối nhà xưởng, máy móc… khiến đông đảo người dân địa phương vô cùng bức xúc. Bởi, họ đã nhường đất sản xuất của mình để xây dựng nhà máy, những tưởng sẽ thay đổi bộ mặt địa phương, nhưng không ngờ lại lâm vào tình trạng bi đát như vậy.
Xin được nhắc lại rằng, thời điểm UBND tỉnh Phú Thọ thu hồi đất sản xuất của người dân để phục vụ dự án này, đã gặp phải rất nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Nhà đầu tư liên tục thúc ép, người dân ra sức bảo vệ bờ xôi ruộng mật của mình. Hàng loạt đơn thư vượt cấp được gửi đi khắp nơi, cuối cùng chính quyền địa phương phải sử dụng biện pháp cưỡng chế thi công để hỗ trợ nhà đầu tư lấy mặt bằng, vậy mà bây giờ đây dự án bỏ hoang, nằm trơ trơ như một... xác chết khổng lồ?
Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Tuấn Ngọc