Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. (Ảnh: Tuấn Anh)
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. (Ảnh: Tuấn Anh)

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Phiên họp cấp cao Khóa họp thường kỳ lần thứ 55 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (HĐNQ LHQ) từ 26-28/2 tại Geneva (Thụy Sỹ) và thăm chính thức Ireland.

Trong thời gian qua, Việt Nam tiếp tục đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế, ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng được giữ vững, vị thế và uy tín quốc tế ngày càng cao.

Những chính sách và nỗ lực nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong việc lấy người dân làm trung tâm, chủ thể và động lực của tiến trình phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau cùng những thành tựu được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Phát huy vai trò, cương vị thành viên tích cực, có trách nhiệm

Theo Đại biện lâm thời, Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ, Tổ chức thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva Cung Đức Hân cho biết, tại HĐNQ, trong thời gian qua, nhất là trong nhiệm kỳ 2014-2016, Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia, để lại nhiều dấu ấn, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tại nhiệm kỳ 2023-2025 này, Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò thành viên tích cực trên tinh thần “Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Tất cả các quyền con người - cho tất cả mọi người”.

Trong năm 2023, Việt Nam đã chủ động đề xuất, thúc đẩy một số sáng kiến, nhất là “Kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna” và năm sáng kiến nổi bật khác tại cả ba Khóa họp thường kỳ của HĐNQ về nhiều chủ đề khác nhau, được đánh giá cao, phù hợp với quan tâm và lợi ích của nhiều quốc gia.

“Đây là nền tảng vững chắc để Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò, cương vị thành viên tích cực và có trách nhiệm của HĐNQ trong thời gian tới, với mở đầu năm 2024 là Phiên họp cấp cao HĐNQ sắp diễn ra với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Trưởng đoàn Việt Nam”, ông Cung Đức Hân nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ triển khai một số sáng kiến hợp tác thúc đẩy và bảo đảm quyền con người, trong đó sẽ chủ trì xây dựng và thương lượng dự thảo Nghị quyết về biến đổi khí hậu và quyền con người tại Khóa họp tháng 06/2024. Việt Nam sẽ bảo vệ Báo cáo quốc gia theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ IV vào tháng 05/2024.

Ngoài ra, Việt Nam tiếp tục tham gia vào công việc chung của HĐNQ, thảo luận, đóng góp ý kiến vào các nghị quyết chuyên đề và nghị quyết về tình hình tại một số nước cụ thể. Lịch trình hoạt động cả năm 2024 là cơ sở cho Việt Nam để lại dấu ấn cho năm 2025.

Toàn cảnh một Phiên họp cấp cao Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva, Thụy Sỹ. (Nguồn: VGP)
Toàn cảnh một Phiên họp cấp cao Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva, Thụy Sỹ. (Nguồn: VGP)

Là thành viên của nhiều cơ chế đa phương quan trọng, chuyến công tác tham dự Phiên họp cấp cao Khóa họp thường kỳ lần thứ 55 HĐNQ LHQ của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp tục khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với chủ nghĩa đa phương, luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, như lời Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại Phiên họp cấp cao Khóa họp thường kỳ lần thứ 52, “Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối để giảm khác biệt, gia tăng hợp tác tại HĐNQ”.

Nâng tầm hợp tác Việt Nam-Ireland

Chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1996, quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Ireland thời gian qua có những bước phát triển tích cực. Hai bên duy trì trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp, phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế.

Đánh giá về ý nghĩa chuyến thăm của người đứng đầu Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Anh, kiêm nhiệm Ireland Nguyễn Hoàng Long cho biết, chuyến thăm đầu tiên của Bộ trưởng Ngoại giao nước ta tới Ireland sau đúng 20 năm có ý nghĩa lớn trong việc thúc đẩy quan hệ song phương. Chuyến thăm đánh dấu giai đoạn phát triển mới trong quan hệ giữa hai nước, đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững hơn, nhất là trong các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư, biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, giáo dục đào tạo và giao lưu nhân dân.

Trong chuyến thăm, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn dự kiến chào xã giao Tổng thống Michael D. Higgins và Chủ tịch Hạ viện Seán Ó Fearghaíl, có cuộc hội đàm với Phó Thủ thướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng Ireland Micheál Martin. Hai bên dự kiến trao đổi nhiều vấn đề quan trọng trong quan hệ song phương cũng như những vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm.

“Đặc biệt, chuyến thăm của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn sẽ góp phần đẩy mạnh tin cậy chính trị và thúc đẩy trao đổi đoàn cấp cao hai nước, trước mắt chuẩn bị cho chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ireland của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; làm sâu sắc hợp tác kinh tế thương mại; vận động Ireland sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) và ủng hộ Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU; thu hút đầu tư chất lượng cao từ Ireland; tăng cường hợp tác về quốc phòng – an ninh, khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo, nông nghiệp”, Đại sứ Nguyễn Hoàng Long khẳng định.

Ngoài ra, theo Đại sứ, hai bên sẽ trao đổi về việc thúc đẩy hợp tác tại các diễn đàn đa phương, phối hợp chặt chẽ trong giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu. Đồng thời, góp phần thúc đẩy vai trò cầu nối của Việt Nam và Ireland tại ASEAN và EU. Bên cạnh đó, Bộ trưởng sẽ có cuộc gặp với đại diện bà con cộng đồng, sinh viên, trí thức người Việt Nam tại Ireland.

Thời gian qua, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và Ireland tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2023 đạt 3,5 tỷ USD, giá trị xuất khẩu từ Việt Nam sang Ireland đạt hơn 340 triệu USD. Tính đến nay, Ireland có 41 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt 44,32 triệu USD, đứng thứ 61/141 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.

Trong thời gian tới, Ireland tăng cường xúc tiến các dự án đầu tư trong lĩnh vực có thế mạnh và Việt Nam có nhiều tiềm năng như công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo, nông nghiệp công nghệ cao; tăng cường trao đổi chuyên môn về thu hút đầu tư nước ngoài, áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu của OECD; các lĩnh vực trọng tâm tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia…

Lựa chọn Ireland – “hòn đảo ngọc lục bảo” của thế giới trong chuyến xuất hành đầu năm, chuyến công tác của người đứng đầu ngành Ngoại giao được kỳ vọng làm sâu sắc thêm và góp phần nâng tầm quan hệ song phương.

Theo baoquocte.vn