Đề án "Phát triển kinh tế đô thị Thành phố Hà Nội": GRDP đến năm 2025 là 85%, năm 2030 là 90% (Ảnh: TL).

Giàu có, nhưng họ có tinh thần yêu nước

Sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918), số lượng doanh nhân Hà Nội tăng dần và hình thành giai cấp tư sản dân tộc. 

Họ tham gia sản xuất, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực:

Cụ Bạch Thái Bưởi, kinh doanh vận tải đường sông, khai khoáng và đóng tàu;

Các cụ Ngô Tử Hạ, Vũ Đình Long, Nguyễn Văn Vĩnh, in ấn;

Cụ Trịnh Đình Kính, đồ thủy tinh, sản phẩm mang nhãn hiệu Thanh Đức;

Cụ Trần Văn Thành, gạch ngói xây dựng, sản phẩm nhãn hiệu Hưng Ký;

Cụ Cự Doanh, chuyên các sản phẩm dệt kim;

Vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô – Hoàng Thị Minh Hồ, chuyên các sản phẩm lụa...

Theo định hướng, thành phố phía tây trực thuộc Thủ đô Hà Nội - là thành phố khoa học & công nghệ và giáo dục & đào tạo với hướng hiện đạ; thành phố phía bắc nghiên cứu chức năng đô thị dịch vụ, hội nhập quốc tế gắn với Cảng hàng không cửa ngõ quốc tế Nội Bài (Ảnh: Thùy Chi)

Đội ngũ doanh nhân Hà Nội ra đời trong điều kiện không thuận lợi, tại Việt Nam, phải cạnh tranh với giới kinh doanh Pháp, thương nhân Hoa kiều và các công ty mại bản có từ cuối thế kỷ XIX, đã lớn mạnh vào đầu thế kỷ XX. Họ lại càng phát đạt qua chính sách khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1907 - 1914) và lần thứ hai (1919 - 1928) của Chính phủ Pháp.

Song, các nhà tư sản dân tộc của Hà thành phát triển, xây dựng DN, không chỉ có tiếng ở trong nước, mà trên toàn cõi Đông Dương.

Sản phẩm thủy tinh của doanh nhân Thanh Đức, không chỉ tiêu thụ khắp Đông Dương, mà còn xuất khẩu sang Algérie, Tuynidi và Maroc.

Sản phẩm gạch ngói của doanh nhân Hưng Ký, nổi tiếng trên toàn cõi Đông Dương, đủ sức cạnh tranh với gạch satic của Pháp và có mặt trong cả các công trình tại Singapore.

Tiếng tăm của doanh nhân Cự Doanh, còn vang tới tận Madagascar (châu Phi) khi sản phẩm dệt kim Cự Doanh XK sang xứ sở này.

Doanh nhân Ngô Tử Hạ - trở thành một trong 300 doanh nhân "có máu mặt" ở Đông Dương.

DN Quảng Hưng Long, được đánh giá là công ty XNK lớn nhất Bắc Kỳ, có vai trò quan trọng trong XK của Hà Nội.

Chính những doanh nhân này đã hình thành nên giai cấp tư sản Thủ đô.

Nhà tư sản yêu nước Đỗ Đình Thiện và vợ Trịnh Thị Điền - một trong số những người Hà Nội đầu tiên tham gia kháng chiến

Giàu có, nhưng họ có tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, mong muốn nước nhà độc lập, thoát khỏi sự đô hộ của thực dân Pháp.  

Những năm 1932 - 1945, doanh nhân Đỗ Đình Thiện đã tham gia các hoạt động yêu nước như phong trào Mặt trận bình dân, ủng hộ tiền cho Báo Lao động (Le Travail); tuyên truyền, vận động đưa người của Đảng Cộng sản Việt Nam vào Viện Dân biểu.

Năm 1943, đồng chí Nguyễn Lương Bằng vượt ngục ở Nhà tù Sơn La, bắt liên lạc với vợ chồng cụ Đỗ Đình Thiện - Trịnh Thị Điền, tại nhà riêng - Số 54 Hàng Gai (Hà Nội), được hai cụ giúp cho 3 vạn đồng Đông Dương. Đầu năm 1945, hai cụ lại nhờ cụ Vũ Đình Huỳnh chuyển tới đồng chí Nguyễn Lương Bằng 10 vạn đồng.

Đầu những năm 1940, ngôi nhà Số 54 Hàng Gai - trở thành "nhà khách" của các nhà cách mạng.

Ngày 1/9/1945, hai cụ Đỗ Đình Thiện - Trịnh Thị Điền đã giúp 10 triệu đồng để Chính phủ mới chi dùng. Trong "Tuần lễ Vàng", gia đình cụ Đỗ Đình Thiện đóng góp 100 lạng vàng.  

Khi toàn quốc kháng chiến, Đồn điền Chi Nê (nay là xã Cổ Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) của hai cụ Đỗ Đình Thiện - Trịnh Thị Điền, đã trở thành điểm dừng chân cho một số đơn vị bộ đội trên đường vào Nam chiến đấu.

Riêng vụ lúa thu 1946 - 1947, hai cụ Đỗ Đình Thiện - Trịnh Thị Điền ủng hộ Vệ quốc đoàn Chiến khu II 200 tấn thóc để nuôi quân.  

Hai cụ Đỗ Đình Thiện - Trịnh Thị Điền đã mua lại Nhà in To-panh rồi hiến cho Chính phủ. Tờ giấy bạc 100 đồng Việt Nam (còn gọi là tờ bạc "con trâu xanh"), được in tại Đồn điền Chi Nê, khi nhà máy in chuyển lên đây.

Sau này, hai cụ Đỗ Đình Thiện - Trịnh Thị Điền còn ủng hộ một nửa cổ phần để thành lập Việt Nam công thương Ngân hàng (tiền thân của Ngân hàng quốc gia Việt Nam).

Ngày 23/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh về đến thôn Gạ (nay là phường Phú Thượng, Tây Hồ), nghỉ ở đây 1 ngày. Hôm sau, Người được Trung ương và Thành ủy bố trí đến ở tại gác 2 Số nhà 48 Hàng Ngang, của gia đình cụ Trịnh Văn Bô – Hoàng Thị Minh Hồ.  

Vợ chồng nhà tư sản Trịnh Văn Bô – Hoàng Thị Minh Hồ đã hiến hơn 5.000 lạng vàng cho cách mạng

Để bảo đảm bí mật, vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô – Hoàng Thị Minh Hồ đã trực tiếp chăm sóc Bác Hồ. Chính tại nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Sau này, vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô – Hoàng Thị Minh Hồ đã hiến tặng ngôi nhà cho Nhà nước và hiện Nhà 48 Hàng Ngang - trở thành Di tích Lịch sử - Văn hóa cách mạng.

Không chỉ góp phần làm rạng rỡ nền thương nghiệp nước nhà, Nhà máy Gạch Hưng Ký (Phúc Yên - nay thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội), của doanh nhân Trần Văn Thành, còn là nơi Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập vào tháng 8/1929.

Cụ Vương Thị Lai, ở tuổi 28 đã góa chồng, nhưng tự tay gây dựng cơ nghiệp của mình bằng nghề buôn bán tơ lụa. Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền mới ra đời, gặp phải muôn vàn khó khăn, cụ đã mang tài sản mà mình có được nhờ lao động với mồ hôi, nước mắt để ủng hộ cách mạng. Cụ đã đóng góp 109 lạng vàng cho cách mạng trong "Tuần lễ Vàng" đầu tiên ở Hà Nội. Mặc dù 2 con đang học tập tại Pháp, nhưng cụ vẫn cống hiến cả gia tài cho cách mạng.

Trước tình cảm của cụ Vương Thị Lai với cách mạng, ngày 10/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng cụ Vương Thị Lai chiếc Huy chương hình ngôi sao bằng vàng. Đây là tấm huy chương đặc biệt - quà tặng của Việt kiều yêu nước ở Trung Quốc gửi biếu Bác…

Cụ Vương Thị Lai, người đóng góp 109 lạng vàng trong “Tuần lễ Vàng”

Vị “mạnh thường quân” của cách mạng

Doanh nhân Ngô Tử Hạ (sinh năm 1882), là con của người vợ lẽ của một nông dân nghèo khó, đi khẩn hoang ở miền đất ven biển Qui Hậu (Kim Sơn, Ninh Bình). Cụ Ngô Tử Hạ lấy vợ sớm, rồi chẳng may vợ mất. Mới 17 tuổi, cụ đã phải nuôi 2 đứa con côi.  

Sau đó, vì nghèo đói, cụ tìm đường ra Hà Nội kiếm kế sinh nhai. Lúc đầu, cụ Ngô Tử Hạ làm thợ cho Nhà in IDEO của Pháp, tuy vất vả, nhưng cụ vẫn kiên nhẫn làm. 
Vài năm sau, cụ Ngô Tử Hạ đã dành dụm được một số tiền, đủ để mua được một chiếc máy in vỏ thẻ hương, tự mình làm một cửa hàng in, rồi về quê đón 2 con lên Hà Nội.

Doanh nhân Ngô Tử Hạ (hàng trên, ngoài cùng bên trái) - đại biểu cao tuổi nhất của Quốc hội Khóa I (Ảnh: Internet)

Rồi cụ gặp được một bà góa trẻ tuổi, chưa có con, song có một khoản vốn liếng kha khá. Hai người kết hôn, cụ Ngô Tử Hạ có thêm lưng vốn để làm ăn. 

Lúc đầu, cụ Ngô Tử Hạ phải đi thuê cơ sở đặt máy, lập nhà in. Nhưng khi công việc kinh doanh đã gặt hái được những thành công nhất định, cụ quyết định mua hẳn 1 khu đất rộng bên đường phố Lý Quốc Sư, gần Đền thờ Lý Triều Quốc sư, lại gần Nhà thờ lớn Hà Nội, để xây dựng nhà in. 

Nhà in Ngô Tử Hạ lại được trang bị nhiều máy in, chất lượng hiện đại bậc nhất thời ấy, thợ in đông, giải quyết chóng vánh, chất lượng các hợp đồng in ấn. Uy tín của nhà in Ngô Tử Hạ ngày càng được khẳng định với khách hàng trong và ngoài nước.

Không chỉ kinh doanh giỏi, cụ Ngô Tử Hạ còn là một người sớm giác ngộ cách mạng, giàu lòng yêu nước. Thời đó, cụ Ngô Tử Hạ được đánh giá là một trong 300 nhà tư sản “máu mặt” xứ Đông Dương. Trước cách mạng, cụ được xem là “mạnh thường quân” của các trí thức yêu nước muốn in ấn sách báo.

Nhà in của cụ cũng ủng hộ Việt Minh hàng tạ chữ chì để in truyền đơn phục vụ Cách mạng Tháng Tám. 

Cụ Ngô Tử Hạ đã hiến cho Nhà nước một lượng tài sản khổng lồ:

Nhà số 24 - 48 Lý Quốc Sư và 2/12 Ngõ Huyện (diện tích 2.251 m2); Nhà số 60 Nguyễn Du (diện tích 1.095 m2); Nhà số 8 Lý Quốc Sư (diện tích 84 m2); Nhà số 4 Ngõ 339 Thịnh Yên (diện tích 2.210 m2); Nhà số 31 Hàng Bông (diện tích 182 m2).

Gia đình chỉ giữ lại 200 m2 ở Số nhà 24 - 48 Lý Quốc Sư và 2/12 Ngõ Huyện để ở và sau này làm nơi thờ tự. Những giọt mực cuối cùng ở Nhà in Ngô Tử Hạ, đã cho dùng để in những đồng bạc đầu tiên của Chính phủ Cụ Hồ, trước khi nhà in  bị quân Pháp đốt cháy trong đêm Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946.

cụ Ngô Tử Hạ còn được Nhân dân tỉnh Ninh Bình, quê cũ bầu làm Đại biểu Quốc hội Khóa I, khi đã 64 tuổi (đại biểu cao tuổi nhất). Tại phiên họp đầu tiên của Quốc hội Khóa I (2/3/1946), cụ Ngô Tử Hạ được suy tôn Chủ tịch đại hội đồng, Chủ tọa kỳ họp Quốc hội, cụ trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Quốc hội...  

Top 10 doanh nhân được trao Giải thưởng Doanh nhân trẻ Thăng Long 2018

Ngày 10/9/1955, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thành lập, cụ Ngô Tử Hạ được bầu làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, rồi tham gia Ủy ban Liên lạc những người công giáo Việt Nam yêu nước, yêu hòa bình.

Đến trước khi mất, cụ Ngô Tử Hạ là Thứ trưởng Bộ Thương binh - Cựu binh (sau này là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội).

Động lực quan trọng của kinh tế Thủ đô

Tự hào những thành quả, sự đóng góp to lớn của cộng đồng DN, doanh nhân vào sự phát triển chung của Thủ đô, suốt những năm qua, cộng đồng DN Hà Nội, trong đó có DNNVV đã không ngừng phát triển, đổi mới và hội nhập.

Thành phố không ngừng đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giảm thời gian, giảm chi phí cho DN như duy trì 100% hồ sơ đăng ký thành lập DN qua mạng; hải quan điện tử đạt 100%; khai thuế qua mạng đạt gần 100%; nộp thuế điện tử đạt gần 100%; rà soát, đơn giản hóa trên 430 thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, thành phố đã ban hành các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo với mục tiêu xây dựng Hà Nội thành trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của cả nước, nơi kết nối các nguồn lực của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp sáng tạo trong cộng đồng.

Khu vực kinh tế tư nhân, tiếp tục phát triển mạnh mẽ - trở thành một động lực quan trọng của kinh tế Thủ đô. Các DN đã đóng góp nguồn vốn lớn cho phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô.

Tỷ trọng đầu tư xã hội, đã dịch chuyển mạnh mẽ từ khu vực nhà nước sang khu vực ngoài nhà nước. Với nguồn lực đó, kinh tế Thủ đô đã đạt mức tăng trưởng khá, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của cả nước.

Từ 2020, HBA tổ chức bình chọn và trao "Giải thưởng Doanh nhân Thăng Long”

Đội ngũ DNNVV của thành phố ngày càng khẳng định vai trò nòng cốt, tiên phong trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô. Nhiều doanh nhân đã thể hiện rõ phẩm chất, bản lĩnh của doanh nhân Việt Nam hiện đại:

Năng động, sáng tạo, chủ động hội nhập, khẳng định vị thế, đảm bảo kinh doanh ổn định, phát triển; đồng thời, luôn có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, đồng hành cùng thành phố trong các chương trình an sinh xã hội.

Bên cạnh sự phát triển về sản xuất, kinh doanh, các DN Hà Nội luôn chú trọng xây dựng văn hóa DN, doanh nhân, làm theo lời Bác.

Theo nguyện vọng của cộng đồng doanh nhân và các DN hội viên nhằm tôn vinh và ghi nhận những thành tích xuất sắc của các doanh nhân Thủ đô, kể từ năm 2020, Hiệp hội DN Hà Nội (HBA) tổ chức bình chọn và trao giải thưởng cho các doanh nhân tiêu biểu có nhiều thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô.

Giải thưởng mang tên “Giải thưởng Doanh nhân Thăng Long” - được trao tặng trong chương trình Gala Doanh nhân Thăng Long hằng năm.

Đại diện VCCI, Chủ tịch HBA, TS. Nguyễn Hồng Sơn cho biết:

“Để thực hiện được điều này, chúng tôi mong muốn nhận được sự lãnh đạo trực tiếp của UBND TP. Hà Nội và cũng đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo các sở ban ngành phối hợp cùng với HBA trong công tác đánh giá, bình chọn và tổ chức trao tặng "Giải thưởng Doanh nhân Thăng Long” cho các doanh nhân tiêu biểu của Thủ đô.

Năm 2024, Hà Nội có 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ

Chúng tôi cũng tin tưởng sâu sắc rằng, đội ngũ doanh nhân Thủ đô sẽ tiếp tục phát huy vai trò chủ động, sáng tạo xứng đáng là động lực quan trọng trong công cuộc đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng Thủ đô yêu quý của chúng ta ngày càng giàu  đẹp”.

Khi vị thế của đội ngũ DN, doanh nhân Thủ đô ngày càng được khẳng định là lực lượng tiên phong, thì những đóng góp của họ vào quy mô phát triển của nền kinh tế, sẽ tạo ra hàng triệu việc làm. Cùng với đó, việc DN, doanh nhân Thủ đô tích cực tham gia các hoạt động bảo đảm an sinh xã hội, đền ơn, đáp nghĩa, xóa đói, giảm nghèo... sẽ ngày càng có giá trị - tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ hơn. 

HBA kỳ vọng, hoạt động của và các DN hội viên sẽ ngày càng có sự phối hợp, liên kết chặt chẽ, mang lại hiệu quả tích cực. Các DN hội viên HBA đang từng bước nâng cao uy tín, chất lượng thương hiệu sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu DN; tham gia có hiệu quả vào các chuỗi giá trị ngành hàng và các chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần quảng bá hình ảnh và nâng cao vị thế của DN Thủ đô trên trường quốc tế.

Sự đóng góp to lớn của cộng đồng DN

Theo Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV TP. Hà Nội TS. Mạc Quốc Anh, suốt 70 năm qua, trong sự phát triển của Hà Nội, không thể không nhắc đến sự đóng góp to lớn của cộng đồng DN; từ việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, đến đổi mới sáng tạo…

Việc phát triển và phát huy vai trò của DN ở Hà Nội, đã góp phần giải phóng, phát triển sức sản xuất và phát huy nội lực vào phát triển kinh tế - xã hội; góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách và tham gia giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội và giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội trên địa bàn.

Doanh nghiệp tại địa bàn Hà Nội 

Đặc biệt, sau hơn 15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, DN, doanh nhân đã khẳng định vai trò, bản lĩnh trong thời kỳ mới, đóng góp phát triển kinh tế - xã hội… nhờ sức mạnh cộng hưởng, xứng đáng là đầu tàu của đất nước.

Hà Nội hiện có khoảng 370.000 DN. Số lượng DNNVV chiếm 98% - đã và đang đóng góp khoảng 50% GRDP trên địa bàn…

Trong 15 năm qua, Hà Nội luôn duy trì tăng trưởng cao hơn, đóng góp tích cực vào tăng trưởng cả nước, thực sự khẳng định vai trò của DN, doanh nhân trong thời kỳ mới của đất nước.

Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện từng bước, gắn với niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước được nâng lên. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố, từ năm 2008 đến nay, đều hoàn thành và vượt dự toán được giao.

"Các DN, nhất là DNNVV, tạo ra hàng triệu việc làm cho người dân, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp và nâng cao mức sống của người lao động tại Hà Nội. Cùng với đó, thông qua các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đóng thuế, DN đã đóng góp đáng kể vào ngân sách của thủ đô…", TS. Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các DN lớn tại Hà Nội thường đi đầu trong việc ứng dụng các công nghệ mới và đổi mới sáng tạo; điều đó không chỉ giúp nâng cao năng suất, mà còn tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới, đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Nhiều DN đã chủ động tham gia vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, như xây dựng khu đô thị, hệ thống giao thông và các công trình công cộng, góp phần làm thay đổi bộ mặt của Thủ đô, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân; đồng thời, hỗ trợ cộng đồng và phát triển bền vững…

Đột phá cải cách thủ tục hành chính

Thời gian tới, để hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, các DN mong muốn, lãnh đạo thành phố tiếp tục đột phá mạnh mẽ về cải cách thủ tục hành chính, với nền công vụ hiện đại, đổi mới công tác cán bộ, công chức thực sự vì cộng đồng DN, vì người dân, để tạo nên một bước ngoặt lớn.

Doanh nghiệp tại địa bàn Hà Nội 

Về giải pháp dài hạn, TS. Mạc Quốc Anh nêu khiến nghị với Nhà nước:

Cần có các chính sách hỗ trợ - nâng tầm DN, thông qua nhiều giải pháp như sớm sửa đổi Luật Hỗ trợ DNNVV chuyển hướng, từng bước cụ thể các chính sách hỗ trợ DN từ chiều rộng, dàn trải sang chiều sâu, tạo điều kiện cho DN cơ cấu lại năng lực sản xuất nhằm phát triển ổn định, lâu dài;

Tăng cường hơn nữa công tác hỗ trợ - tư vấn để DN tiếp cận dễ dàng và sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ về vốn, tín dụng…

Đối với các chương trình công tác, để hỗ trợ kịp thời, lãnh đạo thành phố cần thường xuyên đối thoại với DN và có báo cáo kết quả giải quyết các vướng mắc, kiến nghị.

Công tác triển khai việc hỗ trợ trực tiếp, thông qua các gói hỗ trợ, nội dung hỗ trợ, xúc tiến đầu tư, cũng như giải pháp tháo gỡ khó khăn, phát triển DN nên có báo cáo đánh giá hiệu quả, kết quả sau khi hỗ trợ… để thấy rõ kết quả DN được thụ hưởng chính sách.

Lãnh đạo UBND Thành phố:

Cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN, hộ kinh doanh như thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các chương trình hành động, kế hoạch triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh;

Tạo thuận lợi cho DN, người dân, trên cơ sở rà soát, kiểm tra, cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, tăng chi phí, gây phiền hà cho người dân và DN;

Đồng thời, tăng cường hơn nữa các hoạt động tiếp xúc, đối thoại; thực hiện hiệu quả kế hoạch nâng cao các chỉ số phục vụ người dân và DN…

Thông qua Hội chợ Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội 2023, các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ có thêm cơ hội để đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối giao thương, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, tạo điều kiện để các DN tham gia có hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, XK, phát triển thị trường trong nước và XK, gắn nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh với thực hiện chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, khuyến mại tập trung, kích cầu tiêu dùng, khuyến công...; qua đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp, thương mại, XK...

Có thể khẳng định, từ sau ngày giải phóng đến nay, các DN đã và đang đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Thủ đô Hà Nội.

Họ không chỉ là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế, mà còn là những nhân tố quyết định cho sự thay đổi và tiến bộ xã hội, góp phần xây dựng một Thủ đô văn hiến, văn minh và hiện đại.

Theo TS. Mạc Quốc Anh, từ nay đến năm 2030, các DN tại Hà Nội sẽ không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, mà còn dẫn đầu trong các xu hướng phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo, hội nhập quốc tế. Vai trò của họ, sẽ ngày càng quan trọng hơn trong việc xây dựng một Thủ đô hiện đại, phát triển bền vững và hội nhập toàn cầu.

Hà Nội - Thủ đô ngàn năm văn hiến, điểm đến lý tưởng cho du khách thập phương (Flycam 4k)

Nếu như cụ Lương Văn Can vạch ra 10 nguyên nhân khiến các DN Việt Nam không phát triển được, thì chính những doanh nhân như trên - đã lấp đầy những khiếm khuyết đó bằng những tôn chỉ nghiêm túc trên thương trường: Thương phẩm, thương hội, tín thực, kiên tâm, nghị lực, trọng nghề, thương học, giao thiệp, tiết kiệm và coi trọng hàng nội hóa.

Các DN và doanh nhân Thủ đô đang nỗ lực, chủ động phát triển để trở thành những DN và doanh nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu. Việc cập nhật, thích ứng và triển khai các mô hình kinh doanh đột phá - là điều kiện cần thiết để tạo đà cho sự tăng trưởng trong kỷ nguyên 4.0 – 5.0, kỷ nguyên của tri thức và khoa học & công nghệ. 

Xuân Phong