Có thể nói, năm 2022 là năm thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều giai đoạn diễn biến tiêu cực, dòng tiền có xu hướng rời bỏ thị trường. Chứng khoán chịu nhiều tác động từ các yếu tố vĩ mô như: Rủi ro lạm phát toàn cầu, Fed tăng lãi suất…

Trong nước, trạng thái thắt chặt thanh khoản và mặt bằng lãi suất tăng cao, đầu tư công giải ngân chậm… do rủi ro từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, quá trình thanh lọc sai phạm trên thị trường chứng khoán (TTCK) và áp lực tỷ giá và lạm phát.

Dòng tiền và sự quan tâm của nhà đầu tư dự kiến tăng lên sau khi có thông tin về kết quả kinh doanh có kiểm toán và mùa đại hội thường niên tới. Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Dòng tiền và sự quan tâm của nhà đầu tư dự kiến tăng lên sau khi có thông tin về kết quả kinh doanh có kiểm toán và mùa đại hội thường niên tới. Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Hai tháng cuối năm 2022, nhờ khối ngoại đẩy mạnh giải ngân, dòng tiền mới hồi phục. Khối ngoại mua ròng đạt khoảng 32,1 tỷ đồng chỉ trong 02 tháng 11-12/2022. Tính trên hai sàn niêm yết, trong cả năm 2022, khối ngoại ghi nhận mua ròng hơn 30,2 tỷ đồng. Ngay trước Tết Nguyên đán (tính tới ngày 13/01/2023), giá trị giao dịch bình quân chỉ còn ở mức 8,6 nghìn tỷ đồng/phiên.

Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, nếu nhà đầu tư nước ngoài duy trì hành động này trong những phiên tới thì tình hình sẽ khá lạc quan.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và chiến lược thị trường CTCK VNDirect cho biết,  dòng vốn ngoại được kỳ vọng sẽ tiếp tục đổ vào thị trường trong những tháng đầu năm 2023, khi mà hiện nay định giá chứng khoán trong nước đang về vùng thấp trong lịch sử.

Dòng tiền của nhà đầu tư nội cũng được kỳ vọng sẽ dần quay lại thị trường sau kỳ nghỉ Tết cổ truyền để tìm kiếm các cơ hội sinh lời. Bởi trước Tết dương lịch và Tết âm lịch, dòng tiền đã rút khỏi thị trường, còn hiện nay đã có nhiều thông tin về hỗ trợ thị trường trong những tháng đầu năm 2023.

Tuy vậy, theo chuyên gia, vẫn khó để kỳ vọng vào sự tăng trưởng đột biến của dòng tiền như giai đoạn 2021 - đầu năm 2022, do bối cảnh mặt bằng lãi suất vẫn duy trì ở mức cao. 

Ông Đinh Quang Hinh cũng đưa ra nhận định: "Xu hướng dòng tiền sẽ chỉ phục hồi nhẹ sau Tết và đà phục hồi chỉ rõ rệt hơn trong nửa sau của năm 2023 khi xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới dừng lại, áp lực lên tỉ giá và mặt bằng lãi suất trong nước hạ nhiệt".

Còn theo ông Trương Hiền Phương, Giám đốc CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam, cơ sở để thu hút dòng tiền và sự quan tâm của nhà đầu tư chính là thông tin về kết quả kinh doanh có kiểm toán và mùa đại hội thường niên tiếp sau đó.

Dựa trên các yếu tố thông tin đưa ra, dòng tiền sau Tết sẽ tham gia một cách tích cực hơn,  dòng tiền gia nhập thị trường sẽ tăng khi có nhiều thông tin tích cực được đưa ra.

Hồng Nhung (t/h)