Tỉnh Lai Châu hiện có hơn 638.000ha đất nông nghiệp. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp của tỉnh đạt 4,23%; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 225.000 tấn; chè búp tươi 44.000 tấn; cây ăn quả các loại 54.000 tấn.
Lai Châu đã ban hành các Nghị quyết về phát triển rừng bền vững và phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Do đó Lai Châu rất chú trọng đến việc chuyển đổi số nông nghiệp để có thể áp dụng vào sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói… cũng như công nghệ xử lý phụ phẩm trong nông nghiệp, xử lý môi trường trong sản xuất…
Trong những năm qua, ngành nông nghiệp Lai Châu đã có những nỗ lực rất lớn trong việc đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất bằng việc xây dựng các mô hình sản xuất, tập huấn chuyển giao, ban hành các chính sách hỗ trợ. Đến nay, đã hình thành một số mô hình sản xuất, chế biến trong nông nghiệp áp dụng khoa học và công nghệ. Tiêu biểu như sản xuất trong nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tự động, tiết kiệm đối với các loại rau, chè, nấm đông trùng hạ thảo; áp dụng chế biến chè công nghệ tiên tiến; truy xuất nguồn gốc sản phầm nông nghiệp, xác lập quyền sở hữu trí tuệ; áp dụng mã số, mã vạch.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Hà Trọng Hải khẳng định: Tỉnh Lai Châu có nhiều lợi thế để phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như: mắc ca, chè, quế, lúa, cây ăn quả, rau màu và cây dược liệu… Trong những năm gần đây, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất và tạo điều kiện khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức, cá nhân đầu tư vào phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Thông qua Hội thảo “Ứng dụng thành tựu cuộc cách mạng 4.0 trong phát triển nông nghiệp, dược liệu”, ông Hà Trọng Hải bày tỏ mong muốn các đại biểu tham dự có cách nhìn tổng thể về việc ứng dụng thành tựu cuộc cách mạng 4.0 trong phát triển nông nghiệp của một số quốc gia trên thế giới, trong nước và trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Từ đó, trao đổi, chia sẻ, đề xuất giải pháp khoa học, công nghệ phục vụ phát triển nền nông nghiệp theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ cao và thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai.
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, Lai Châu cần tiếp tục có những chính sách cụ thể hơn nữa gắn với du lịch cộng đồng, kinh tế nông nghiệp. Những mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, dược liệu cần được kết nối thông tin, sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tế mỗi địa phương.
Các huyện, hiệp hội, doanh nghiệp khai thác triệt để những doanh nghiệp, đối tác để tìm đầu ra sản phẩm. Cục và các đơn vị sẽ luôn đồng hành với các huyện, doanh nghiệp và tỉnh về ứng dụng công nghệ 4.0 trong lĩnh vực nông nghiệp, dược liệu.
Đại diện lãnh đạo UBND huyện Tân Uyên, hợp tác xã nuôi ong, cơ sở sản xuất đông trùng hạ thảo tại huyện Nậm Nhùn, thành phố Lai Châu cũng bày tỏ mong muốn thời gian tới được tỉnh cũng như các nhà khoa học, công nghệ, doanh nghiệp trong cả nước tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để tiếp cận nhiều hơn công nghệ, khoa học trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Cụ thể như hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ trong tự động hóa mô hình nuôi cấy giống đông trùng hạ thảo; liên kết sản xuất, tiêu thụ, mở rộng thị trường sản phẩm nông sản đặc trưng tại đơn vị, địa phương.
Anh Minh