Bài 1: Cô gái Hà thành đi chiến dịch
Vợ chồng người CCB già vẫn mang tinh thần “Điện Biên Phủ quyết chiến, quyết thắng” năm xưa vào trận chiến mới: Chống tiêu cực, chống tham nhũng…
“Khi thời cơ đến...”
Cuối năm 1953, tốt nghiệp lớp y tá, chị Nguyễn Thị Ngọc Bích tình nguyện về công tác ở Đội Điều trị 2 (Cục Quân y) để được ra mặt trận.
Lúc này, không khí thật nhộn nhịp, cả “lính cũ” và “lính mới” ai ai cũng náo nức. Rồi họ lao vào tập luyện, tập hành quân ngày, hành quân đêm. Tập cho tới khi đôi vai vác nặng mà đôi tay vẫn dẻo, đôi chân bước không biết mỏi mới thôi.
Phải tập như thế, để mai này ra chiến trường, có được tác phong khẩn trương, gọn gàng, nhanh nhẹn, phục vụ chiến đấu, phục vụ thương bệnh binh được tốt.
Tuy vất vả, mệt nhọc, nhưng ai nấy đều vui mừng, vì sắp được tham gia phục vụ một chiến dịch lớn. Chiến dịch mang tên “Trần Đình” (mật danh chiến dịch Điện Biên Phủ) .
Ngày đi chiến dịch, đường hành quân đông vui như trẩy hội. Trên đầu, chốc chốc lại có các tốp máy bay địch bay lượn thám thính; thi thoảng thót ra những tiếng sung “tắc bọp, tắc bọp” của bọn phỉ bắn lén.
Lực lượng dân công hỏa tuyến vận chuyển hàng hóa trong Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 (Ảnh: TTXVN)
Các đơn vị bộ binh, bộ đội, vai vác nặng, ngụy trang thật kỹ, họ rầm rập tiến bước, đi sâu vào những cánh rừng núi Tây Bắc…
Từng đoàn dân công, xuôi ngược gánh gồng, gùi sọt, đẩy xe đạp thồ... Vừa rảo bước, vừa cất cao giọng hò, tiếng hát. Đêm đêm, từng đoàn xe pháo như - những chú voi lầm lũi tiến. Núi rừng vang vọng tiếng hát của các chiến sỹ pháo thủ “chúng ta bước lên đường khi thời cơ đã đến...”.
Đi lẫn trong đoàn quân trùng trùng điệp điệp ấy, có cả các anh các chị Đội Điều trị 2. Gần 1 tháng trời trèo đèo, lội suối, hành quân vất vả, gian khổ, vượt qua phà Âu Lâu, Tạ Khoa, đỉnh Lũng Lô, đèo Cò Nòi, dốc Pha Đin...
Hành quân mải miết, đường rừng núi hiểm trở, cheo leo, có chị vấp ngã, có chị thấm mệt, sức khỏe giảm sút. Những tiếng thở dồn, xen với những tiếng chim rừng hót vang “khó khăn khắc phục, khó khăn khắc phục” - như có sự đồng cảm, sự khích lệ động viên. Mọi người cười vang, xốc ba lô bước tiếp con đường ra phía trước.
Càng gần tới mặt trận, máy bay trinh sát của địch càng lùng sục gắt gao. Thi thoảng lại nghe tiếng “oàng” - một quả đạn pháo nổ gần, lửa lóe sáng cả một góc rừng.
Chăm sóc thương bệnh binh tại chiến trường Điện Biên Phủ
Khi đội của chị Bích hành quân ngang qua một rừng chuối, thì bị địch phục kích dữ dội. Chiến sỹ trẻ y tá Thuần trúng đạn địch hy sinh, hai người khác bị thương.
Đau thương, mất mát, đứng lặng bên thi hài người đồng đội, toàn Đội xin hứa với người đã khuất:
Đội Điều trị 2 ra mặt trận - quyết tâm phục vụ thương binh thật tốt, chăm sóc thương binh mau lành để sớm trở về đơn vị chiến đấu, tiêu diệt quân thù, trả thù cho đồng chí Thuần thân yêu…
Chăm sóc thương binh…
Đội Điều trị làm nhiệm vụ của một bệnh viện dã chiến tuyến 1: Tiếp nhận thương binh từ các trung đoàn trực tiếp chuyển về nên vị trí của Đội bám sát chiến trường.
Chị Ngọc Bích cùng với một y tá khác, được phân công phục vụ anh em thương binh nặng, Tổ do quân y điều trị Phạm Ngọc Phú phụ trách. Ngoài ra, tổ còn được bổ sung 4 nữ dân công để làm công tác hộ lý.
Anh chị em tranh thủ hội ý chớp nhoáng và phân công mỗi người mỗi việc (kiểm tra lán trại, hầm hào, chuẩn bị thuốc men, bông băng, dụng cụ y tế, đun sẵn nước sôi...) để sẵn sàng tiếp đón thương binh.
Tiếng đạn pháo ầm ầm, tiếng nổ tứ chiếng của các loại khí đạn ở mặt trận vọng về. Chỉ khoảng chừng vài chục phút sau, đã có thương binh chuyển tới. Từ đầu dốc, tiếng dân công tải thương gọi í ới:
“Khu A đâu, khu trọng thương đâu, ra nhận thương binh!”.
Mọi người mau lẹ ra đón thương binh về lán, về hầm, sắp xếp theo từng loại vết thương để tiện theo dõi, phục vụ. Rồi các chị khẩn trương sơ cứu, rửa sạch sẽ vết thương hở bị dính đầy đất cát; kiểm tra thật kỹ rồi báo cáo với y bác sỹ những thương binh cần được phẫu thuật trước, để tránh tình trạng gây tử vong, hoặc gây hoại tử.
Đại đội thanh niên xung phong 20/12 miền Nam lấy thân mình làm trụ cầu để đồng đội tải thương binh (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc)
Chị em luôn nhắc nhở nhau nhanh chóng thực hiện mệnh lệnh điều trị, thuốc men tiêm truyền chính xác, đầy đủ!
Nhìn các anh thương binh, người mất tay, mất chân, người bị chấn thương sọ não, máu chảy đầy mặt đầy mình, ai cũng xót thương, nhiều chị không cầm nổi nước mắt.
Các chị rất khâm phục bộ đội ta. Họ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh thân mình để dành lấy chiến thắng trên chiến trường.
Trước những cảnh đó, các chị càng động viên nhau gắng sức, tận tụy chăm sóc thương binh. Từ công việc vệ sinh, lau rửa đến công tác điều trị tiêm, chích... phải làm thật khéo, thật tỉ mỉ. Nâng giấc thương binh, làm sao cho thật nhẹ nhàng.
Làm như vậy để anh em thương binh cảm thấy như được chăm sóc trong tình cảm thân thương của gia đình mình.
Đó cũng chính là những liều thuốc - làm dịu bớt nỗi đau, để họ yên tâm điều trị và thấy được Đội Điều trị là nhà, quân y với thương binh là những người ruột thịt.
Quyết chiến Quyết thắng!
Có những giây phút được thảnh thơi, chị Ngọc Bích lại bất chợt nhớ tới người chồng yêu quý của mình.
Ngày chuẩn bị đi chiến dịch, vợ chồng nên nghĩa với nhau vỏn vẹn có 6 ngày. Bịn rịn. Ngậm ngùi... Nhưng vì nhiệm vụ cấp bách nên mỗi người một nơi. Anh về đơn vị pháo cao xạ, còn chị đến với Đội Điều trị 2.
Họ đều ra mặt trận, chị nhớ và rồi chị nhủ thầm trong lòng mình “không biết lúc này anh đang chiến đấu ở mặt trận hướng nào?”…
Bộ đội và dân công mở đường từ Tuần giáo và Điện Biên Phủ (Ảnh: btctdbp-svhttdl.dienbien.gov.vn)
Kết thúc đợt 2 chiến dịch, chị được bầu là Chiến sỹ thi đua. Rồi ngày 1/5/1954, khi bộ đội ta mở màn đợt 3 chiến dịch, chị lại được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.
Ngày 7/5/195, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, Đội Điều trị 2 đã vinh dự nhận Lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” - phần thưởng cao quý của Bác Hồ trao tặng...
Năm xưa, ấy là năm 1946, cô nữ sinh quê Bắc Biên (Gia Lâm, Hà Nội) Nguyễn Thị Ngọc Bích mới học đến lớp 5 - Trường Tiểu học Lò Đúc (nay là Trường Lê Ngọc Hân), đã phải theo gia đình đi sơ tán lên Phú Thọ. Tại đây, chị tham gia kháng chiến, vào Hội Phụ nữ Cứu quốc. Năm 1949, chị là công nhân viên quốc phòng - Xưởng XB4 bào chế thuốc men, phục vụ kháng chiến, mãi trên Định Hóa (Thái Nguyên). Rồi chị theo học lớp y tá...
Năm 1959, bà Ngọc Bích về công tác ở Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương. Với nghị lực của một người cựu chiến binh, một chiến sỹ Điện Biên, bà đã cố gắng học tập, nâng cao trình độ văn hóa.
Từ lớp 5, bà Ngọc Bích lên tốt nghiệp đại học, trình độ chuyên môn từ y tá, dược tá lên dược sỹ cao cấp và công tác liên tục cho tới khi nghỉ hưu…
Bộ đội ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ
Vợ chồng ông bà Nguyễn Văn Vượng - Nguyễn Thị Ngọc Bích đều đã quy tiên. Dẫu thành tích, chiến công của một cô gái Hà thành cái thời son trẻ cách nay 70 năm chỉ khiêm nhường, nhưng đó là một phần xương máu, một phần công sức đóng góp của bà để làm nên chiến thắng: Giải phóng Điện Biên…Và với ông – trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” – là cuộc chiến cam go chống tham nhũng…
Bài 2:Cam go cuộc chiến chống tham nhũng
Ghi chép của Xuân Phong