THCL Từ ngày 1 - 4/7, kỳ thi THPT quốc gia 2016 sẽ diễn ra trên cả nước. Tính riêng trên địa bàn Hà Nội, đã có hơn 76.000 thí sinh dự thi. Chính vì vậy, công tác chuẩn bị nhằm bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn, đúng quy định đang được ngành giáo dục khẩn trương thực hiện.
Thầy trò ráo riết… ôn thi
Cho đến thời điểm này, HS trên cả nước đã chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ thi THPT quốc gia 2016 sẽ bắt đầu diễn ra vào ngày 1/7. Tại các trường THPT trên toàn quốc, việc ôn tập cho HS cơ bản đã hoàn tất. Thời điểm này, trong giờ ôn tập, giáo viên đang hướng dẫn HS sắp xếp lại kiến thức, cách làm bài thi, giữ sức khỏe, chuẩn bị tốt tâm lý cho kỳ thi với 2 mục đích vừa để xét tốt nghiệp THPT, vừa làm căn cứ xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Quan (Phú Xuyên, Hà Nội) Lê Anh Dũng cho biết, nhà trường đang chuốt lại toàn bộ kiến thức cho HS lần cuối và kết thúc ôn tập cuối tuần qua. Qua các lần thi thử của trường và thi khảo sát do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức, vẫn còn nhiều HS có điểm thi thấp, thậm chí bị điểm liệt (sẽ không được công nhận tốt nghiệp), vì vậy, trường chia 3 nhóm ôn tập: nhóm HS khá, nhóm trung bình và nhóm yếu. Đặc biệt, trường chú trọng bồi dưỡng nhóm HS yếu, tổ chức ôn luyện miễn phí cho các em.
Tại Trường THPT Trương Định, các công đoạn như ôn tập, phát phiếu dự thi đã cơ bản hoàn tất, hiện HS chủ yếu tự ôn luyện. Tuy nhiên, dù HS không đến trường học ôn, với các bộ môn có thí sinh thi, thầy cô giáo vẫn chủ động hỏi HS còn vướng mắc khâu nào, để hướng dẫn, giảng giải. Đặc biệt, vào sát ngày thi, nhà trường và các thầy cô giáo đều hướng dẫn HS cách ôn luyện, sắp xếp thời gian, kế hoạch sao cho phù hợp để các em bước vào thi với kết quả cao nhất.
Trang trải toàn bộ kinh phí coi thi
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bùi Văn Ga về công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm nay.
Theo Thứ trưởng, năm nay, các cụm thi được phân tán đều trong cả nước. Do đó, số lượng thí sinh ở mỗi điểm thi không đông, công việc cũng nhẹ nhàng hơn, chứ không khó khăn như năm ngoái. Trước thông tin cho biết các địa phương cũng như các trường ĐH được cử về địa phương coi thi lo lắng về kinh phí đi lại, ăn ở của các cán bộ giám thị trong thời gian coi thi, Thứ trưởng Ga khẳng định, các địa phương không phải lo lắng khi điều động giáo viên của mình tới các địa điểm được phân công. Kinh phí đi lại, ăn ở của các giám thị trong thời gian thực hiện nhiệm vụ này do Nhà nước lo. Đối với những địa phương khó khăn, Bộ sẽ chủ động xử lý những vướng mắc trong công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.
Báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội cho thấy, cho đến thời điểm này, Hà Nội đã chính thức lên danh sách và chuẩn bị đầy đủ điều kiện cho 104 điểm thi cho kỳ thi THPT quốc gia trên toàn thành phố. Trong số 5 cụm thi do trường ĐH chủ trì thì Học viện Kỹ thuật Quân sự có số thí sinh đăng ký dự thi đông nhất với 16.350 thí sinh. ĐH Lâm nghiệp là cụm thi có ít thí sinh dự thi nhất với 6.577 em. Cụm thi có nhiều thí sinh dự thi nhất là cụm thi do Sở GD&ĐT Hà Nội chủ trì với 16.442 em.
Theo chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Ngô Văn Quý, Trưởng BCĐ thi thành phố, các cụm thi phải phản ánh thường xuyên công tác triển khai qua cơ quan thường trực của thành phố tại Sở GD&ĐT, nơi điều hành giải quyết các vấn đề liên quan đến kỳ thi. Cơ quan thường trực sẽ tiếp nhận các thông tin từ cụm thi và từ Bộ GD&ĐT kịp thời. UBND Thành phố sẽ thành lập 2 đoàn kiểm tra, rà soát điều kiện cơ sở vật chất và điều kiện an ninh trật tự từ nay đến khi diễn ra kỳ thi.
Phó chủ tịch UBND Thành phố cũng yêu cầu Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Tài chính cần triển khai việc chuyển kinh phí tổ chức thi ngay cho các trường ĐH chủ trì cụm thi; yêu cầu các sở, ban, ngành cần có phương án bảo đảm an toàn tuyệt đối vận chuyển đề thi, in sao đề thi, an toàn giao thông xung quanh điểm thi… Đặc biệt, các trung tâm y tế phải vào cuộc dưới sự chỉ đạo thống nhất phương án cụ thể từ Sở Y tế để bảo đảm ứng phó kịp thời với các tình huống xảy ra với hơn 76.000 thí sinh dự thi
Cao Huyền