THCL Ngoài việc không khảo sát đền bù, GPMB gây lãng phí 1,125 tỷ đồng; sai phạm trong chỉ định nhà thầu; đàm phán, ký kết và điều chỉnh giá trị hợp đồng; điều chính tổng mức đầu tư…, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ trong quá trình thực hiện Hợp đồng EPC và sử dụng vốn đầu tư, bảo lãnh việc thực hiện hợp đồng, bảo lãnh tiền tạm ứng, PCB, PTSC và PVN đã để xảy ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại dự án Dung Quất.
Lễ khởi công gói thầu EPC tại dự án Dung Quất
Sai phạm trong thực hiện Hợp đồng EPC
Theo Kết luận Thanh tra số 2634/KL-TTCP ngày 3/10/2016 của Thanh tra Chính phủ, về báo lãnh thực hiện hợp đồng, theo quy định, khi thực hiện dự án Dung Quất, nhà thầu PTSC phải có bảo lãnh thực hiện hợp đồng là 10% giá trị của hợp đồng với số tiền 5,91 triệu USD và bảo lãnh tạm ứng 20% giá trị hợp đồng với số tiền 11,83 triệu USD.
Tuy nhiên, PVN (có Quyết định số 7575/QĐ-DKVN ngày 29/9/2009) và chủ đầu tư PCB đã cho phép nhà thầu PTSC miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng EPC là vi phạm quy định tại Điều 55 Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11 ngày 29/11/2005.
Với những sai phạm trong thực hiện Hợp đồng EPC, trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư PCB, nhà thầu PTSC và Tập đoàn PVN
Cụ thể: Nhà thầu trúng thầu phải thực hiện biện pháp đảm bảo thực hiện hợp đồng trước khi hợp đồng có hiệu lực và quy định tại Khoản 6.12, Điều 6.0 của Hợp đồng EPC về “Nghĩa vụ của nhà thầu”; việc miễn bảo lãnh tiền tạm ứng 11,83 triệu USD là vi phạm quy định tại Khoảng 6.12, Điều 6.0 của Hợp đồng EPC về “Nghĩa vụ của nhà thầu”.
Với những sai phạm trên, trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư PCB và Tập đoàn PVN.
Về tiến độ, kết quả thực hiện hợp đồng, Thanh tra Chính phủ cũng nêu rõ, ngày 1/1/2014, chủ đầu tư và liên doanh nhà thầu đã có Biên bản nghiệm thu, bàn giao số 01-IA/BRS-BF-PTSC, theo đó hai bên đã xác nhận nghiệm thu bàn giao 34/36 hạng mục (còn lại hạng mục Điện hơi và Xử lý nước thải). Đến thời điểm thanh tra, đã bàn giao được 35/36 hạng mục (còn lại hạng mục Xử lý nước thải). Qua kiểm tra cho thấy:
Đối với hạng mục Điện hơi: Ngày 5/3/2014, chủ đầu tư và nhà thầu PTSC có Biên bản số M-BSR-BF-PTSC-0055, hai bên đã thống nhất một số thay đổi về tiêu chuẩn, kỹ thuật, tăng thời gian bảo hành thêm 6 tháng đối với 13 mô tơ và giảm giá gói thầu 200.000 USD. Đến thời điểm thanh tra, việc giảm trừ số tiền 200.000 USD này chưa thực hiện.
Đối với hạng mục Xử lý nước thải (chưa bàn giao): Nhà thầu PTSC đề xuất phương án xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học, được chủ đầu tư chấp thuận, nhưng sau khi hoàn thành chỉ đáp ứng 60% - 65% công xuất hoạt động của nhà máy.
Ngày 4/7/2014, PVN có Văn bản số 4530/TB-DKVN thông báo Kết luận của Tổng giám đốc Tập đoàn: “Đồng ý với đề xuất của chủ đầu tư và nhà thầu chấp dứt Hợp đồng EPC và xử lý trách nhiệm của các bên theo quy định của Hợp đồng EPC, yêu cầu chủ đầu tư xem xét, lựa chọn nhà thầu thay thế có đủ năng lực hoàn thành hạng mục Xử lý nước thải”. Đến thời điểm thanh tra, hai bên vẫn chưa có phương án giải quyết theo quy định của Hợp đồng EPC.
Về tiến độ thực hiện dự án: Do một số hạng mục khi chạy thử chưa đạt tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc chưa đạt 100% công suất dẫn đến thời gian chạy thử bị kéo dài, PVN đã có Văn bản số 1517/TB-DKVN ngày 24/2/2011 thông báo Kết luận của Chủ tịch HĐTV, đồng ý cho gia hạn thời gian hoàn thành dự án đến ngày 15/11/2011. Như vậy, tính đến ngày bàn giao 34/36 hạng mục thì tiến độ thực hiện dự án chậm 24 tháng.
Thanh tra Chính phủ kết luận: “Nhà thầu PTSC thi công dự án Dung Quất chậm tiến độ 24 tháng, làm tăng chi phí cho chủ đầu tư và trách nhiệm thuộc về nhà thầu PTSC, chủ đầu tư PCB, tư vấn quản lý dự án (BQL Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất).
Bên cạnh đó, nhà thầu PTSC thi công hạng mục xử lý nước thải chỉ đáp ứng 60% - 65% công suất của nhà máy, chủ đầu tư PCB và PTSC đã thống nhất thay đổi xuất xứ, tiêu chuẩn thiết bị và giảm giá gói thầu Điện hơi 200.00 USD nhưng chưa thanh toán, trách nhiệm thuộc về PTSC và PCB”.
Đầu tư kém hiệu quả, Nhà máy Dung Quất lỗ khoảng 164 tỷ đồng
Về việc sử dụng vốn đầu tư tại dự án Dung Quất, Thanh tra Chính phủ cho biết, tổng mức đầu tư được phê duyệt điều chỉnh là 1.886,988 tỷ đồng; tổng số tiền đến thời điểm ngày 10/11/2014 là 2.225,87 tỷ đồng; tổng số tiền đã sử dụng cho dự án là 2.124,025 tỷ đồng, vượt tổng mức đầu tư được duyệt 237,037 tỷ đồng, vi phạm quy định tại Khoản 3 Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 của Chính phủ về Quản lý chi phí trong hoạt động xây dựng.
Theo Báo cáo của Công ty CP NLSH Dầu khí miền Trung (PCB), năm 2014, Nhà máy NLSH Dung Quất lỗ khoảng 164 tỷ đồng
Về hiệu quả đầu tư, Thanh tra Chính phủ cho biết, các chỉ tiêu kinh tế trong thực hiện đầu tư, cũng như sau khi nhà máy hoàn thành và đi vào hoạt động đều không đạt theo Báo cáo đầu tư dự án. Cụ thể:
Về vốn đầu tư đã qua sử dụng cho dự án là 2.124,025 tỷ đồng, tăng 631 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư khi phê duyệt dự án (tăng 42%) làm tăng chi phí khấu hao tài sản cố định và chi phí vốn vay dẫn đến tăng giá thành sản phẩm.
Về giá mua sắm nguyên liệu khi lập dự án là 1.650 đồng/kg, tại thời điểm thanh tra khoảng 4.446 đồng/kg (tăng 170% so với thời điểm lập dự án), trong khi chi phí nguyên liệu chiếm 58% giá thành sản phẩm khi lập dự án (hiện nay chiếm khoảng 65% giá thánh sản phẩm) dẫn tới tăng giá thành sản phẩm.
Thị trường dầu thế giới khi lập dự án đầu tư khoảng 120 USD/thùng, sau khi nhà máy hoàn thành thì giá dầu thế giới giảm sâu dẫn đến giá bán sản phẩm Ethanol giảm theo, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất Ethanol nhiên liệu.
Thị trường tiêu thụ xăng E5 tại Việt Nam hiện nay còn thấp, do đó việc tiêu thụ sản phẩm Ethanol còn hạn chế, nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí không vận hành thương mại nhưng vẫn phát sinh những chí phí tối thiểu như điện, nước, chi phí quản lý, bảo dưỡng, khấu hao tài sản cố định, lãi vốn vay…
Như vậy, từ những nguyên nhân nêu trên, đã dẫn đến việc đầu tư các nhà máy sản xuất NLSH chưa có hiệu quả. Theo báo cáo của Công ty CP NLSH Dầu khí miền Trung (PCB), năm 2014, Nhà máy NLSH Dung Quất lỗ khoảng 164 tỷ đồng.
Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Tuấn Ngọc