Trung tướng Lê Hữu Đức

Tiếng hát ru bằng những vần thơ trong Truyện Kiều của các bà, các mợ thôn quê, đã có sức lay động đến lạ thường... 

Quê ông, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), một vùng đất nổi tiếng địa linh - nhân kiệt. Núi Hồng Lĩnh sừng sững. Dòng Lam Giang mãi mãi còn đây dòng họ Nguyễn Tiên Điền nổi tiếng với văn tài của Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du.

Sinh ra trên mảnh đất nổi tiếng hiếu học, nhà tuy chẳng giàu có gì, nhưng khi ông học hết sơ học yếu lược trường tỉnh, thì cha ông - một hương sư đậm chất đồ Nghệ cũng tìm mọi cách gửi ông vào Trường Thuận Hóa (Kinh thành Huế) với những mong học lên cao nữa...

“Năm 1945, Cách mạng tháng Tám bùng nổ. Đám học trò chúng tôi, ai nấy nô nức “rủ nhau” theo cách mạng và biểu tình cướp chính quyền ở An Cựu (Thừa Thiên Huế). Ngay sau đó, tôi đã cùng những người bạn tham gia lực lượng vũ trang thành Huế”, Trung tướng Lê Hữu Đức nhớ lại.

Một ngày kia, tại khu vực ngã ba Sình (Thừa Thiên Huế), sau đợt huấn luyện quân sự chớp nhoáng, như ngàn vạn người con ưu tú của dân tộc sục sôi nhiệt huyết hát vang bài ca “Phất cờ Nam tiến”, đơn vị ông được lệnh: Nam tiến.

Khi chàng tân binh Lê Hữu Đức lên đường đi chiến đấu, thì cũng là lúc anh nhận được tin báo: Cha đã mất!

Trung tướng Lê Hữu Đức kể:

“Tham gia chiến đấu tại Mặt trận Nha Trang - một trong những chiến trường cực nam Trung Bộ, tôi coi đây như là... một lớp học đầu tiên vỡ vạc cho mình biết thế nào là tác chiến, quân sự.

Khói lửa của trận chiến lớn nhất, dài ngày nhất, oanh liệt nhất đã diễn ra ở khu vực này, với sự tham gia của đông đảo các lực lượng Nam tiến, đã tôi luyện những người lính, trong đó có tôi, trở thành những chiến binh dày dạn”.

Chính cuộc chiến đấu 101 ngày đêm của quân và dân ta bảo vệ thành phố biển Nha Trang đã khơi dậy những tài năng quân sự đang ẩn chứa trong con người ông.

Và như là định mệnh, 2 năm sau, khi vừa bước vào tuổi 22, ông đã được trên giao chức vụ Tiểu đoàn trưởng, tung hoành dọc ngang mấy mươi ngày thì bị thương, cụt bàn tay trái.

Một phần xương thịt của ông gửi lại đất Đại Lộc (Quảng Nam).

Trung tướng Lê Hữu Đức, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu (Ảnh: VGP/Phương Liên)

Còn ông, từ đó gắn bó với chiến trường nam Trung Bộ suốt 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.  

Nghe theo lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, dẫu chỉ còn lại 1 tay, ông Đức kiên quyết xin được ở lại trong quân ngũ. Và rồi, người Tham mưu trưởng Trung đoàn trẻ tuổi 1 tay Lê Hữu Đức đã đi hầu khắp chiến trường nam Trung Bộ những năm 1947 - 1953.

Tôi hỏi:

- Trung tướng đã có mặt ở chiến trường nào khi ta mở Chiến dịch lịch sử điện Biên Phủ?

Ông Đức nở nụ cười:

“Tháng 6/1953, tôi được lệnh vượt Trường Sơn ra Việt Bắc, về nhận công tác ở Cục Tác chiến (Bộ Tổng tham mưu).

Khi lên Tây Bắc tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, tại Sở Chỉ huy của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ở Mường Phăng, tôi được phân công theo dõi các chiến trường miền Nam”…

Sau này, thất bại thảm hại trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, năm 1964, Mỹ đổ quân ồ ạt vào chiến trường miền Nam, tiến hành chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, hòng “bẻ gãy xương sống Việt Cộng”.

Người cán bộ quân sự, Lê Hữu Đức lại nhận lệnh vượt Trường Sơn vào tham gia chiến đấu tại Tây Nguyên - một chiến trường cực kỳ gian khổ, đói rét, bệnh tật để kịp “bám thắt lưng địch mà đánh”.

Trên chiến trường, ông là một cán bộ cao cấp nổi tiếng với phương châm “Trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một sờ”, mỗi khi ra mệnh lệnh cho bộ đội đánh chiếm các cứ điểm của địch.

Đi chuẩn bị chiến trường vào ban ngày, ông đã cùng bộ đội trinh sát lợi dụng địa hình, địa vật vào gần địch để quan sát; đêm đến, lại cùng bộ đội tiến sát công sự địch để hiểu rõ, nắm kỹ hệ thống công sự và hỏa lực.

Còn khi địch ở trong công sự vững chắc, thì bao giờ ông cũng chui qua 2 - 3 hàng rào thép gai quan sát hàng giờ...

Đêm trước chưa đạt thì liên tiếp các đêm sau thực hiện, khi nào “ngon ăn” mới thôi.

Vì ông chỉ còn một tay nên anh em trinh sát, đặc công rất “ớn” khi  đưa ông chui qua hàng rào.

Bộ đội, ai cũng thương và lo cho ông. Nhưng ông lại hết sức bình tĩnh, động viên anh em cố gắng hết mình hoàn thành tốt nhiệm vụ; từ đó làm cơ sở vững chắc để cấp trên ra những đòn diệt thù chính xác, giành thắng lợi mà bộ đội ta đỡ đổ máu.  

Qua các trang nhật ký ngồn ngộn những sự tích do ông ghi lại, qua những lời của bạn bè, đồng đội kể về ông, tôi càng thêm khâm phục vị tướng - “hổ cụt” Tây Nguyên (do bị thương mất một cánh tay thời chống Pháp) một thời khiến quân thù khiếp đảm.

Trong trận tập kích 2 đại đội Mỹ của Trung đoàn 66 tại chân núi Chư Pa (Xuân 1967), bộ đội đã chiếm lĩnh xong trận địa sẵn sàng nổ súng.

Nhưng kinh nghiệm trận mạc dày dạn và trực giác của người chỉ huy buộc ông phải suy nghĩ: Sao địch im ắng quá vậy?

Ông quyết định cùng Trung đoàn trưởng Đức Giá và Chính ủy Ngọc Châu tìm cách “mò” vào cổng chính rồi chỉ thị cho trinh sát đột nhập vào hẳn trong đồn địch.

Té ra, địch đã bí mật luồn ra ngoài mà trinh sát ta chưa nắm được. Chúng chỉ chờ ta nổ súng là dùng pháo binh và máy bay lã đạn dội lên đầu đối phương.

Rất may là ông đã kịp hạ lệnh cho bộ đội rút ra an toàn.  

Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Thiếu tướng Trần Đối, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66 tại Mặt trận Tây Nguyên thời kỳ đó, đã hết sức cảm phục về tính trực giác nhạy bén và bản lĩnh chỉ huy dứt khoát, cương quyết của người chỉ huy Lê Hữu Đức trong nhiều chiến dịch.

Ông Đối kể:

“Trong chiến dịch xuân - hè Đắc Siêng năm 1971, để giữ tuyệt đối bí mật, sát đến ngày N, Bộ Chỉ huy Chiến dịch mới điện phổ biến kế hoạch.

Chúng tôi cùng nhau nghiên cứu, bàn bạc. Anh Đức phát hiện ngay trận tấn công mở đầu chiến dịch vào Đắc Siêng sẽ gặp nhiều khó khăn vì vận dụng kinh nghiệm “vây lấn, tấn diệt” của Mặt trận Khe Sanh - Đường 9 chưa hợp lý.

Trung tướng Lê Hữu Đức (mặc áo trắng) và những người đồng đội

Chúng tôi báo cáo Tư lệnh Hoàng Minh Thảo. Quả đúng vậy, sau 6 ngày vây lấn không thực hiện được “vây lấn, tấn diệt”, ta phải chuyển qua bao vây, chỉ để lại một bộ phận pháo binh tiếp tục khống chế căn cứ Đắc Siêng, buộc địch đổ quân xuống giải tỏa để ta diệt viện.

Nhưng lúc đầu, địch chỉ đổ quân xuống phía bắc Đắc Siêng. Ta không đủ sức vừa ngăn chặn, vừa lần lượt tiêu diệt từng tiểu đoàn địch, vì ta bố trí tại bắc - nam Đắc Siêng mỗi nơi một trung đoàn.

Anh Đức đề nghị tập trung cả 2 trung đoàn vào một khu vực. Bộ Tư lệnh Chiến dịch chưa thông, anh Đức tổ chức – để Tư lệnh Hoàng Minh Thảo điện đàm với Bộ Chỉ huy chiến dịch và qua 1 ngày mới đạt được sự nhất trí.

Dưới sự lãnh đạo của Thường vụ Bộ Tư lệnh B3, sự nỗ lực của Bộ Chỉ huy chiến dịch và toàn bộ cán bộ, chiến sỹ, chiến dịch đã kết thúc thắng lợi lớn”...

Năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ chuyển sang giai đoạn tiến công chiến lược, người chiến sỹ Nam tiến năm xưa, Lê Hữu Đức lại được lệnh vượt Trường Sơn ra Bắc, về nhận nhiệm vụ cương vị Cục phó, rồi Cục trưởng Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu (từ 1972 - 1979).

Tại đây, ông được trực tiếp đóng góp công sức và trí tuệ của mình vào việc soạn thảo Kế hoạch giải phóng miền Nam mà Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương giao cho Bộ Tổng tham mưu...

Cố Nhà giáo Nhân dân, Thượng tướng - Giáo sư Hoàng Minh Thảo đã nói về Trung tướng, Phó giáo sư Lê Hữu Đức trong cuốn hồi ký của mình:

“… Tôi có hạnh ngộ được công tác với anh Đức 2 lần trong bối cảnh không gian và thời gian khác nhau.

Trên chiến trường Tây Nguyên những năm đánh Mỹ, tôi là Tư lệnh, anh Đức là Tham mưu trưởng.

Ở Học viện Quốc phòng, tôi là Giám đốc, anh Đức là Phó giám đốc.

Anh Đức là một cán bộ quân sự giỏi cả về thực tiễn lẫn lý luận. Vì vậy, dù ở vị trí công tác nào anh cũng hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc.

Từ năm 1990 đến năm 1993, anh Đức đã cùng với tập thể lãnh đạo Học viện không ngừng đổi mới công tác đào tạo, bổ túc cán bộ cao cấp các lực lượng vũ trang; nghiên cứu các đề tài khoa học nghệ thuật quân sự cấp nhà nước và cấp bộ, cũng như trong việc soạn thảo giáo trình, giáo án...

Trung tướng Lê Hữu Đức giữa đời thường

Anh Đức làm việc say sưa và đáng quý hơn cả: Là một người thẳng thắn, vì việc chung, vì lợi ích tập thể...”.

Nhiều người đã biết về Trung tướng Lê Hữu Đức, cũng có người chưa biết tên ông, thậm chí có người còn không thích ông bởi tính thẳng thắn đến bộc trực của ông.

Thế nhưng, như điều ông thường tâm niệm, con người ta đâu có là thang thuốc thập toàn đại bổ mà làm vừa lòng người cho được?

Sức khỏe tuổi già, quỹ thời gian của ông còn ít lắm, thời gian đâu mà để ý xem ai yêu mình, ai ghét mình?

Ông đâu phải loại người thích... “gặm nhấm” vinh quang của quá khứ?

Ông mong ước và làm hết sức mình để làm sao thế hệ cán bộ quân sự ngày nay vận dụng thành công và sáng tạo những kinh nghiệm xương máu của 2 cuộc kháng chiến và sự nghiệp đổi mới đất nước - hội nhập quốc tế.  

Ông dành tâm huyết cho việc viết sách, tài liệu; tham gia tổng kết chiến dịch, chiến lược trong 2 cuộc kháng chiến cho Viện Khoa học Quân sự, Học viện Quốc phòng; góp ý với các khoa chiến dịch, chiến lược về những nội dung giáo án; trao đổi kinh nghiệm tham mưu - chỉ huy với những học viên quân sự cấp sư đoàn, quân đoàn đang được đào tạo hoặc bổ túc ở Học viện...

Ông cũng dành nhiều thời giờ đi thăm hỏi bạn bè, những người cùng sát cánh bên ông trên chiến trường.

Ngày lễ, ngày Tết, ông không quên tới nghĩa trang thắp hương tưởng nhớ những người bạn, người đồng chí, người anh đã dìu dắt, giúp đỡ ông trên con đường cách mạng...

Hổ cụt Tây Nguyên và “cái đầu” trị giá hàng ngàn đô la: 17 lần bị thương trên các chiến trường, nhưng ông không chịu đầu hàng quân thù. Ông chỉ chịu dừng lại hành trình cuộc đời cực kỳ gian khổ và vinh quang ở tuổi 93, để về với người Thủ trưởng vĩ đại của mình: Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trung tướng - Phó giáo sư Lê Hữu Đức -dẫu rằng, ông đã đi xa, nhưng tên tuổi và thành tích, chiến công của ông còn mãi mãi ghi sâu...

Xuân Phong