Tham dự lễ kỷ niệm có Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; Trung tướng Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an; lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên qua các thời kỳ, lãnh đạo các ban, ngành Trung ương và địa phương trong khu vực.
Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phát biểu tại hội nghị
Ngày 17/7/2002, Bộ Chính trị (khóa IX) đã ra Quyết định số 46-QĐ/TW về việc thành lập Ban Chỉ đạo Tây Nguyên trong bối cảnh Tây Nguyên đang đứng trước nhiều vấn đề phức tạp, khó khăn. Ban hoạt động và chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ. Ban có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nghị quyết, quyết định, chỉ thị của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên. Nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách giải pháp để thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống vùng đồng bào DTTS. Chỉ đạo và phối hợp với các lực lượng, các cơ quan chức năng đấu tranh xóa bỏ tổ chức phản động FULRO, xử lý những vấn đề đột xuất về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.
Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã trở thành đầu mối theo dõi, nắm tình hình, kịp thời báo cáo, đề xuất với Trung ương nhiều vấn đề quan trọng, nhất là công tác đảm bảo an ninh chính trị, đấu tranh giải quyết vấn đề FULRO, phòng chống biểu tình, bạo loạn. Nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp để thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống vùng đồng bào DTTS, đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, đưa ra những đề xuất, kiến nghị nhằm đưa sinh hoạt của các tôn giáo vào nề nếp. Từ một Ban đặc thù, sau 15 năm thành lập, đến nay phạm vi hoạt động của Ban ngoài 5 tỉnh Tây Nguyên còn được mở rộng ra 29 huyện của 7 tỉnh giáp với Tây Nguyên.
Kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Ban Chỉ đạo Tây Nguyên
Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng đang phối hợp với các bộ, ngành trung ương và địa phương nghiên cứu, đề xuất nhiều chủ trương, như tổ chức hoạt động phối hợp liên kết vùng, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, các cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng biên giới…
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thượng tướng Tô Lâm nhấn mạnh, sau 15 năm bộ mặt các tỉnh Tây Nguyễn đã có những bước phát triển quan trọng. Từ một vùng khó khăn về kinh tế, phức tạp về an ninh chính trị đến nay đã có những thay đổi đáng kể, an ninh quốc phòng được giữ vững và đảm bảo.
Hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, an sinh xã hội được trú trọng, chính sách về dân tộc, tôn giáo được thực hiện nhất quán, công tác hỗ trợ sản xuất, giải quyết những vấn đề về đất đai từng bước được nâng lên rõ rệt. Hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, hoàn thiện.
Trong thời gian tới, với mục tiêu xây dựng Tây Nguyên phát triển bền vững, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cần tiếp tục phối hợp với ban, bộ, ngành, Trung ương và địa phương, nêu cao tinh thần đoàn kết, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh, tăng cường xúc tiến đầu tư, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, đa dạng hóa hoạt động du lịch, tập trung xử lý các vấn đề về đất đai, bảo vệ rừng, môi trường sinh thái, dân tộc, tôn giáo…
Ghi nhận kết quả hoạt động trong 15 năm qua, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Ban Chỉ đạo Tây Nguyên. Dịp này, Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương cũng đã tặng Bằng khen cho cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên.
Cao Diên – Hải Dương