Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Ký kết Chương trình phối hợp hoạt động giữa Bộ Công Thương và VCCI

Sáng 7/5/2020 tại trụ sở Bộ Công Thương, Chương trình phối hợp hoạt động giữa Bộ Công Thương với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chính thức được ký kết.

Tham dự Lễ ký kết về phía Bộ Công Thương có Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng và Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng và Thủ trưởng các đơn vị. Về phía VCCI có Chủ tịch Vũ Tiến Lộc, cùng Phó Chủ tịch, Tổng thư ký, các Trưởng ban và cán bộ phụ trách chuyên môn của VCCI.

Phát biểu tại Lễ ký, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá cao chương trình phối hợp giữa hai bên và cho rằng thời gian qua VCCI đã thể hiện được vai trò là một tổ chức có uy tín, tham mưu cho Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, kinh doanh và đại diện để bảo vệ quyền lợi và xúc tiến hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong điều kiện tiếp tục hoàn thiện thể chế thị trường và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. VCCI đã tập hợp trong tổ chức của mình một cộng đồng đông đảo doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, sự phối hợp, đồng hành này của VCCI với Bộ Công Thương là nền tảng quan trọng cho sự đồng thuận và lan tỏa kịp thời tinh thần chỉ đạo, các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến cộng đồng doanh nghiệp đồng thời cũng là một kênh thông tin vô cùng quan trọng giúp các Bộ, ngành trong đó có Bộ Công Thương có cơ hội được trao đổi, đánh giá trong quá trình tham mưu xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế của chúng ta đang bước vào một “trạng thái bình thường mới” với nhiều khó khăn và thách thức cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp, với tinh thần quyết tâm cao để thực hiện tốt, có hiệu quả các chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh hy vọng Chương trình phối hợp được ký kết này sẽ là tiền đề quan trọng cho những hoạt động thiết thực, hiệu quả phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân nói riêng.

Ký kết Chương trình phối hợp hoạt động giữa Bộ Công Thương và VCCIKý kết Chương trình phối hợp hoạt động giữa Bộ Công Thương và VCCI

Trên tinh thần cầu thị, Bộ Công Thương đã trao đổi, thống nhất với VCCI về việc hai bên khẩn trương xây dựng một Chương trình phối hợp công tác giữa hai bên hướng đến mục tiêu cao nhất là phục vụ một cách tốt nhất, hiệu quả nhất người dân, doanh nghiệp. Theo đó, Chương trình phối hợp lần này là một Chương trình phối hợp toàn diện, bao trùm với 3 trụ cột hành động chính là: Hoạt động xây dựng, hoàn thiện, tuyên truyền, phổ biến thể chế, pháp luật, điều ước quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại; Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Để cụ thể hóa các trụ cột này, Chương trình cũng đã chỉ rõ một loạt các hoạt động rất cụ thể trong các ngành lĩnh vực của ngành Công Thương như công nghiệp, thương mại trong nước, thương mại quốc tế, cạnh tranh, quản lý thị trường, năng lượng và hội nhập kinh tế quốc tế. Chương trình cũng nêu rõ quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thực hiện các hoạt động cũng như nêu rõ hai bên sẽ cụ thể hóa hơn nữa, có trọng tâm, trọng điểm các hoạt động theo Chương trình công tác từng năm.

Trong thời gian qua, cùng với sự phối hợp của VCCI, Bộ Công Thương đã tiếp nhận được nhiều ý kiến góp ý từ các doanh nghiệp, hiệp hội để góp phần hoàn thiện dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành…  Bộ Công Thương luôn nỗ lực thực hiện công tác đơn giản hóa TTHC, cắt giảm điều kiện đầu tư – kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp quản lý, tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, công tác CCHC nói chung và cải cách TTHC nói riêng luôn được Bộ trưởng, Lãnh đạo Bộ, đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sát sao, gắn liền với trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị và các đồng chí Thứ trưởng theo lĩnh vực phụ trách.

Hàng năm, Bộ Công Thương thực hiện rà soát đánh giá tổng thể các TTHC, để xây dựng, ban hành phương án đơn giản hóa, cắt giảm TTHC và đảm bảo khả năng thực thi của các TTHC được đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa. Trong những năm qua, Bộ Công Thương luôn lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo chất lượng công tác CCHC của mình: Song song với xây dựng nhiều kênh tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị (PAKN) của người dân, doanh nghiệp. Hàng năm, Bộ Công Thương thường xuyên duy trì tổ chức nhiều diễn đàn, hội nghị, tọa đàm lấy ý kiến tổ chức, cá nhân về quy định, TTHC ngành Công Thương nhằm tăng cường đối thoại, khảo sát mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân về các TTHC thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Đối với các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp: Hiện nay, dưới tác động của dịch Covid 19, các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp với thị trường chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Hầu hết hoạt động xúc tiến tương mại truyền thống theo kế hoạch bị hủy hoặc hoãn. Dịch bệnh đã buộc các quốc gia, nền kinh tế lớn của thế giới và cũng là những thị trường xuất khẩu chính và quan trọng của Việt Nam như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ... phải triển khai hàng loạt biện pháp mạnh để hạn chế virus lây lan như xiết chặt xuất, nhập cảnh, hủy hoặc hoãn các sự kiện có sự tham dự đông người dẫn đến việc nhiều hoạt động xúc tiến thương mại đã không thể triển khai trong năm 2020 như kế hoạch đề ra.

Trước những khó khăn chung của cả nền kinh tế và khó khăn riêng trong việc triển khai các hoạt động XTTM truyền thống trong thời gian gần đây, Bộ Công Thương đã khẩn trương và thường xuyên đánh giá tác động theo từng diễn biến của dịch Covid-19, đồng thời rà soát tình hình triển khai công tác xúc tiến thương mại trên cả nước, thường xuyên trao đổi với VCCI, các hiệp hội, ngành hàng, trung tâm XTTM địa phương và nghiên cứu, kịp thời đề xuất các giải pháp, kiến nghị cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19:

Bộ Công Thương đã phối hợp với VCCI hướng dẫn các địa phương, Hiệp hội ngành hàng, tổ chức XTTM và doanh nghiệp áp dụng các hinhg thức mới trong hoạt động XTTM, kết nối thị trường thông qua các nền tảng số, trên môi trường internet... như kết nối giao thương trực tuyến giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác có nhu cầu nhập khẩu; tuyên truyền quảng bá doanh nghiệp và sản phẩm, thương hiệu sản phẩm của Việt Nam đến người tiêu dùng trong nước và thế giới.

Bộ Công Thương đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý quan hệ khách hàng (Customer Relationship Management  - CRM) tích hợp cơ sở dữ liệu doanh nghiệp xuất nhập khẩu (XNK) của Việt Nam (theo nhóm ngành hàng, khu vực địa lý, quy mô, loại hình doanh nghiệp (DN), năng lực sản xuất xuất khẩu, nhu cầu XNK…) nhằm chia sẻ quyền truy cập hệ thống cho các đơn vị thuộc Bộ, hệ thống các Thương vụ, Trung tâm XTTM của Việt Nam tại nước ngoài để cùng khai thác, sử dụng để tăng cường khả năng kết nối cơ hội kinh doanh, đầu tư. Hiện tại, hệ thống đã có danh sách trên 5.000 doanh nghiệp đã được phân loại theo nhóm, ngành hàng XNK có nhu cầu hỗ trợ tìm kiếm thị trường XK.

Việc xây dựng và triển khai đề án “Tổ chức kết nối giao thương trực tuyến trên các ứng dụng internet (webinar)” của Bộ Công Thương bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng giúp doanh nghiệp tiếp cận được thị trường xuất khẩu trong bối cảnh  COVID19 thông qua hàng trăm lượt giao thương trực tuyến của các lĩnh vực, ngành hàng với các đối tác trên khắp thế giới  như Trung Quốc, Canada, Nepal, Ấn Độ, Singapore, Sri Lanka, Thổ Nhĩ Kỳ, Uzbekistan... Đặc biệt, các hội nghị giao thương trực tuyến này giúp hàng vạn doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm, kết nối được với các đầu mối sản xuất, cung ứng vật tư, nguyên liệu, sản phẩm phòng chống dịch và tìm đầu ra cho nông sản trong bối cảnh xuất khẩu sang thị trường chính Trung Quốc gặp nhiều khó khăn.

Trong thời gian tới, để tiếp tục triển khai các chương trình hội nghị, hội thảo trực tuyến theo hướng đa dạng thị trường, ngành hàng đảm bảo hiệu quả cao hơn nữa, Bộ Công Thương đã lập kế hoạch phối hợp với VCCI và các tổ chức XTTM trong và ngoài nước tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, giao thương trực tuyến, góp phần hỗ trợ các Doanh nghiệp Việt Nam có thêm các cơ hội kết nối thị trường, phát triển thị phần, vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid 19 gây ra; Đồng thời, dưới những xu hướng tác động của cuộc cách mạng 4.0, việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến trong kinh doanh của mỗi doanh nghiệp là điều tất yếu. Điều này được xem như chìa khóa vàng giúp doanh nghiệp Việt Nam tiết kiệm chi phí giao dịch, gặt hái thành công trong thời kỳ hội nhập và đổi mới. Việc áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động XTTM sẽ giúp giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp như hạn chế tiếp xúc trực tiếp, khoảng cách địa lý xa xôi, giao thông không thuận tiện, thiên tai, dịch bệnh để kết nối  hiệu quả với thị trường...

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với VCCI thực hiện đa dạng hóa, hiện đại hóa các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống như: hội thảo, đào tạo, phối hợp tổ chức các chương trình hội chợ, triển lãm để giúp doanh nghiệp Việt Nam nói chung, thành viên của VCCI nói riêng tăng thêm cơ hội kết nối hiệu quả với thị trường xuất khẩu…

Tăng cường phối hợp với VCCI và hệ thống các Thương vụ, Trung tâm XTTM Việt Nam ở nước ngoài

Với các nền tảng công nghệ thông tin được phát triển thời gian qua, thông qua sự phối hợp với VCCI sẽ cho phép thiết lập cơ chế liên kết bảo đảm trao đổi thông tin thông suốt giữa các doanh nghiệp Việt Nam là thành viên của VCCI, Hiệp hội ngành hàng, Trung tâm XTTM địa phương với các Thương vụ, Trung tâm XTTM Việt Nam ở nước ngoài với các đầu mối liên quan của Bộ Công thương và VCCI ở khắp cả nước. Đây là cơ sở giúp doanh nghiệp Việt Nam thuận lợi hơn trong việc tiếp cận, kết nối với thị trường, giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu.

Tận dụng triệt để các FTA đã ký kết và có hiệu lực, trong đó có Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được đưa vào thực thi và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) sắp được phê chuẩn và có hiệu lực (dự kiến trong năm 2020) để thúc đẩy xuất khẩu

VCCI hiện là thành viên của Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế nên việc phối hợp hoạt động giữa Bộ Công Thương và VCCI thời gian qua rất chặt chẽ trong các thông tin tuyên truyền và hoạch định chính sách về Hội nhập kinh tế quốc tế. Dưới ảnh hưởng của dịch Covid 19, Bộ Công Thương phối hợp với VCCI tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin thông qua nhiều hình thức đặc biệt là hình thức online về cam kết của các FTA mà Việt Nam tham gia, đặc biệt là cho Doanh nghiệp vừa và nhỏ, sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực thi cam kết.

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại

Để giúp doanh nghiệp ứng phó với những khó khăn về tiếp cận thị trường do COVID19 gây ra, Bộ Công Thương đã xây dựng một số đề án XTTM tinh gọn, lên kế hoạch chi tiết và có phương án triển khai cụ thể để triển khai nhanh các hoạt động XTTM, tham gia các sự kiện XTTM, kết nối giao thương ngay khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát thành công tại các quốc gia trên thế giới, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt tại các thị trường sớm hết dịch như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc,… Đặc biệt, tập trung  khai thác các thị trường/khu vực thị trường hiện đang có các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với Việt Nam. Mở rộng triển khai kết nối giao thương trực tuyến với các thị trường khác như châu Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan, Đông Nam Á, Trung Đông... Theo đó, ưu tiên kết nối xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam và thuộc diện ưu tiên của các nước, cụ thể các mặt hàng nông, thủy sản, thiết bị y tế và nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu. 

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với VCCI và các hiệp hội ngành hàng, địa phương nghiên cứu xây dựng một số đề án mang tính cấp bách, có thể triển khai ngay và có tính khả thi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn về thị trường tiêu thụ để bổ sung vào Chương trình cấp quốc gia về XTTM 2020.

PV

Bài liên quan

Tin mới

NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam và Học viện Tài chính tăng cường hợp tác
NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam và Học viện Tài chính tăng cường hợp tác

Thỏa thuận hợp tác toàn diện giai đoạn 2024 - 2029 vừa được ký kết giữa Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Học viện Tài chính - sẽ là đòn bẩy giúp tăng cường thế mạnh của mỗi đơn vị trên hành trình hướng tới thành công...

Xử lý nghiêm doanh nghiệp xăng dầu không xuất hóa đơn điện tử
Xử lý nghiêm doanh nghiệp xăng dầu không xuất hóa đơn điện tử

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký ban hành Công điện 2036/CĐ-BCT gửi Tổng cục Quản lý thị trường và các Cục Quản lý thị trường tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.

5 món đồ làm bếp được quảng cáo hay mà dễ bị bỏ xó?
5 món đồ làm bếp được quảng cáo hay mà dễ bị bỏ xó?

Những người bán sản phẩm quảng cáo rất thú vị và hấp dẫn về công dụng của những món đồ làm bếp này. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, người tiêu dùng đã lãng quên chúng?

Hà Nội: 4 nhóm vấn đề quan trọng sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 15
Hà Nội: 4 nhóm vấn đề quan trọng sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 15

Tại Kỳ họp thứ 15 (kỳ họp chuyên đề), HĐND TP. Hà Nội sẽ xem xét, quyết định liên quan tới 4 nhóm vấn đề quan trọng, trong đó có giá dịch vụ khám, chữa bệnh.

Diễn biến phiên chứng khoán sáng 29/3: Cổ phiếu bluechip suy yếu, VN-Index biến động
Diễn biến phiên chứng khoán sáng 29/3: Cổ phiếu bluechip suy yếu, VN-Index biến động

Trong phiên giao dịch chứng khoán sáng nay, tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn khiến thị trường chững lại. Chỉ số VN-Index biến động rung lắc nhẹ khi nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường trong những phiên gần đây đang trở nên yếu hơn. Nhóm cổ phiếu bluechip cũng phần lớn đều đảo chiều giảm.

Quý I/2024 GDP tăng 5,66%, riêng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,98%
Quý I/2024 GDP tăng 5,66%, riêng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,98%

Số liệu do Tổng cục Thống kê công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I của các năm từ 2020-2023.